Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). COP26 do Anh đăng cai tổ chức, có sự phối hợp với Italy – nước đăng cai Hội nghị trù bị COP26 từ ngày 30/9 đến 02/10/2021 tại Milan.
Việc Thủ tướng tham dự Hội nghị khẳng định quyết tâm của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với nỗ lực chung để giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Thực tế trong thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ sự trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu và đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, quyết tâm, nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về những dạng năng lượng tái tạo sạch như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Ảnh: VGP |
Trước thềm chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng, các quốc gia phải làm việc cùng nhau để ngăn chặn Trái đất nóng lên hơn 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp. Nếu không làm điều này, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể phải hứng chịu những hậu quả rất nghiêm trọng.
Đề cập tới nỗ lực giữa các quốc gia nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho rằng vào năm ngoái, Việt Nam đã tăng mục tiêu trong việc giảm phát thải carbon.
Đại sứ Italy tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro, cho rằng sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 lần này cho thấy Việt Nam hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề BĐKH.
Đại sứ nhấn mạnh, các quyết định có được thông qua hoặc không thông qua tại Glagow sẽ định hình tương lai của chúng ta. Điều cực kỳ quan trọng là các quốc gia đều thể hiện quyết tâm ở mức cao nhất có thể trong vấn đề BĐKH.
Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam được trình bày năm ngoái là một bước tiến quan trọng. NDC của Việt Nam đề ra các mục tiêu cao hơn và dựa trên phân tích rộng hơn về tất cả các lĩnh vực kinh tế. Phía Italy tin tưởng những cam kết mới từ phía Việt Nam tại Hội nghị.
Bên cạnh vấn đề về năng lượng, ông Antonio Alessandro đưa ra khuyến nghị, các lĩnh vực khác cũng có liên quan như nông nghiệp, nông thôn và lâm nghiệp cần được đầu tư theo hướng xanh hóa. Việc thúc đẩy các chính sách về cơ sở hạ tầng và phục hồi xanh là vô cùng quan trọng.
Việt Nam cần có một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm các biện pháp thích ứng, các giải pháp dựa vào thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Italy rất sẵn lòng chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất của mình về tất cả các khía cạnh này với Việt Nam, Đại sứ Italy nhấn mạnh.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Kim Højlund Christensen: Chuyển đổi xanh là cơ hội thương mại tốt cho Việt Nam và Đan Mạch sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình này. Ảnh: VGP |
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông Kim Højlund Christensen cho biết, Đan Mạch mong muốn tiếp tục là đối tác thân thiết và đáng tin cậy của Việt Nam trong quá trình giải quyết đồng thời các thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế với giá thành cạnh tranh và chống biến đổi khí hậu.
Những mục tiêu này có thể song hành với nhau và tham vọng lớn hơn nữa về chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh sẽ có tác động lớn đến xuất khẩu và khả năng cạnh tranh trong tương lai của Việt Nam.
“Thuế biên giới cacbon” có thể sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong thương mại quốc tế và việc thu hút FDI cũng sẽ ngày càng lệ thuộc vào sự hiện diện của các hệ thống sản xuất carbon thấp.
Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn FDI hơn bởi các doanh nghiệp nước ngoài đang rất quan tâm đến chuỗi cung ứng xanh và sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như các cam kết nhằm giảm lượng khí thải carbon toàn cầu của bản thân họ.
Chuyển đổi xanh là cơ hội thương mại tốt cho Việt Nam và Đan Mạch sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình này.
Hợp tác ứng phó BĐKH đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững
Liên quan tới các chương trình hợp tác song phương ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), ông Gareth Ward cho biết, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có nhiều chương trình hợp tác nhằm ứng phó với BĐKH. Hai bên đang phối hợp xây dựng nhà ở tại khu vực miền Trung nhằm ứng phó với tình trạng lũ lụt và giúp người dân địa phương không bị mất nhà khi đối mặt với các hình thức thời tiết xấu.
Phía Anh cũng đang hỗ trợ nông dân ở Tây Nguyên chuyển đổi phương thức canh tác nông nghiệp để họ có thể đối phó với các điều kiện thời tiết khác nhau.
Hai quốc gia cũng đang tăng cường hợp tác về năng lượng. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về những dạng năng lượng tái tạo sạch như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Vương quốc Anh là quốc gia dẫn đầu thế giới về điện gió ngoài khơi và phía Anh đang chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi với Việt Nam.
Hai quốc gia đang thúc đẩy hợp tác như một phần của cộng đồng toàn cầu để đảm bảo tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ các nước phát triển và các doanh nghiệp có thể đầu tư. Bởi vì ứng phó với BĐKH không chỉ là hành động từ phía chính phủ mà còn là hành động từ phía doanh nghiệp.
Đại sứ Italy tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro: Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam năm ngoái đề ra các mục tiêu cao hơn và dựa trên phân tích rộng hơn về tất cả các lĩnh vực kinh tế. Phía Italy tin tưởng những cam kết mới từ phía Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: VGP |
Đề cập tới những hỗ trợ của Italy dành cho Việt Nam trong vấn đề thích ừng với BĐKH, Đại sứ quán Italy cho biết đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên Việt Nam tham gia đóng góp và hành động về biến đổi khí hậu. Hai đại biểu từ Việt Nam đã được cử tham gia sự kiện Youth4Climate tại Milan vào đầu tháng này.
Italy cũng triển khai một chương trình song phương riêng hỗ trợ Việt Nam trong các biện pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Theo Bản ghi nhớ được Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường, Đất đai và Biển Italy ký kết vào năm 2018, Italy sẽ sớm khởi động một chương trình trị giá EUR3,4 triệu cho các ứng dụng viễn thám nhằm thích ứng với BĐKH.
Cơ Quan Hợp Tác Phát triển Italy (AICS) cũng đang lập chương trình, sáng kiến về BĐKH dành cho Việt Nam theo Thỏa thuận hoán đổi nợ để phát triển.
Về các chương trình hợp tác chống BĐKH giữa Việt Nam và Đan Mạch, ông Kim Højlund Christensen nhấn mạnh, sự hợp tác đã phát triển từ mối quan hệ hợp tác phát triển truyền thống sang quan hệ đối tác toàn diện.
Năm 2009, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên cung cấp tài trợ để giúp Việt Nam thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu. Tới nay, Chính phủ Đan Mạch đã đóng góp khoảng 140 triệu USD giúp triển khai các dự án chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Năm 2013, Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam-Đan Mạch (Chương trình DEPP) bắt đầu được triển khai. Một trong số những kết quả quan trọng của Chương trình là Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam, trong đó đưa ra các kịch bản phát triển xanh khác nhau cho ngành năng lượng Việt Nam.
Sự hợp tác giữa hai nước cho thấy tiềm năng cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính đáng kể ở Việt Nam đi kèm với việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và sự thịnh vượng cho người dân Việt Nam.