Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo cho biết, Cổng TTĐT Chính phủ đang góp phần triển khai những chủ trương, nhiệm vụ rất lớn, rất quan trọng của Chính phủ liên quan trực tiếp đến cộng đồng DN/. Ảnh: VGP/Hà Chính |
Hội thảo do Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long và Công ty cổ phần Tri thức doanh nghiệp quốc tế tổ chức - là một trong loạt hội thảo cùng chủ đề do Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với các đơn vị thực hiện.
Trước đó, hội thảo đã được tổ chức tại TPHCM và sẽ được tiếp tục tổ chức tại Bến Tre trong ngày 13/1.
“Đánh thức” DN
Thời gian qua, Vĩnh Long, Bến Tre cũng như các tỉnh ĐBSCL được đánh giá là đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Vĩnh Long từng nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu tại hội thảo một lần nữa cho thấy những nỗ lực đó.
“Rất mong các diễn giả đánh giá thẳng thắn, không né tránh về Vĩnh Long, có những gợi ý để giúp địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, biến khó khăn thách thức thành cơ hội”, ông Trần Hoàng Tựu đề nghị.
Đặc biệt, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh xem hội thảo như một cơ hội để “đánh thức” DN, để các DN trong tỉnh nhận thức rõ hơn về thời cơ và thách thức hội nhập, tạo uy tín trên thương trường, cạnh tranh hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, các vị diễn giả như TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, và CEO Đặng Đức Thành, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm CLB các nhà kinh tế (VEC) đã chia sẻ, trực tiếp giải đáp các câu hỏi từ các DN về những vấn đề nóng đang được DN và cả các cấp chính quyền rất quan tâm trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là về những cơ hội, thách thức và đâu là giải pháp phù hợp.
Các đại biểu tham dự hội thảo đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia. Ảnh: VGP/Hà Chính. |
“Nếu chỉ nói đến cơ hội xuất khẩu là quá hẹp. Với những hiệp định như TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, cơ hội là bạt ngàn. Chẳng hạn, riêng một nhà máy của Samsung đã cần tới 2.000 vệ sĩ, rồi nhu cầu hàng chục nghìn suất ăn mỗi ngày, đó là cơ hội của chúng ta. Sản xuất là quan trọng, nhưng cũng đừng quên mảng tiêu dùng. Thậm chí, ngay cả với những ngành khó khăn như chăn nuôi, chúng ta vẫn có “cửa sống” nếu biết cách. Mọi DN chúng tôi khảo sát đều ủng hộ hội nhập, kể cả những ngành khó khăn nhất”, TS. Võ Trí Thành nói.
CEO Đặng Đức Thành nhấn mạnh với lãnh đạo Vĩnh Long về yêu cầu phát triển đội ngũ DN. Lấy ví dụ Thái Lan có 60 triệu dân mà có tới 3 triệu DN, trong khi Việt Nam với dân số 90 triệu người chỉ có gần 500.000 DN đang hoạt động, ông Thành cho rằng, địa phương cần có một nghị quyết về phát triển DN, với sự xắn tay vào cuộc của các sở, ngành.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ trong việc quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN.
“Lập luận của Chính phủ là Thái Lan làm được thì Việt Nam cũng làm được. Vậy các tỉnh, thành khác làm được thì Vĩnh Long cũng làm được. Con số 2.700 DN là ít, tất nhiên điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng Vĩnh Long cần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh hơn nữa”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định.
Góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Theo Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Vi Quang Đạo, năm 2015, bên cạnh những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, còn ghi những dấu ấn đậm nét về cải cách thể chế và hội nhập - hai động lực được coi là quan trọng nhất và sẽ phát huy ảnh hưởng lâu dài với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành và quyết liệt triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất ASEAN.
Với đà cải cách mạnh mẽ đó, chưa bao giờ tiếng nói của DN được lắng nghe như hiện nay và trong bối cảnh đó có vai trò của Cổng TTĐT Chính phủ.
Ảnh: VGP/Hà Chính. |
Hiện Cổng TTĐT Chính phủ đang góp phần triển khai những chủ trương, nhiệm vụ rất lớn, rất quan trọng của Chính phủ liên quan trực tiếp đến cộng đồng DN.
Một là, tiếp nhận ý kiến phản biện chính sách từ phía DN, chuyên gia và người dân để giúp Chính phủ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Mọi ý kiến gửi tới Cổng TTĐT Chính phủ là gửi tới Chính phủ, tới Thủ tướng.
Hai là, làm hạt nhân để xây dựng chính phủ điện tử, một công cụ quan trọng hướng tới mục tiêu thay đổi căn bản phương thức hoạt động của Nhà nước trên nền tảng công nghệ thông tin, là đột phá để cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN hoạt động và thúc đẩy đất nước phát triển. Cùng với đó là nhiệm vụ cung cấp thông tin, giải thích, hướng dẫn chính sách để người dân và DN tiếp cận, hiểu rõ chủ trương, chính sách từ Chính phủ.
Việc tham gia tổ chức các hội thảo về hội nhập là một trong những hành động cụ thể và trực tiếp của Cổng TTĐT Chính phủ trong nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, làm giàu.
“Cổng TTĐT Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN, tiếp tục là cầu nối hiệu quả và thuận lợi giữa Chính phủ, các cơ quan nhà nước với cộng đồng DN, góp phần xây dựng và thực thi chính sách hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho DN, giải phóng được những tiềm lực lớn của người dân và của cả nền kinh tế”, ông Vi Quang Đạo phát biểu.
Tại Nghị quyết số 19/NQ-CP, Chính phủ đã giao Cổng TTĐT Chính phủ lập Diễn đàn tiếp nhận ý kiến phản biện chính sách của người dân và DN. Tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Cổng TTĐT Chính phủ đã được giao nhiệm vụ làm hạt nhân triển khai xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có nhiệm vụ thiết lập trang thông tin điện tử về tái cơ cấu DN Nhà nước, với nhiệm vụ công khai toàn bộ các thông tin, dữ liệu về hoạt động của DN Nhà nước trên phạm vi cả nước. |
Hà Chính