• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

(Chinhphu.vn) – Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

27/01/2025 10:24
Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024- Ảnh 1.

Năm 2024, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn

Nhìn lại công tác chỉ đạo điều hành và các hoạt động của ngành trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng ngành LĐTB&XH luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình. Do đó, tất cả các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp chặng đường tiếp theo.

Điểm qua những thành tựu đạt được trong năm 2024 mà ngay cả cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, ngành LĐTB&XH có quyền tự hào vì Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay.

Hay như Hội nghị G20 tại Brazil vào tháng 11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo được mời để chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo như một điển hình thành công của thế giới và Việt Nam là thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo; chỉ số xếp hạng về bình đằng giới tăng 11 bậc...

Cùng với đó, lao động, việc làm năm 2024 cũng có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Trên tất cả, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Về thị trường lao động, năm 2024 chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Thể chế thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Các giải pháp kết nối cung - cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh.

Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm được sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu quả hoạt động; điều tiết cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động được nâng cao rõ rệt. Các hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu khác và Đề án 06 được tăng cường…

Có thể thấy, tình hình lao động, việc làm năm 2024 nhiều điểm sáng, ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%.

Đáng chú ý, cả năm đưa khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.

Song song với đó, thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 12/2024, đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: BHXH bắt buộc đạt khoảng 17,8 triệu người, BHXH tự nguyện đạt hơn 2,3 triệu người), tăng trên 4 triệu người so với năm 2020.

Tính đến hết tháng 11/2024, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 15,8 triệu, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 2,5 triệu người so với năm 2020.

Đặc biệt, các chính sách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp được thực hiện tốt. Điều này thể hiện ở các cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương trong năm 2024 tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện.

Đáng chú ý, tiền lương, thu nhập tăng (năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), đời sống của người lao động có sự cải thiện.

"Những kết quả đó xuất phát từ quan điểm, chính sách của Đảng là không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024- Ảnh 2.

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành phong trào toàn diện, được coi là điểm sáng trong giảm nghèo bền vững

‘Điểm nhấn' xóa nhà dột, nhà tạm, bảo đảm quyền an sinh tối thiểu của người dân

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm 2024, Bộ LĐTB&XH đã có nhiều bước đột phá lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ, trong đó điểm nhấn là chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.

"Quyền tối thiểu của người dân là quyền an sinh, quyền có nhà ở, nếu nhà dột nát thì người dân sẽ không có tư tưởng làm việc, khó an cư lạc nghiệp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành phong trào toàn diện, được coi là điểm sáng trong giảm nghèo bền vững, đặc biệt là đề cao sự chủ động vươn lên của chính những hộ nghèo và cận nghèo để cải thiện cuộc sống. Lan tỏa phong trào xóa nhà dột, nhà tạm vừa giúp ổn định, cải thiện đời sống của người dân, vừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều địa phương với những đặc thù khác nhau đã tìm tòi, sáng tạo, có những cách làm mới, hay, hiệu quả cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với phương châm "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" không phải là lời hô hào suông, nhiều nguồn vốn dành cho giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng đã được lồng ghép vào các chương trình, đề án của Trung ương đến địa phương, trong đó có 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, có "Tháng cao điểm" vì người nghèo được phát động trong toàn hệ thống Mặt trận... những hoạt động này đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Hiện, cả nước có 58 địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh (trong đó có 5 địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu không thành lập do không còn nhà tạm, nhà dột nát).

Tính đến tháng 1/2025, cả nước đã hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 6.962 căn nhà. Trong đó, số nhà đã khánh thành là 3.166 căn; số nhà khởi công là 3.796 căn.

Hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 35.466 căn nhà. Trong đó, số nhà đã khánh thành là 18.841 căn; số nhà khởi công là 16.625 căn.

Các địa phương đã hoàn thành nhiều nhất, giúp người nghèo đón Tết Ất Tỵ trong ngôi nhà mới là: Nghệ An 7.795 căn; Hoà Bình 1.066 căn; Lâm Đồng 1.038 căn; Lào Cai 1.006 căn; Hà Giang 937 căn ; Bắc Kạn 878 căn; Đồng Tháp 876 căn.

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024- Ảnh 3.

Nhiều hoạt động chăm lo, tặng quà, hỗ trợ người người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai

 Hỗ trợ cho hơn 13,5 triệu lượt người dịp Tết Nguyên đán

Chia sẻ về công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, nhìn chung, công tác này đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, các đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện hiệu quả, đầm ấm, thiết thực.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương, toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 7.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là gần 646 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.379 tỷ đồng; kinh phí vận động xã hội hóa là 2.737 tỷ đồng.

Các địa phương đã xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó tập trung vào các nội dung: tặng quà cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương phổ biến là từ 300.000 - 500.000 đồng/đối tượng. Mức hỗ trợ cho người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tăng bình quân từ 10 - 15% so với năm 2024.

"Một số địa phương đã bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ ở mức cao hơn. Các món quà Tết dù về vật chất chưa phải thực sự lớn nhưng mang đầy ý nghĩa, giá trị về tinh thần, là sự sẻ chia kịp thời của chính quyền, cộng đồng và xã hội, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo không để ai bị bỏ lại phía sau, không để người dân nào không có Tết", Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Các địa phương cũng đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 3,6 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chúc thọ, mừng thọ hơn 1,07 triệu người cao tuổi. Khoảng 770.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo… đã được thăm hỏi, tặng quà Tết với tổng kinh phí trên 404 tỷ đồng . Gần 1,85 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ, tặng quà Tết với tổng trị giá trên 1.091 tỷ đồng. Gần 1,64 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội được tặng quà Tết với tổng trị giá gần 754,4 tỷ đồng.

Các địa phương đã thực hiện việc chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng theo đúng quy định; tránh để xảy ra sai sót trong quá trình chi trả và chậm trễ thời gian chi trả trợ cấp cho đối tượng (thực hiện chi trả tháng 1 và 2 trong cùng kỳ chi trả tháng 1 năm 2025).

Ngoài việc tặng quà, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng, các địa phương đã bố trí thêm nguồn lực để tăng định mức ăn cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trong suốt dịp Tết; bồi dưỡng, động viên cho cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.

Thu Cúc