Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Trục vớt mảnh vỡ máy bay của hãng hàng không Pháp trên Đại Tây Dương - Ảnh: Washington Post |
Chuyến bay Air France 447 (2009)
Năm 2009, chiếc máy bay Airbus 330 của hãng hàng không Pháp đột nhiên biến mất khi đang bay từ Rio de Janeiro tới Paris. Hai tuần sau đó, người ta đã tìm thấy một phần xác chiếc máy bay cùng với thi thể của 228 hành khách. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, hộp đen của chiếc máy bay mới được tìm thấy sâu dưới lòng biển. Chi phí chiến dịch tìm kiếm lên đến 50 triệu USD. Theo các nhà điều tra, băng giá đã làm hỏng các cảm biến đo tốc độ của máy bay, cùng với lỗi của phi công, khiến cho máy bay tăng độ cao đến mức nó không còn lực đẩy và rơi thẳng xuống biển.
Chuyến bay Egypt Air 990 (1999)
Ngày 31/10/1999, chiếc Boeing 767 mang số hiệu 990 của hãng hàng không Ai Cập từ New York (Mỹ) tới Cairo chở 217 người đã đâm xuống Đại Tây Dương, phía nam Massachussetts. Các điều tra viên cho rằng cơ phó Gamil El Batouty đã cho máy bay rơi để tự vẫn, nhưng giả thiết này không được chứng minh. Trước đó, ông này đã bị phạt vì có hành vi quấy rối với một nhân viên của hãng.
Chuyến bay TWA 800 (1996)
Năm 1996, chiếc máy bay mang số hiệu TWA 800 đã phát nổ trên không ngoài khơi bờ biển Long Island, New York (Mỹ). Máy bay phát nổ và rơi chỉ 12 phút sau khi cất cánh từ sân bay John F. Kennedy khiến 230 người thiệt mạng.
Một loạt giả thiết không chính thức về nguyên nhân vụ nổ đã được đưa ra trong suốt mấy năm liền, trong đó có cả chuyện máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa.
Theo báo cáo của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ vào tháng 8/2000 thì bình chứa nhiên liệu ở cánh giữa của máy bay bị nổ là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn
Chuyến bay USAir 427 (1994)
Chuyến bay nội địa số hiệu 427 của hãng hàng không Mỹ cùng với 132 hành khách đang trên hành trình từ Chicago đến Pittsburgh thì chỉ 10 phút trước khi hạ cánh, máy bay xảy ra sự cố bất thường và rơi xuống mặt đất với vận tốc khoảng 500km/h. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Các chuyên gia mất đến 4 năm để xác định nguyên nhân vụ tai nạn và đưa ra kết quả rằng sự cố trong hệ thống lái đã khiến các phi công mất kiểm soát.
Chuyến bay Flying Tiger 739 (1962)
Năm 1962, chuyến chuyên cơ vận tải quân sự mang tên Flying Tiger 739 chở hàng hóa và các quân nhân từ California tới Việt Nam. Sau khi dừng để tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân ở đảo Guam, chiếc phi cơ Super Constellation L-1049 cất cánh và mất tích ở vùng biển Philipines. Máy bay bị mất tích trong điều kiện thời tiết hoàn toàn bình thường và người ta không nhận được bất kỳ cuộc gọi khẩn cấp nào. Sau nỗ lực tìm kiếm không thành của 4 quân binh chủng, 107 người trên máy bay coi như đã thiệt mạng. Chiếc máy bay không bao giờ được tìm thấy.
Chuyến bay số 7 của hãng Hàng không Pan Am (1957)
Ngày 8/11/1957, chuyến bay số 7 của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) chỉ vừa mới bắt đầu bay thì không may lao xuống biển, khiến 44 người thiệt mạng. Các mảnh vỡ đã được tìm thấy một tuần sau đó khi tàu sân bay của hải quân Mỹ phát hiện các xác chết trôi dạt ở vùng đông bắc đảo Honolulu.
Nhà chức trách không thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn, tuy nhiên có vài điều đáng ngờ trong vụ việc này. Thứ nhất, không một cuộc gọi cứu trợ nào được thực hiện thành công, các mảnh vụn nằm ở rất xa đường bay. Đáng nghi ngại nhất, báo cáo về kiểm tra độc tố cho thấy chất độc CO được tìm thấy trong cơ thể của các nạn nhân xấu số.
Máy bay Star Dust (1947)
Ngày 2/8/1947, chiếc máy bay Star Dust của Hãng BSAA chở 11 người từ Buenos Aires (Argentina) tới Santiago (Chile) đã biến mất khi bay qua dãy núi Andes. Đài kiểm soát không lưu nhận được một tín hiệu bằng mã Morse là “STENDEC”. Không ai hiểu thông điệp này nghĩa là gì. Trong suốt 50 năm, nhiều giả thuyết đã được đặt ra như máy bay bị đặt bom, bị phá hoại, thậm chí bị người ngoài hành tinh bắt cóc.
Mãi đến cuối những năm1990, một số vận động viên leo núi mới phát hiện các mảnh vỡ của chiếc máy bay Star Dust chìm trong băng tuyết. Các chuyên gia đặt giả thuyết phi công không xác định được độ cao, cho hạ cánh khi vẫn đang bay trên đỉnh núi bị mây phủ kín rồi đâm vào núi, nhưng thông điệp “STENDEC” vẫn là bí ẩn chưa ai giải thích được.
“Tam giác quỷ” Bermuda
Ngày 5/12/1945, năm máy bay của hải quân Mỹ rời Florida để luyện tập. Sau 1 giờ 30 phút, các phi công thông báo họ hoàn toàn mất phương hướng, la bàn bị hỏng. Cả năm chiếc đều rơi xuống biển. Một máy bay khác chở 13 người được cử đi tìm kiếm năm máy bay trên cũng mất tích. Từ đó, câu chuyện về nỗi kinh hoàng ở “Tam giác quỷ” Bermuda bắt đầu. Ngày 30/1/1948, một máy bay của Hãng hàng không Anh BSAA mang tên Star Tiger chở 25 hành khách cũng mất tích kỳ bí khi bay qua khu vực này.
Một năm sau, ngày 17/1/1949, thêm một máy bay nữa của Hãng BSAA “bốc hơi” khi bay từ Bermuda tới Jamaica. Chiếc máy bay Star Ariel chở 20 hành khách cất cánh khi bầu trời quang đãng, không có gió mạnh. Mọi cuộc điều tra đều đưa ra kết luận là không thể xác định được nguyên nhân những vụ tai nạn này.
Hoàng Anh
(Tổng hợp)