• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Những bài học ngoại giao trước ngày toàn quốc kháng chiến

(Chinhphu.vn) – Kể từ thời khắc tiếng đại bác từ Pháo đài Láng rền vang mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu, tròn 70 năm đã trôi qua. Dân tộc Việt Nam từ trong khói lửa chiến tranh “đứng dậy sáng lòa”, hàn gắn những vết thương chiến tranh, mạnh mẽ, năng động hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Nhưng những bài học lịch sử trong quá khứ vẫn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt trong giai đoạn sức mạnh mềm của ngoại giao được đề cao.

16/12/2016 07:58

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau - Ảnh tư liệu

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Việt Nam được hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì với dã tâm thôn tính nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp với sự trợ giúp của quân đội Anh đã gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Trước tình thế này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực cao nhất nhằm giữ vững hòa bình nhưng đều bị chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương làm ngơ.

Ngày 06/3/1946, tận dụng cuộc đụng độ quân sự giữa quân Tưởng và quân Pháp ở Hải Phòng, Chính phủ ta chấp nhận ký bản Hiệp định sơ bộ. Theo đó, 15.000 quân Pháp ra miền Bắc Việt Nam thay thế cho 180.000 quân Tưởng giải giáp khí giới quân đội Nhật và số quân này phải rút hết trong 5 năm. Điều này đã góp phần quan trọng làm giảm áp lực quân sự của quân Pháp đối với lực lượng kháng chiến còn non trẻ ở Nam Bộ khi đó.

Song Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 chưa ráo mực, phía Pháp đã tìm mọi cách phá hoại. Trước sức ép của dư luận Pháp, sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và đường lối đối ngoại sáng suốt, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận đàm phán chính thức với Việt Nam và mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách. Nhưng để đến được hội nghị chính thức, Pháp còn bày ra chuyện họp hội nghị trù bị ở Đà Lạt mà Hiệp định sơ bộ không quy định.

Hội nghị trù bị họp ở Đà Lạt từ ngày 19/4 đến ngày 10/5/1946 không đạt kết quả nào do phía Pháp không chịu ngừng bắn, vẫn giữ lập trường thực dân âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi nước ta. Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phái đoàn Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu vẫn lên đường sang thăm chính thức và đàm phán với Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán được bắt đầu ngày 6/7/1946 ở lâu đài Fontainebleau nhưng không đạt được kết quả nào do thái độ thiếu thiện chí của phía Pháp. Tình hình đó đặt ra hai khả năng: Hoặc là đoàn ta về nước mà không có bất cứ thỏa thuận nào; hoặc tạm thời nhân nhượng thêm một bước về những vấn đề không vi phạm độc lập, chủ quyền quốc gia, tiếp tục duy trì tình hình hòa hoãn, dù rất mong manh với Chính phủ Pháp, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và thế giới. Sau những trăn trở, cân nhắc, Hồ Chủ tịch đã đi một nước cờ táo bạo: Ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Moutet bản Tạm ước Việt-Pháp, gồm 11 điều khoản, có hiệu lực từ ngày 30/10/1946. Đây là một quyết định ngoại giao kịp thời, đúng đắn, khai thác được những khả năng ít ỏi nhất nhằm duy trì được điều kiện hòa hoãn với chính quyền Pháp. Nhờ đó, ta có thêm khoảng thời gian 3 tháng cực kỳ quý giá để chuẩn bị cho một cuộc đụng đầu không cân sức, không thể tránh khỏi với thực dân Pháp.

Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Australia Hoàng Vĩnh Thành, con trai cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám – trợ thủ đắc lực của Hồ Chủ tịch trên mặt trận ngoại giao giai đoạn 1945-1947 - Ảnh: VGP/Nguyễn Trang

Nói về sự kiện này, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Australia Hoàng Vĩnh Thành, con trai cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám – trợ thủ đắc lực của Hồ Chủ tịch trên mặt trận ngoại giao giai đoạn 1945-1947, nhận xét: “Đây là chuyến thăm nước ngoài chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới hiện đại. Chuyến thăm nhằm làm rõ lập trường chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình của Chính phủ Việt Nam, đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn của giới cầm quyền thực dân hiếu chiến ở Pháp và Đông Dương; tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ ở Pháp. Việc hội nghị Fontainebleau họp ngay trên đất Pháp khẳng định địa vị hợp pháp của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và làm rõ sự đối lập về lập trường giữa 2 nước trong quá trình thương lượng. Quyết định của Hồ Chủ tịch đàm phán và ký với phía Pháp Tạm ước 14/9 vào giờ phút cuối cùng là nhằm cứu vãn hòa hoãn, tránh một sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ hai nước, giữ gìn khả năng tiếp tục thương lượng hòa bình về một giải pháp song phương lâu dài.”

Tuy đã ký và cam kết thực hiện Tạm ước 14/9/1946, song với dã tâm muốn tái chiếm Việt Nam, quân Pháp lại tiếp tục kiếm cớ gây hấn tại Hải Phòng và Lạng Sơn trong tháng 11/1946. Ngày 18/12/1946, Bộ Chỉ huy Quân đội Pháp gửi cho Chính phủ Việt Nam tối hậu thư thứ nhất, tự cho mình quyền đem quân đến chiếm đóng một số địa điểm xung yếu ở Hà Nội. Chiều cùng ngày, chưa cần biết ta có chấp nhận hay không, chúng đã điều quân tới chiếm giữ, đóng sẵn lều trại. Cũng chiều 18/12, quân Pháp gửi cho ta tối hậu thư thứ hai, trắng trợn vu cáo rằng công an thành phố Hà Nội “không làm tròn nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự”, và đe dọa “Quân đội Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm việc trị an ở Hà Nội”. Sáng sớm hôm sau, chúng gửi tối hậu thư thứ ba đòi phía ta phải tước vũ khí của tự vệ tại Hà Nội, phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, phải trao cho Quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong Thành phố.

Trước những luận điệu ngang ngược, cố tình gây chiến của quân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã họp, thống nhất kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Ngày 19/12/1946, tại làng lụa Vạn Phúc, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10 km, Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong đó Người nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên”.

Sáng 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thúc giục muôn triệu người dân Việt Nam nhất tề xông tới với lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cách đây 70 năm là một tuyên bố cương quyết thể hiện ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam bảo vệ độc lập dân tộc, không chịu khuất phục cường quyền, không chịu quay trở lại kiếp nô lệ.Quyết định này được đưa ra sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao đầy thiện chí của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong giai đoạn 19/8/1945-19/12/1946 bị phía Pháp đáp lại bằng thái độ thực dân ngạo mạn, hiếu chiến.

Theo Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành, từ thực tiễn các sự kiện lịch sử trên, có thể rút ra một vài bài học lớn trong công tác ngoại giao thời kỳ này. Bài học đầu tiên là vận dụng sáng tạo, hiệu quả bài học kinh nghiệm của Lenin và chính quyền Nga Xô viết năm 1918 khi ký hiệp ước Nga-Đức tại Brest-Litovsk để nước Nga có thể rút ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Đó là tạm thời hy sinh không gian, tranh thủ thời gian để củng cố, xây dựng lực lượng cách mạng. Bài học thứ hai là “Dĩ bất biến ứng vạn biến” tức là giữ vững mục tiêu, nguyên tắc, chiến lược cách mạng, nhưng có thể linh hoạt những vấn đề về sách lược. Phải tỉnh táo, sáng suốt lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, và nhân nhượng có nguyên tắc. Và quan trọng hơn hết, trong mọi hoàn cảnh đều phải đặt lợi ích quốc gia, quyền lợi dân tộc lên trên hết.

Nguyễn Trang

(ghi theo trao đổi với nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
nước CHXHCN Việt Nam tại Australia Ho
àng Vĩnh Thành)