Những tác động của tình hình di dân ở Đồng Nai
Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng dân nhập cư rất lớn. Bên cạnh những tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tình hình di dân nói trên cũng gây ra nhiều khó khăn, phức tạp và các tệ nạn xã hội cho tỉnh.
Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát về tình hình di dân ở Đồng Nai Theo báo cáo của tỉnh, trong những năm gần đây, dân số của Đồng Nai tăng nhanh. Năm 2005 dân số toàn tỉnh có 2.219.687 người thì đến năm 2010, dân số tăng lên 2.483.211 người, trong khi đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên liên tục giảm. Năm 2010, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh ở mức 1,12%. Điều đó chứng tỏ Đồng Nai là một tỉnh có số lượng dân nhập cư rất lớn. Thạc sĩ Phan Sĩ Anh, Phó ban Tuyên giáo tỉnh ủy cho biết: Trước năm 1990, di dân ở Đồng Nai là di dân nông nghiệp. Dân ở các nơi đến Đồng Nai khai hoang làm nông nghiệp, tập trung ở các huyện miền núi như Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu. Phần lớn số dân di cư này có nhiều đất đai nên kinh tế sớm ổn định. Đến nay đã trở thành chủ trang trại, số vốn làm ăn tương đối khá. Bắt đầu từ năm 1991, với các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, mỗi năm Đồng Nai thu hút khoảng 70-80 ngàn lao động cho các khu công nghiệp, tập trung ở thành phố Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom.
Để tuyển được lao động, cần có chính sách đảm bảo ổn định đời sống Theo GS.TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng vụ các vấn đề xã hội thì di dân là một hiện tượng tự nhiên của xã hội. Khi di dân sẽ có những tác động tích cực đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương. Ông Đoàn Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định: “Tăng dân số nhập cư có nhiều yếu tố tích cực. Do phát triển công nghiệp nên Đồng Nai cần rất nhiều lao động nhập cư và nếu không có nguồn nhập cư thì Đồng Nai không thể phát triển mạnh được như hiện nay. Còn trong nông nghiệp, những người nhập cư đến Đồng Nai có trình độ khoa học kỹ thuật và quản lý cao nên đã nhanh chóng có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế nông thôn”. Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết từ năm 2008 đến nay số lao động nhập cư giảm do đa số các tỉnh đều có khu công nghiệp vì thế việc tuyển lao động gặp khó khăn. Năm 2009 toàn tỉnh thiếu khoảng 15.000 lao động và năm 2010 thiếu khoảng 20.000 lao động. Điều đó cho thấy, đối với Đồng Nai, lao động nhập cư có một vai trò nhất định trong sư phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực công nghiệp của tỉnh.
Đồng Nai có số lao động nhập cư lớn Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, tình hình di dân cũng có những tác động tiêu cực lên đời sống kinh tế, xã hội. Ông Phan Minh Thành, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cùng với dân nhập cư sẽ phát sinh những nhu cầu về cơ sở hạ tầng. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 13.000 cơ sở nhà trọ của dân cho thuê. Do quản lý chưa chặt chẽ nên tình hình an ninh ở những khu nhà trọ này cũng rất phức tạp. Trong khi đó lương công nhân thấp nên thường thuê ghép, không đảm bảo môi trường, điện, nước, không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần thiếu thốn. Tình hình đình công, lãn công của công nhân những năm gần đây tăng gây mất trật tự xã hội…
Đào tạo nghề nâng cao trình độ cho công nhân Nhiều ý kiến cho rằng, để thu hút được lao động nhập cư, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục những tác động tiêu cực của việc di dân thì Đồng Nai cần có những chính sách đảm bảo ổn định cho người dân đến lao động như tăng lương, cải thiện môi trường làm việc, môi trường sống, đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đế phát huy tối đa sức lực, trí tuệ của người dân nhập cư trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Được biết hiện tỉnh đã có chủ trương nâng cao trình độ cho công nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống, nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng môi trường sống lành mạnh bằng cách như: hỗ trợ giới thiệu việc làm,cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây nhà cho người thu nhập thấp, trao nhà tình thương, xây dựng mô hình khu nhà trọ văn minh…
Đào Lan