Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ 5, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ thời gian tới.
Ý kiến của nhiều đại biểu khẳng định, nước ta bước vào triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 trong bối cảnh tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, thậm chí còn nhiều hơn so với cơ hội và thuận lợi. Cụ thể, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên toàn cầu, đặc biệt là hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài; xung đột ở Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ rất ngặt nghèo ở nhiều quốc gia…
Trong bối cảnh khó khăn, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về kinh tế-xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật là giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá triển triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu về kinh tế xã hội...
Đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ về kinh tế-xã hội, đại biểu Lê Quang Tùng (Quảng Trị) khẳng định, trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã rất chủ động và quyết liệt đề ra những giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình ở từng giai đoạn cụ thể, qua đó giúp nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà phục hồi và phát triển, giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn...
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đánh giá: "Báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ được trình bày trước Quốc hội được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu; đánh giá khách quan về thực trạng tình hình, nêu rõ những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, yếu kém tồn tại; có phân tích nguyên nhân của những mặt được và những mặt chưa được để từ đó để ra những giải pháp trong thời gian tới mang tính thực tế, khả thi, sát với diễn biến tình hình".
Trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm pháp được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm, ý kiến nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới để đạt kết quả cao nhất thực hiện mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 theo kế hoạch đề ra.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, song tiến độ còn chậm, tỉ lệ giải ngân đầu tư công còn chưa được như mong muốn.
Trong khi đó, đầu tư công là động lực quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có mục tiêu về tăng trưởng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Chính phủ cần rà soát, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn. Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia có sức lan tỏa lớn, góp phần thúc đẩy và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó là tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đặc biệt nhấn mạnh cần chú ý phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự của người dân; tránh tình trạng phát triển nóng các khu nhà ở cao cấp, vì thực tế hiện nay có những khu đất được giao, được đấu giá xong rồi để đấy, rất lãng phí nguồn lực.
Đồng quan điểm về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân gây chậm tiến độ giải ngân đầu tư công, từ đó có những giải pháp hiệu quả, căn cơ hơn trong thúc đẩy; quan tâm lập kế hoạch giải ngân tới từng dự án cụ thể gắn liền với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phân công công việc, gắn trách nhiệm với từng cá nhân liên quan, cũng như tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giải ngân đầu tư công.
Trong thúc đẩy tăng trưởng, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Tập trung phát triển mạnh và phát huy vai trò của thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu.
Cùng với việc đề xuất tăng tín dụng, đưa tính dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; có giải pháp hiệu quả khơi thông dòng vốn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị cần tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại yếu kém, tránh nguy cơ đổ vỡ thị trường tài chính;..
Tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung-cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu, lao động...
Hải Liên