Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phòng Thư ký Tòa soạn Báo Điện tử Chính phủ trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2019. |
Đó là những ngày cả nước thực hiện Lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước ngày thực hiện Chỉ thị 16, Cổng TTĐT và Báo Điện tử Chính phủ đã luôn cập nhật tình hình dịch bệnh. Tất cả chúng tôi lúc đó ai cũng cảm nhận được tình thế cấp thiết trong phòng chống dịch và mong muốn thông tin chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến với bạn đọc nhanh nhất…
Gần cuối tháng 12/2019 đầu tháng 1/2020, thông tin về “một đại dịch” mới do chủng virus Corona (lúc đầu gọi là nCoV, về sau được gọi là COVID-19) gây bệnh viêm phổi cấp bùng phát ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc được loan báo rồi tình hình ấy ngày càng hiện hình rõ nét.
Trước thông tin này, lãnh đạo nước ta đã ngay lập tức đưa ra cảnh báo sớm (Công văn số 441/VPC - KGVX ngày 16/1/2020 về bệnh viêm phổi tại Trung Quốc) và sau đó chuyển nhanh sang chỉ đạo “Chống dịch như chống giặc”.
Thế rồi việc không ai muốn đã xảy ra: COVID-19 đã xâm nhập nước ta từ nước ngoài!
Ngày 23/1/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn công bố “2 bố con người Trung Quốc (đều là nam giới) đang điều trị tại BV Chợ Rẫy, TPHCM dương tính với COVID-19 (người bố từ Vũ Hán đến Hà Nội sau đó vào Nha Trang. Người con từ Long An ra Nha Trang để gặp bố. Sau đó, cả 2 về Long An rồi có triệu chứng sốt và đến tối 22/1 vào BV Chợ Rẫy chữa trị).
Công cuộc chống dịch bệnh từ đó được triển khai gấp gáp. Thông tin chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, của Bộ Y tế cũng như sự vào cuộc của cả nước liên tục được cập nhật trên Báo.
Tại cuộc họp chiều 27/1/2020 (tức mùng Ba Tết Canh Tý), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch gây bệnh viêm đường hô hấp cấp và nêu yêu cầu “Chống dịch như chống giặc”.
Thông tin quan trọng này được Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo yêu cầu kíp trực của Phòng Thư ký Tòa soạn (TKTS) đưa ngay lên Báo Điện tử Chính phủ.
Sau đó 4 ngày, ngày 1/2/2020, chỉ 1 ngày sau khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (31/1), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam do COVID-19 gây ra.
Từ đó, Phòng TKTS liên tục xử lý và xuất bản thông tin về dịch bệnh ác hiểm này: COVID-19 là gì? Nó phát nguồn từ đâu, nguy hiểm thế nào, lây lan ra sao, cách phòng ngừa nó… Tóm lại, tất tần tật thông tin về COVID-19 từ nguồn Bộ Y tế, TTXVN, WHO… được sàng lọc rồi nhanh chóng cung cấp cho bạn đọc. Công cuộc phòng chống dịch theo tinh thần “như chống giặc” trong cả nước chiếm khá lớn dung lượng tin hằng ngày trên Báo.
Với chúng tôi, mỗi sáng đến cơ quan, câu hỏi “Hôm nay COVID thế nào?” luôn đi trước những lời chào hỏi.
Những thông tin đưa về, vui ngất trời cũng có, chưa vui cũng có: Từ tin “thêm ca nhiễm” được điểm từng ngày; tin “người được chữa khỏi” được ngóng từng giờ; tin lần đầu tiên máy bay Việt Nam vào “tâm dịch Vũ Hán” đưa 30 công dân về nước; tin về ca COVID-19 thứ 17 tại Trúc Bạch (Hà Nội), tin dịch bệnh ở Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), ở Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội); tin về quá trình điều trị bệnh nhân người Anh cho đến tin về Bệnh viện Bạch Mai, tin về các nhà khoa học Việt Nam “giải mã” được virus Corona; tin những vùng có dịch được dỡ phong tỏa; tin về sự sẻ chia với các chiến sĩ áo trắng tuyến đầu chống dịch; tin về những bữa cơm, gói quà ấm lòng người dân vùng có dịch…
Việc đưa tin đã được lãnh đạo cơ quan quán triệt: “Nhanh chóng, minh bạch với tinh thần lạc quan, tin tưởng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi”.
Trong thời gian này (chính xác là vào ngày 7/3/2020 sau khi Bộ Y tế công bố ca nhiễm COVID-19 thứ 17 tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội vào ngày 6/3), lo ngại dịch bệnh nhưng vì chưa có đủ thông tin, nhiều người dân (nhất là ở các thành phố lớn) đổ xô đi mua thực phẩm, hàng hóa tích trữ…
Ngay lập tức, Cổng TTĐT và Báo Điện tử Chính phủ đăng thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương có phương án xử lý tình hình. Thông tin ấy đã làm yên lòng nhân dân cả nước và từ đó về sau, không còn ai muốn "đi mua hàng tích trữ” nữa… Điều đó làm chúng tôi thật vui vì mình đã góp phần nhỏ cho nhiệm vụ chung.
Khi dịch bệnh càng hoành hành dữ dội và Việt Nam buộc phải ban hành “Lệnh giãn cách xã hội” vào ngày cuối tháng 3 khi trong nước đã có 194 ca mắc COVID-19 (tính đến 9h sáng ngày 30/3/2020) theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Chỉ thị 16: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc”.
Dù nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 nhưng cơ quan Cổng TTĐT Chính phủ vẫn bảo đảm công việc bình thường.
Lãnh đạo Phòng TKTS lên lịch phân công trực với yêu cầu: 1 ca trực gồm 1 lãnh đạo phòng trực xuất bản, 1 biên tập viên trực tin. Những người còn lại làm việc từ xa qua hộp thư điện tử hoặc qua mạng xã hội.
Trong những ngày giãn cách xã hội, mỗi ngày mỗi chúng tôi phải làm việc vất vả hơn vì phòng chỉ có 2 người trực tiếp làm tin và xuất bản.
Sau này kể lại, chúng tôi nói rằng đó là “những ngày khác ngày thường”. Những ngày ấy con đường đến cơ quan thật khác lạ: Phố phường Hà Nội tĩnh lặng, bình yên vì ít người đi lại, ít tiếng máy xe thường nhật, không có xe buýt, taxi; mỗi người như sống chậm hơn, nhường nhịn nhau hơn và ai cũng tay bắt mặt mừng khi vẫn bình an.
Phòng làm việc cũng yên ắng hơn những ngày trước, chỉ có tiếng điện thoại thỉnh thoảng reo vang cùng tiếng lách cách bàn phím của đồng nghiệp kề bên… Và trong khung cảnh ấy, thông tin về các hoạt động diễn ra trên cả nước, thông tin về phòng chống dịch… vẫn đều đặn được cập nhật và đến với bạn đọc bất kể thế nào.
Hết thời gian giãn cách, chúng tôi trở lại cơ quan làm việc trong “điều kiện bình thường mới”. Giờ nghĩ lại mới thấy cuộc sống dù khó khăn nhưng vẫn đầy ắp niềm vui. Những ngày giãn cách đã cho chúng tôi thấy thêm giá trị mới của cuộc sống, giá trị của những điều chúng tôi góp sức cho đất nước mình!
Thanh Xuân