Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những thách thức đặt ra với nghề công tác xã hội ở nước ta đó là: Phải đáp ứng được bản chất thay đổi của rủi ro và dễ bị tổn thương như là kết quả của thương mại hóa toàn cầu và thị trường lao động toàn cầu ngày càng phát triển; Giảm bớt và giảm nhẹ sự bất bình đẳng quốc tế và quốc gia; Duy trì ý chí và năng lực của các chính sách công để cung cấp các nguồn lực cho công tác xã hội và cải thiện hiệu quả những can thiệp của Nhà nước trong điều kiện có hạn về nguồn lực.
Trong bối cảnh đó, với đặc thù là một nước nghèo, lại trải qua những năm tháng của những cuộc chiến tranh xâm lược khốc liệt của nước ngoài, hậu quả còn rất nặng nề, không thể một sớm, một chiều mà khắc phục được nên đời sống nhân dân còn khó khăn, còn nhiều hộ gia đình vẫn trong đói nghèo, nhất là vùng xâu, vùng cao, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ. Mặt khác, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường và xu thế toàn cầu hóa làm cho số đối tượng yếu thế cần trợ giúp của Nhà nước ngày càng gia tăng, đang tác động mạnh mẽ đến công tác xã hội.
Thêm vào đó, nhận thức về công tác xã hội ở các cấp, các ngành, của xã hội còn rất hạn chế, còn thiếu những quy định cụ thể trong tuyển dụng và sử dụng chuyên môn công tác xã hội, còn có nhận thức xem đó như là một hoạt động từ thiện nên không cần phải đào tạo. Thậm chí có những cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ thực thi chính sách an sinh xã hội tại cơ sở, tại cộng đồng cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của tính chuyên môn trong vận hành công việc dẫn đến tuyển dụng cán bộ không đảm bảo chuyên môn, đây cũng là rào cản về mặt tâm lý đối với đào tạo.
Trong khi đó, những sinh viên được đào tạo khi ra trường khó tìm được việc làm thích hợp bởi chưa có những qui định cụ thể cho việc tuyển dụng cán bộ làm công tác xã hội cùng với chính sách, chế độ tương ứng với vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn công tác xã hội.
Đặc biệt, những thay đổi nhanh chóng về xã hội và những thách thức mới đối với xã hội Việt Nam do quá trình đô thị hóa, CNH và HĐH, sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, miền đồng bằng và miền núi, làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với nhóm yếu thế, nhiệm vụ đòi hỏi người làm công tác xã hội càng nặng nề hơn.
Để phát triển nghề công tác xã hội và đưa khoa học công tác xã hội vào giải quyết và ngăn ngừa các vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội, cộng đồng dân cư nhằm đáp ứng những yêu cầu trong thời gian trước mắt và lâu dài, khách quan đòi hỏi cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tiến tới luật hóa các lĩnh vực của an sinh xã hội.
Hai là, sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên, mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương và cơ sở.
Ba là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên ở những trường, cơ sở đã và đang đào tạo cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội để tiếp tục đào tạo và nâng cao trình độ của nhân viên làm công tác xã hội có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, tăng cường đào tạo giảng viên công tác xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đổi mới phương pháp đào tạo, chú ý công tác thực hành, thực tập trong đào tạo một cách thiêt thực và hiệu quả.
Bốn là, phổ biến tuyên truyền rộng rãi về vai trò, vị trí của công tác xã hội chuyên nghiệp trong việc can thiệp giải quyết các vấn đề của các đối tượng và xã hội. Việc nâng cao nhận thức này phải được tiến hành ở các cấp, các ngành và tới mọi người dân.
Muốn vậy, trước hết các cấp, các ngành và xã hội cần có nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác xã hội. Khẳng định công tác xã hội là một nghề chuyên môn với những chức danh nghiệp vụ mang tính chuyên nghiệp ở từng cấp bậc từ thấp đến cao. Cần phải đào tạo nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế.
Phương Đông