• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nỗ lực "ba cùng" để gieo những mùa vàng

(Chinhphu.vn) – Một thời, đi dọc Hát Lừu, Khấu Ly, Păng Dê, Mông Xi, Mông Đơ, Giàng La Pán, Háng Chi Mua… chỉ thấy người dân đói khổ giữa bạt ngàn sắc trắng, sắc tím ma mị đến nao lòng của hoa anh túc - loài hoa “ăn thịt người”.

08/08/2013 17:11

Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Vũ Quỳnh Khánh (áo xanh) và Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Giàng A Thào (áo đen) giúp dân làm vụ lúa xuân 2013. Ảnh VGP

Mùa này về Trạm Tấu, từng được biết đến với biệt danh “Vương quốc cây thuốc phiện”, giữa điệp trùng mây núi là bát ngát màu xanh của của những khoảnh rừng, nương ngô; sắc vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang lúa trĩu hạt. Đằng sau bước chuyển mình đó là dấu ấn thầm lặng “chuyên gia không lương” bám bản, “vơi ví” để giúp dân “câu” những mùa vàng.

Thực tế, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thoát nghèo, Nhà nước cũng đã có nhiều quyết sách. Nhưng nếu triển khai theo con đường văn bản, Trung ương "trát" xuống tỉnh, tỉnh trát xuống huyện, huyệt trát về xã... mất hàng tháng trời, chính sách từ trên mới về tới cái loa treo ở trung tâm xã. Đồng bào bản gần nghe "cái Nhà nước trên cây” tuyên truyền cứ ngác ngác, ngơ ngơ; còn những bản xa, cái loa xã chưa vươn tới được thì chủ trương xóa đói, giảm nghèo đành theo gió bay cùng những áng mây lững lờ đầu núi.

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết, đồng bào dân tộc Mông phải trực tiếp nhìn thấy hiệu quả của chính sách mới tin và làm theo. Do vậy, để chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước được hiện thực hóa thành thóc đầy bồ, ngô đầy sàn, trâu bò ngoài bãi, trường học vang tiếng trẻ thơ… Trạm Tấu đã chọn giải pháp đưa cán bộ từ huyện về bám dân, bám bản, chung sức cùng cán bộ thôn xã "ba cùng" giúp dân biến đổi những mảnh đất trắng màu hoa anh túc thành những mùa vàng lúa, ngô.

Do vậy, “từ năm 2001 đến nay, Huyện ủy đã thành lập Tổ công tác phụ trách xã để nắm bắt tình hình cơ sở; cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật canh tác của người dân, vận động xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh dân tộc”, Bí thư Khánh cho biết.

Ông Đỗ Chí Công, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Trạm Tấu (phụ trách bản Cang Dông, xã Pá Hu) cho biết: “Anh em nhận lệnh là đi. Bản thân tôi, sau khi được bổ nhiệm rồi mà chưa thấy huyện ủy giao phụ trách bản nào cũng thấy sốt ruột”.

Với những cán bộ cắm bản cứ xử lý, sắp xếp xong công việc ở huyện là lao xuống bản, bất kể ngày đông giá, sương muối lạnh tê tái, nước đóng băng phủ kín cành cây, ngọn cỏ, hay những ngày hè nóng bỏng, gió Lào từ cánh đồng Mường Lò theo suối Nậm Tung thổi ngược lên như thiêu, như đốt.

Về bản như về nhà

Anh Đỗ Chí Công chia sẻ, những cán bộ cắm bản như anh về bản có cảm giác như về nhà. Mỗi lần đi bản triển khai công việc, anh em đều tranh thủ qua chợ mua thêm mớ rau, lạng thịt, gói kẹo cho lũ trẻ con… Thông thường, 8-9 giờ tối tập hợp họp dân triển khai công việc, kết thúc cuộc họp vào khoảng nửa đêm. Sau đó anh em ngủ lại tại nhà trưởng thôn, trưởng bản, sáng dậy sớm cùng đồng bào lên nương. Hôm nào huyện có việc trọng, không ở lại được, thì về đến nhà gà đã gáy sáng.

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh cho biết, nhờ có cán bộ cắm bản, trong những năm qua chất lượng cán bộ các xã từng bước được nâng lên. Trước kia một số anh em chưa thạo việc, những cán bộ có kinh nghiệm trong tổ công tác phải trực tiếp làm thay, vừa hướng dẫn cho đội viên trong tổ, vừa hướng dẫn cho người dân cách trồng lúa lai, ngô lai, trồng cỏ voi, làm chuồng trại cho đàn gia súc…

Nhờ nỗ lực ấy, đến nay cán bộ ở xã, ở thôn đã tự biết làm, tổ công tác chủ yếu hướng dẫn, đôn đốc. Đồng bào dần quen với kỹ thuật thâm canh tăng vụ (năm 2013 diện tích lúa đạt trên 2.500 ha, ngô đạt gần 3.500 ha), sử dụng lúa lai, ngô lai cho năng suất cao; biết ủ mạ, bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng bào cũng biết trồng cỏ, đánh rơm làm thức ăn cho đàn gia súc; chuồng trại được làm và che chắn cẩn thận trong mùa đông. Trong 2 năm qua Trạm Tấu không còn gia súc chết do rét.

Bên cạnh đó, những tập quán không còn phù hợp cũng được người dân xoá bỏ. Bây giờ người chết được cho vào quan tài chôn trước 48 tiếng (trước kia người chết không cho vào quan tài, để cả tuần ở nhà); học sinh được đến lớp; đồng bào không còn phong tục cúng ma khi đau ốm mà đã đến các cơ sở y tế để chữa trị.  Đặc biệt, Trạm Tấu cũng không còn biệt danh "Vương quốc cây anh túc", với diện tích cây thuốc phiện hiện nay cơ bản được xoá bỏ (năm 2012 chỉ còn 760 m2); an ninh vùng đồng bào dân tộc ổn định.

Những thửa ruộng bậc thang xanh ngát ở Giàng La Pán đã thay thế cho sắc tím, sắc trắng ma mị của bạt ngàn anh túc. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Ví cán bộ vơi cho bồ thóc dân đầy

Trên con đường gập ghềnh về bản Cang Dông, anh Đỗ Chí Công cho biết: Trước đây đường xá chưa đâu vào đâu, nơi gần thì chả nói làm gì, nhưng ở những bản xa, đường xá khúc khuỷu, dốc đứng, đi lại rất khó khăn. Chỉ đi xe máy được từ huyện về đến xã, sau đó phải cuốc bộ về bản. Bây giờ, đã có đường liên thôn (dù chủ yếu là đường đất) đi lại thuận tiện hơn nhiều. Xe máy lắp lốp “chân chó” (lốp gai, tăng khả năng bám đường), trời mưa cuốn thêm cái xích là vô tư vào tới từng bản.

Tuy vậy, với đồng lương hành chính, anh em nuôi được “con ngựa sắt” để về với bản cũng khá vất vả. Đường xá vùng cao khó khăn, đi xe vừa tốn xăng, vừa hại phụ tùng. Thường khoảng 3-4 tháng là phải thay má phanh; 5-6 tháng là phải thay bộ nhông xích mới; mỗi tháng hết khoảng 1,5 triệu tiền xăng (ở bản giá xăng khoảng 30.000 đồng/lít); chưa kể chi phí bảo dưỡng. Nhiều cán bộ sau 1-2 năm đi về giữa huyện với bản là “tan” 1 cái xe máy.

Triệu Sinh Vĩnh, Phó Chủ tịch xã Bản Mù phụ trách thôn Tà Ghênh (cách trung tâm xã hơn 10 km) cho biết: Hồi mới về xã, đi xe đường núi chưa quen, bị ngã không ít lần, may chỉ xây xước qua loa.

Đồng hồ đo km trên chiếc xe mà Vĩnh mua khi mới nhận địa bàn dừng ở con số 17.861 km, nhẩm tính trong hơn 1 năm Vĩnh đi về giữa xã và bản, tiền xăng xe cũng tốn khoảng 17 triệu đồng.

Nói về chế độ cho cán bộ cắm bản, đồng chí Vũ Quỳnh Khánh ngậm ngùi: Cán bộ được giao phụ trách thôn bản là những đồng chí trưởng, phó các cơ quan ban, ngành, đoàn thể huyện nên công việc nhiều. Mỗi tháng dành tối thiểu 1/4 thời gian trong tháng xuống thôn, bản nên anh em không còn ngày nghỉ. Bên cạnh đó, đường xá khó khăn nên việc đi lại thường mất nhiều thời gian. Những dịp mưa nhiều, có khi phải đi bộ cả ngày đường mới đến thôn, bản để giải quyết công việc và hướng dẫn người dân. Trong khi đó, huyện nghèo, chế độ cho anh em không có.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hòe, Phó Chánh văn phòng Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: Một số đơn vị sự nghiệp cũng cố lo công tác phí cho anh em có thêm “gói mì, lít xăng” để đi về bản, nhưng ngân sách eo hẹp, cũng không thể làm thủ tục thanh toán cho anh em. Còn Đỗ Chí Công chia sẻ: "Với anh em trong huyện, phụ trách thôn bản là công việc thường xuyên, vả lại huyện nghèo, ngân sách không có, anh em tự nguyện bỏ tiền túi đi làm, không ai thắc mắc, đòi hỏi chế độ. Chỉ mong đồng bào, anh em cơ sở tiến bộ là bọn mình vui".

Trong những nếp nhà truyền thống bằng gỗ pơ mu, đồng bào đã được xem tivi, biết dùng nước sạch, nhiều hộ đã có của ăn, của để. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Chia sẻ với những vất vả của cán bộ bám dân, bám bản, Giàng A Lồng (Chủ tịch xã Pá Hu) cho biết, anh em trong thôn, trong xã phấn đấu 1-2 năm tới sẽ tự chủ được mọi công việc, để cán bộ huyện đỡ phải vất vả, không phải thường xuyên đi về.

Nhìn lại, chỉ 5 năm trước thôi, Trạm Tấu còn nổi danh với những cái nhất chẳng ai muốn: Huyện vùng cao khó khăn nhất, tỷ lệ hộ đói nghèo nhiều nhất, nạn đốt rừng làm nương phức tạp nhất, diện tích tái trồng cây thuốc phiện lớn nhất... Nhưng nhờ những cán bộ "ba cùng" với dân, mầm xanh no ấm đã dần nảy mầm, làm hồi sinh những vùng “đất chết”.

Thiết nghĩ chính sách xóa đói, giảm nghèo của của Trung ương như "tấm chăn rộng", dù có ưu việt đến mấy cũng vẫn không thể phủ ấm mọi ngóc ngách thô ráp của đời sống thực tiễn. Với cách làm chủ động đưa cán bộ "ba cùng", Trạm Tấu - mảnh đất còn nhiều gian khó mà ấm áp tình người đã tạo nên sức mạnh đồng thuận, tiếp sức giúp đồng bào tự vươn lên đuổi "con ma đói, ma nghèo, ma thuốc phiện"… ra khỏi thôn, bản, đem lại no ấm cho từng nếp nhà.

Nếu như cán bộ lãnh đạo ở khắp các quận, huyện trong nước cũng ba cùng với dân trong mỗi khu phố, thôn, làng, phum, sóc... nếu như lãnh đạo ở các tỉnh thành cũng ba cùng với từng xã, phường… thì cuộc sống sẽ đẹp biết đến dường nào?

Trần Mạnh