Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lớp chiến sỹ trẻ tham quan Bảo tàng Công binh. Ảnh: VGP/Khánh Hà |
Lê Ngọc, quê Quảng Nam, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270, khi đứng trước một "ông ngoáo ộp" - quả bom cỡ 4 tấn (đã được xử lý) đang trưng bày tại Bảo tàng Công binh, cho hay thật khó hình dung khi phát nổ, quả bom này sẽ tác quái thế nào với người dân và đất đai quanh nó.
Đây có lẽ không chỉ là nỗi niềm của riêng người chiến sĩ công binh trẻ tuổi mà còn là ý nghĩ của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ công binh và cả những ai đã từng bước chân vào Bảo tàng Công binh, tận mắt thấy hàng nghìn quả bom mìn đủ loại được tìm thấy sau chiến tranh. Ai cũng ước muốn loại bỏ được bom mìn để cuộc sống bình yên.
Chứng kiến hoặc biết về nỗi đau của gia đình hơn 100.000 người bị chết và bị thương do bom, mìn sót lại sau chiến tranh, chúng ta mới hiểu được chiến tranh dù đã kết thúc gần 40 năm, nhưng hậu quả của nó thật nặng nề.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tiễn, công tác tại Trung tâm Công nghệ Xử lý Bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), thường xuyên đến Bảo tàng mỗi khi nhớ về đồng đội, về quãng thời gian các anh cùng nhau gỡ từng quả bom. Anh cho biết dù đã nghiên cứu rất kỹ từng loại bom nhưng độ nguy hiểm của chúng rất bất thường, không thể lường trước được. Năm 2001, Đại úy công binh Nguyễn Văn Hòa, đồng đội của anh, đã hy sinh khi xử lý quả bom ở phía bắc đèo Đá Đẽo, Quảng Bình.
Năm 2012, một học sinh tiểu học ở Đoan Hùng (Phú Thọ) nhặt được một quả bom bi, do không biết là bom nên em mang tới trường chơi. Quả bom phát nổ và gây thương tích cho nhiều học sinh khác… Thiếu tá Tiễn nói đây là một trong những câu chuyện anh thường kể với mọi người, nhất là các đoàn khách tham quan từ trường tiểu học, qua đó muốn chỉ cho các em biết cách phòng tránh.
Thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Nguyễn Điệp, cán bộ tuyên truyền Bảo tàng Công binh, cho biết hiện tại Bảo tàng có hơn 8.000 hiện vật, trong đó gần 5.000 hiện vật đã được trưng bày, mỗi hiện vật mang một câu chuyện. Có những câu chuyện là minh chứng hùng hồn về lòng dũng cảm, sự say mê tìm tòi của cán bộ, chiến sĩ công binh không quản ngại nguy hiểm trong rà phá bom mìn. Nhưng cũng có những câu chuyện đau lòng, nhất là chuyện về những đứa trẻ lớn lên trong thời bình nhưng vẫn trở thành nạn nhân của bom mìn ngay trong lúc chơi đùa...
Nhìn tấm bản đồ bom mìn do Trung tâm Dữ liệu Bom mìn phía Mỹ cung cấp, trong đó hiện rõ mật độ ném bom của không quân Mỹ trong 8 năm chiến tranh phá hoại (1964-1972), anh Lê O Y Son, (quê Phú Yên), nhập ngũ năm 2012, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 293, cho biết ở buôn làng anh cũng có người vướng phải mìn thành thương tật. Vì thế, anh mong muốn tiếp bước cha anh đi khắp đất nước để dọn sạch bom mìn, góp công trả lại màu xanh cho đất, giữ gìn cuộc sống bình yên.
Theo Đại tá Trần Mạnh Tưởng, Giám đốc Bảo tàng Công binh, những ngày diễn ra triển lãm “Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên”, lượng khách đến tham quan đông hơn. Điều đó thật đáng mừng vì qua những dịp này, các anh lại có điều kiện cảnh báo mọi người, nhất là các em nhỏ, về tác hại và sự nguy hiểm của bom mìn, cách đề phòng nó trong đời sống hằng ngày...
Khánh Hà