Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, có lẽ ấn tượng nhất đối với mỗi người chính là hình ảnh những ngôi chùa đang hiện hữu tại các đảo. Dù quy mô có thể khác nhau, nhưng những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa luôn mang đậm nét văn hóa truyền thống, là "cột mốc tinh thần", là một trong những điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Chùa Trường Sa tọa lạc tại trung tâm đảo Trường Sa (Thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hóa), nằm trong quần thể với Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ.
Theo Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa Lương Xuân Giáp, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cùng đồng bào cả nước, đến nay 9 ngôi chùa trên 9 đảo của huyện đảo Trường Sa bao gồm Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa đều đã được tôn tạo, phục dựng với cấu trúc tổng thể, phong cách kiến trúc cảnh quan thuần Việt. Trong đó, có nhiều ngôi chùa đã hiện hữu từ rất lâu đời trên các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Phan Vinh, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca…
Chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây là ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở huyện đảo Trường Sa với lối kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút.
Tọa lạc tại đảo Phan Vinh, chùa Vinh Phúc được xây dựng ở ngay gần biển với pho tượng Phật ngọc được chế tác tinh xảo. Còn tại đảo Sinh Tồn, chùa Sinh Tồn có thờ bài vị của 64 Liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến ngày 14/3/1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma. Sân chùa có Bia tưởng niệm những người con đất Việt kiên trung, bất khuất đã kết thành "vòng tròn bất tử"…
Anh Lê Duy Phương, Chủ tịch MTTQ Thị trấn Trường Sa cho biết, những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân mà còn là biểu hiện rõ nét, sinh động của đời sống văn hóa, tinh thần người Việt nơi biển, đảo từ hàng trăm năm trước.
Đã thành lệ, các chùa đều thỉnh chuông ngày hai lần vào 5h và 18h, khi tiếng chuông chùa vang lên cũng là thời điểm bắt đầu những hoạt động thường nhật của một ngày mới trên các đảo. Tiếng chuông chùa như cộng hưởng với gió biển, với lòng người và mang theo những nguyện cầu bình an cho mọi nhà.
Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp nhưng những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đều có đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, nhà chính điện, nhà tiền đường với mái nghiêng, lợp ngói và đầu đao cong vút, mang nét đặc trưng riêng của kiến trúc chùa Việt. Họa tiết hoa văn trang trí mái, cột, bậc tam cấp đục trạm hình hoa sen, hoa cúc, hình rồng, mây cuốn thời Lý-Trần.
Tất cả hệ thống tên chùa, văn bia, hoành phi, các bức đại tự, câu đối đều được sơn son thếp vàng và sử dụng chữ tiếng Việt như một sự khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền và văn hóa Việt Nam. Điều đặc biệt là, các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa đều có chính điện hướng về Thủ đô Hà Nội với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về "trái tim" của cả nước.
Một người lính hải quân đã có những vần thơ lắng đọng ân tình sau nhiều năm gắn bó với huyện đảo Trường Sa: "Tiếng chuông ngân giữa biển Trường Sa/Ngỡ tiếng chuông chùa cổ kính làng ta/Bao la đại dương, tiếng chuông hòa tiếng sóng/Tiếng niệm Phật Di Đà... tiếng kinh cầu ê a.../Tiếng chuông ngân tiếng lòng ta lay động".
Thầy Thích Nhuận Đạt, Trụ trì chùa Trường Sa chia sẻ, trong tâm thức truyền thống, ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có đình, có chùa. Đình, chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh, là nơi người Việt gửi gắm khát vọng an yên. Và ở quần đảo Trường Sa cũng vậy, hình ảnh ngôi chùa từ lâu đã luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con nơi biển, đảo xa xôi và có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người sinh sống, thực hiện nhiệm vụ ở các đảo. Mọi người đến chùa cũng là hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về đất liền và cầu mong sóng yên, biển lặng, may mắn, an lành…
Giữa nơi muôn trùng khơi, vào thời khắc bình minh hay khi chiều tối, người dân trên các đảo lại được nghe âm thanh của tiếng chuông chùa. Vào các ngày Rằm, mùng Một hay trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, mọi người trên các đảo đều dành thời gian để vào chùa thắp nén nhang thơm.
Bà con ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng ngư trường quanh các đảo cũng ghé thuyền vào đảo để lên chùa thắp hương, cầu mong sức khỏe, mỗi chuyến ra khơi đều may mắn, thu được nhiều lộc biển. Tiếng chuông chùa không chỉ gắn kết mọi người với đảo mà còn giúp mọi người giữ vững niềm tin, yên tâm lao động, huấn luyện, công tác nơi đầu sóng ngọn gió, để giữ gìn và bảo vệ vững chắc biển, đảo.
Quang Đạo