Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản hồi tháng 11 năm ngoái |
Thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững sông Mekong
Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của MRC tại TPHCM tháng 4/2014 với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mekong”. Trong năm 2015, Việt Nam đã tổ chức: Một phiên thảo luận về an ninh nguồn nước trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) 132 (Hà Nội, 3/2015) và Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM với chủ đề “Phối hợp hành động trong quản lý nguồn nước nhằm định hình Chương trình Nghị sự sau 2015” tại Bến Tre (6/2015).
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia và thúc đẩy nội dung về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước trong các cơ chế hợp tác khu vực liên quan như Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) của Mỹ, hợp tác Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc, hợp tác Mekong-Lan Thương.
Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương, Việt Nam chủ động đưa nội dung hợp tác về nguồn nước thành một trong những lĩnh vực ưu tiên tại cơ chế hợp tác này; tích cực thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác nguồn nước và việc thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương tại Trung Quốc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan đã và đang tham gia tích cực với Nhóm công tác về nguồn nước để giúp chúng ta có cơ hội trao đổi, đối thoại với Trung Quốc về hợp tác phát triển bền vững sông Mekong-Lan Thương.
Trực tiếp trao đổi về các dự án thủy điện dòng chính Mekong
Theo quy định của Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong năm 1995 và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của MRC (Thủ tục PNPCA), các quốc gia có các đề xuất sử dụng nước cần xem xét các quan ngại của các quốc gia chịu tác động. Các công trình thủy điện dòng chính cần tuân thủ quá trình Tham vấn trước theo Thủ tục PNPCA. Là quốc gia hạ lưu, Việt Nam đã yêu cầu các quốc gia thượng lưu tuân thủ các quy định của Hiệp định Mekong và các văn bản liên quan.
Trong khuôn khổ MRC, Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên thúc đẩy để lần đầu tiên Ủy ban Liên hợp MRC ra được Tuyên bố về quá trình Tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pắc Beng với nội dung chính là kêu gọi Chính phủ Lào xử lý các tác động xuyên biên giới của Dự án và nhất trí xây dựng một Kế hoạch hành động chung (Joint Action Plan), trong đó có các khuyến nghị đối với Lào và chủ đầu tư thu thập số liệu bổ sung, điều chỉnh thiết kế công trình, tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác động, tăng cường trách nhiệm chia sẻ và cập nhật thông tin, đánh giá tác động lũy tích của công trình Pắc Beng và các công trình thủy điện dòng chính khác đã và đang được xây dụng và trong kế hoạch xây dựng (bao gồm cả các đập thủy điện trên sông Lan Thương) và mở rộng việc giám sát chung tác động xuyên biên giới.
Phối hợp triển khai nghiên cứu tác động của thủy điện dòng chính
Ngoài ra, Việt Nam đã chủ động phối hợp triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện dòng chính như: Nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong Việt Nam (có mời chuyên gia của Lào và Campuchia tham gia) có tên là “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mekong đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long” (Delta Study) đã hoàn thành cuối 2015; và nghiên cứu của MRC có tên là “Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính” hoàn thành vào cuối năm 2017.
Kết quả nghiên cứu của các dự án trên sẽ là cơ sở khoa học khách quan để đánh giá các tác động và tìm ra giải pháp toàn diện, lâu dài, đáp ứng thỏa đáng lợi ích của các bên liên quan, phù hợp với Hiệp định Mekong 1995.
Tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới
Tháng 4/2014, Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước LHQ về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì các mục đích phi giao thông thủy năm 1997 (là thành viên thứ 35 tham gia, vừa đủ để Công ước chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2014). Việc tham gia của ta được LHQ đánh giá rất cao.
Đến nay, Công ước đã có 36 thành viên tham gia, trong MRC, Việt Nam là nước đầu tiên. Hiện Việt Nam đang tích cực vận động các thành viên ASEAN và các nước khác xem xét tham gia Công ước, qua đó góp phần tăng cường các cơ chế pháp lý, tạo thuận lợi cho việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong.
Thúc đẩy hợp tác với các nước khác tham gia hợp tác Mekong
Về hợp tác Mekong, các nước đối tác luôn có vai trò quan trọng trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay MRC có 14 đối tác phát triển và đang tích cực thúc đẩy rộng hợp tác liên lưu vực sông, trong đó có sông Hằng (qua 5 nước châu Á: Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Buhtan và Bangladesh), sông Danube (qua 10 nước châu Âu: Đức, Áo, Hungary, Slovakia, Croatia, Serbia, Bulgaria, Moldova, Ukraine, Romania), sông Nile (qua 4 nước Bắc Phi: Uganda, Ethiopia, Ai Cập, Sudan), sông Amazon (qua 8 nước Nam Mỹ: Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Surriname, Venezuela) và sông Misissippi (Canada, Mỹ). Ta tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác này.
Theo 26 thỏa thuận tài trợ hiện này cho 13 chương trình, dự án của Mekong, hằng năm khoản tài trợ chiếm khoảng 12-15 triệu USD. Tuy nhiên, các khoản này sẽ giảm dần theo lộ trình Ven sông hóa để 4 nước hạ lưu tự chủ hoàn toàn về tài chính cho các hoạt động của Ủy hội từ năm 2030.
Lâm Hoàng