Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thách thức lớn nhất của ASEAN vào năm 2016 này và trong tương lai, thậm chí tương lai gần, chính là bảo vệ và gìn giữ hòa bình trong “khuôn viên” của mình. Hòa bình là ước ao thiêng liêng nhất của nhân loại từ muôn thuở, ở mọi nơi, vào mọi thời đại, và đang là sống còn đối với một bộ phận nhân dân ASEAN hiện nay.
Hòa bình đòi hỏi tất cả cùng tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ, xây đắp, hoặc ít nhất cũng là “kiêng dè”..., nhất là khi các tranh chấp hiện đang được thể hiện vượt khỏi cái giới hạn mà người La Mã cổ đại đã hun đúc là si vis pacem parabellum (Nếu muốn sống hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh). “Chuẩn bị chiến tranh” tới đâu để còn có hòa bình? “Chuẩn bị chiến tranh” tới đâu thì sẽ khiến hủy diệt hòa bình? Đây không còn là những câu hỏi được dặt ra, mà là những đe dọa thực tế mà các nước ASEAN đang phải đối diện.
Chính vì thế, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi tất cả các nước, khu vực và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp.
Lời kêu gọi này rất rõ ràng cả ở “địa chỉ gửi đến” và trong nội dung:
“Tất cả các nước, khu vực và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm chung” tức không chỉ các nước có liên quan trực tiếp, mà cả cộng đồng quốc tế. Lịch sử tự cổ chí kim luôn ghi nhận những xung đột “cá lớn nuốt cá bé”. Loài người đã và đang phấn đấu dàn xếp những xung đột bằng các định chế quốc tế, nhất là sau những thất bại dẫn đến hai cuộc thế chiến, để giữ tính “loài người” (the sense of humanity) ngày càng văn minh hơn. Cho dù có thể chưa hoàn toàn thỏa mãn với vai trò của các định chế quốc tế, song rõ ràng nhân loại đã và đang sống hòa bình suốt 71 năm qua nhờ có các định chế quốc tế đó. Cho dù đã có những trường hợp “bất cần” các định chế quốc tế ấy, song rất nhiều trường hợp nhân loại vượt qua được các nguy cơ chiến tranh, giữa khối này và khối kia, giữa nước này và nước kia, chính nhờ đã đưa ra các định chế quốc tế ấy. Gần đây, Singapore và Malaysia đã hai lần sử dụng các định chế quốc tế ấy mà giải quyết các tranh chấp một cách rất hòa bình và đầy “tính người”.
Lời kêu gọi “tất cả các nước, khu vực và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm chung...” của Thủ tướng Việt Nam, chính vì thế, mang ý nghĩa bao gồm tất cả các nước (inclusive) chứ không loại trừvà, chỉ gồm những nước trực tiếp liên quan (exclusive). Một minh chứng cho tính bao gồm tất cả các nước chớ không loại trừ chính là việc ASEAN không chỉ “nói chuyện” với nhau, mà với các nước khác, từ Nga, Hoa Kỳ, đến Nhật, Ấn Độ, Australia, New Zealand...
“Duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông” là điều kiện tối cần thiết, nếu không Biển Đông sẽ mất hòa bình, an ninh, an toàn, các nước sẽ mất tự do hàng hải và hàng không. Phải “duy trì hòa bình”, để từ đó mới có thể giải quyết tranh chấp. Còn chọn “duy trì hòa bình” có nghĩa là còn muốn sống hòa bình với các dân tộc khác, và còn muốn giải quyết các tranh chấp trong hòa bình. “Duy trì hòa bình” không chỉ là một phương cách tồn tại, mà còn chính là một mục đích tồn tại. Từ ý muốn “duy trì hòa bình” đó mới thành tâm “duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.
Để “tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp”, phải (a) luôn tâm niệm rằng mọi tranh chấp chỉ được giải quyết một cách hòa bình; (b) khước từ những cám dỗ giải quyết các tranh chấp bằng cách tự ý xóa sạch các tranh chấp; và (c) xây dựng nếp suy nghĩ và hành động theo chiều hướng “tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp”.
Có thể bắt đầu “tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp” bằng những khuôn khổ ràng buộc lẫn nhau, tránh dẫn tới xung đột. Chính trong tinh thần đó mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao về các tình huống khẩn cấp trên biển”, đồng thời “đề nghị hai bên phấn đấu hoàn tất COC ngay trong năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 15 năm ký DOC (2002) và 50 năm thành lập ASEAN”.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Hợp tác thực chất
Mọi quan hệ, nhất là trong lúc có đối kháng, tranh chấp… đều cần được cân bằng. Để có thể “duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và tạo điều kiện thuận lợi cho giải quyết tranh chấp”, cần phải cân bằng với những cám dỗ hay thôi thúc đi ngược với duy trì hòa bình bằng quyết tâm là, theo Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc, “hai bên cần coi trọng tăng cường nền tảng của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất là sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược; đẩy mạnh hợp tác toàn diện và thực chất, giải quyết mọi khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.
“Tăng cường nền tảng của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất là sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược”, nôm na mà nói, không khác gì bảo chứng cho đồng tiền phát hành và đang lưu hành. Một loại tiền tệ, một tờ séc “không tiền bảo chứng” sẽ chỉ là giấy lộn. Các hiệp định, tuyên bố, ký kết cũng vậy. Tình hữu nghị có bền vững hay không cũng phải căn cứ vào lòng tin và niềm tin rằng đó là một quan hệ thực chất. Và lòng tin và niềm tin này chỉ có thể có được bằng những hành động cụ thể, như đã nêu ở trên. Đồng thời, “đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư và kết nối, hợp tác du lịch, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, cũng như hợp tác ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu, khủng bố, tội phạm, dịch bệnh, thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt chú trọng quản lý sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong” chính là thước đó sự thành thật.
Chính vì muốn tin, nên Thủ tướng Việt Nam mới phát biểu: “Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc và sẽ làm hết sức mình hợp tác cùng các nước ASEAN làm cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc khởi sắc, thực chất, hiệu quả hơn, tin cậy hơn, đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển thịnh vượng của khu vực và trên thế giới”.
Danh Đức