Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Cây xóa đói, giảm nghèo
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 17.000 ha chè, trong đó có trên 14.000 ha chè kinh doanh với năng suất bình quân hơn 90 tạ/ha, giải quyết việc làm cho trên 65.000 hộ nông dân, hằng năm sản lượng chè khô thu được đạt xấp xỉ 15.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 triệu USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long cho biết, từ sau thành công của Festival chè Thái Nguyên lần thứ nhất, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia sản xuất chè càng tăng mạnh. Đáng chú ý, giai đoạn 2012-2013, Thái Nguyên không có doanh nghiệp chè nào bị phá sản, số lượng doanh nghiệp chè còn tăng lên gấp đôi.
Xóm Chũng Na (xã Bá Xuyên, thị xã Sông Công) có 64 hộ thì 100% số hộ trong xóm đều tham gia trồng chè cành với tổng diện tích 5,5 ha. Nhờ trồng chè nên đời sống người dân tương đối khá giả, có hộ thu lãi từ cây chè lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Còn tại xóm Ao Cang (xã Bá Xuyên, thị xã Sông Công) cũng có khoảng 98% số hộ làm chè cành. Gia đình bà Nguyễn Thị Nhung là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ trồng màu sang trồng chè cành. Với 6 sào chè cành giống LDP1, mỗi năm gia đình bà thu được 1,1 tấn chè búp khô, doanh thu trên 160 triệu đồng. Từ khi làm chè, gia đình bà Nhung đã thoát nghèo, xây được nhà 2 tầng kiên cố thay thế ngôi nhà đất lúc trước, nuôi được 2 con ăn học, sắm được ti vi, xe máy… Bà Nhung cho biết: “Bây giờ cây chè cành đã trở thành cây nuôi sống cả gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xóm”.
Không chỉ ở Chũng Na, Ao Cang, cây chè cành đã có mặt ở tất cả 12/12 xóm của xã Bá Xuyên. Từ năm 2001 đến nay, người dân trong xã đã tích cực chuyển đổi những chân ruộng cao, những nơi trồng màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè cành.
Làng chè đổi thay
Ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Thái Nguyên, cho biết tỉnh có 85 làng nghề làm chè, chiếm hơn 70% các làng nghề truyền thống.
Với sự phát triển của ngành chè cùng sự hỗ trợ của Sở NNPTNT và Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên qua các chương trình khuyến công, khuyến nông nên người nông dân làm chè đã có cơ hội tiếp cận công nghệ, máy móc hiện đại, sản phẩm phân bón an toàn cũng như các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như UTZ, GAP… Đường sá, cơ sở hạ tầng của những làng nghề chè cũng được tỉnh đầu tư.
Bộ mặt nông thôn mới tại các làng chè Thái Nguyên đang thay đổi mạnh mẽ từng ngày từng giờ. Thay vì những cách làm thủ công, công nghệ lạc hậu, sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu không an toàn, công nghệ bảo quản chè chưa sạch, chưa tốt, nay tất cả hộ dân làng nghề chè đều rất thành thạo với công nghệ sản xuất chè mới.
Điển hình như tại xã Tân Hương (huyện Tân Cương), 100% sản phẩm của làng nghề chè là sản phẩm chè sạch, chè xanh cao cấp, tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ Certified của HTX chè Tân Hương đã tập hợp được 37 hộ xã viên với diện tích 10,25 ha, sản lượng trung bình đạt gần 30 tấn chè búp khô/năm. 100% xã viên được đào tạo và hướng dẫn những kỹ năng thực hành sản xuất tốt, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, an toàn lao động...
Nhờ vậy, xã viên HTX Tân Hương đã có sự thay đổi lớn trong tập quán sản xuất, trồng và chăm sóc chè, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bón phân hợp lý, sử dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp, sản phẩm được thu hái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng hóa chất, đảm bảo lưu giữ và chế biến trong điều kiện vệ sinh... Hiện sản phẩm chè an toàn của HTX Tân Hương bán ra thị trường có giá từ 170.000 đồng/kg trở lên, cao hơn các vùng chè nguyên liệu khác từ 20-30%.
Từ năm 2009, Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP tại HTX Tân Thành, xã Hoà Bình (huyện Đồng Hỷ) với diện tích 8,7 ha với 20 hộ tham gia. Sau thời gian tổ chức giám sát, 20 hộ dân này đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chè an toàn theo quy trình VietGAP. Giá trị sản phẩm chè sản xuất theo quy trình VietGAP bước đầu tăng từ 10-15% so với giá chè sản xuất thông thường tại địa phương.
Việc áp dụng công nghệ sản xuất chè sạch theo đúng tiêu chuẩn không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân, mà còn từng bước xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Hạnh Nguyên