Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Các vị khách mời Tọa đàm. Ảnh: VGP |
Nhằm giải đáp thắc mắc cũng như giúp doanh nghiệp dệt may tháo gỡ khó khăn khi EVFTA chính thức có hiệu lực, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời:
-Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương);
-Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập;
-Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam.
Dưới đây là nội dung Tọa đàm:
Thưa ông Lương Hoàng Thái, phải mất 9 năm thì Việt Nam mới có thể kết thúc đàm phán và đi đến kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA). Đây là một khoảng thời gian không hề ngắn, và dường như cũng không hề dễ dàng đối với Việt Nam. Xin ông chia sẻ thêm?
Ông Lương Hoàng Thái: EU là một đối tác tạm gọi là khó tính trong việc xây dựng Hiệp định thương mại tự do. Nhìn tổng thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chưa có một nước đang phát triển nào ký kết được Hiệp định thương mại tự do với EU trong khi có rất nhiều nước đàm phán với EU.
Điều khó tính của EU thể hiện ở việc EU đòi hỏi một nước khi tham gia xây dựng quan hệ thương mại tự do, không chỉ nhìn vào khía cạnh thương mại thuần túy, mà lớn hơn đó là thông điệp về cải cách nền kinh tế.
Đây là điểm mấu chốt rất quan trọng, chính vì vậy để một nước có mối quan hệ thương mại tự do với EU, nước đó phải chứng minh có quyết tâm cải cách mạnh mẽ để vươn lên.
Việt Nam đã xây dựng lộ trình tổng thể với EU từ rất sớm để hợp tác với nhau. Một trong những hoạt động quốc tế đầu tiên của chúng ta là tổ chức Hội nghị cấp cao ASEM, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu trong bối cảnh Việt Nam chưa đàm phán xong việc gia nhập WTO.
Cao ủy Thương mại EU thời gian đó cùng với lãnh đạo chúng ta bàn một lộ trình: bước đầu tiên là gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, bước tiếp theo hai bên hướng đến xây dựng Hiệp định thương mại tự do với tiêu chuẩn cao.
Bước đầu tiên EU chủ yếu giúp Việt Nam hội nhập, EU là một trong những đối tác đầu tiên kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Song song có những ưu đãi như theo chương trình thuế quan phổ cập GSP. Khi Việt Nam vươn lên mức độ nhất định và có những bước cải cách tiến tới quan hệ thương mại tự do ở mức cao hơn. Quan hệ cùng có lợi chứ không dựa trên những ưu đãi đơn phương của EU dành cho Việt Nam.
Sau một quá trình làm việc phối hợp với nhau, chúng tôi rất mừng vì cuối cùng hai bên đã ký được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Bước tiếp theo rất quan trọng, hướng tới việc đưa hiệp định phê chuẩn và thực thi.
![]() |
Ông Lương Hoàn Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: VGP |
Đối với riêng ngành dệt may của Việt Nam, đây sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA chính thức có hiệu lực thi hành. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những lợi ích mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ được hưởng?
Ông Lương Hoàng Thái: Hiệp định này là cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may. Thuế quan đối với gần như tất cả mặt hàng dệt may được giảm về 0. Trong đó 77% dòng thuế được giảm về 0 ngang. Thị trường EU là thị trường lớn, về dệt may EU đứng đầu thế giới, đối với xuất khẩu nước ta EU đứng thứ hai.
Việc của chúng ta bắt buộc là phải cải cách, tham gia Hiệp định thương mại tự do thể hiện thách thức rất lớn đối với những ngành truyền thống như ngành dệt may. Chính vì những thách thức này mà chúng ta buộc phải cải cách và tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trước đây chúng ta dựa vào dệt may rất nhiều để phát triển việc làm và phát triển theo bề rộng. Với những lợi thế về chi phí lao động và các lợi thế khác, chúng ta đã phát triển rất nhanh, rất mạnh. Nhưng cạnh tranh trong ngành dệt may rất lớn trên quy mô toàn cầu, nhà đầu tư có thể đi từ nước này sang nước khác rất nhanh. Chúng ta đang đến một giai đoạn phát triển mà chi phí lao động tăng lên rất nhanh cùng với những chi phí khác. Đây là điểm tốt, cùng với quá trình hội nhập, lợi ích được lan tỏa đến người lao động.
Để ngành dệt may phát triển được, chúng ta phải đổi cách kinh doanh từ trước đến nay. Chính vì vậy, việc tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nằm trong tính toán tổng thể.
Với những thách thức như vậy, làm thế nào để chúng ta vượt qua được? Thứ nhất chúng ta phải có thị trường lớn để lập được chuỗi cung ứng mang tính ổn định, lâu dài. Thứ hai, những thứ giúp ngành dệt may cạnh tranh ở cấp độ cao hơn, phải làm được tốt hơn. Đây chính là mục tiêu mà chúng ta đưa ra khi tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do với EU. Tạo ra thị trường bền vững như vậy, chúng ta có thêm điều kiện để đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng ở mức độ sâu hơn. Đặc biệt nếu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị tạo ra cho Việt Nam sẽ cao hơn.
Tuy nhiên sẽ đi kèm với những thách thức. Khâu yếu nhất hiện nay của ngành là khâu dệt và điểm nghẽn là nhuộm.
Nếu như muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng phải nắm được mấu chốt cơ bản của chuỗi cung ứng đó. Nếu không có sự chuẩn bị tổng thể, sự tham gia của các bộ ngành địa phương, vượt qua thách thức này đối với ngành dệt may, việc tận dụng cơ hội này rất khó. Chính vì vậy, mục tiêu tham gia Hiệp định thương mại tự do là vượt qua thách thức nhiều ngành đang đối đầu, trong đó có dệt may trong thời gian tới sẽ có những thách thức rất lớn.
Từ những lợi thế mà ông Thái cũng như bà Trang vừa chia sẻ, ông Vũ Đức Giang đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay?
Ông Vũ Đức Giang: Tôi đánh giá theo 3 vấn đề lớn.
Thứ nhất, tôi khẳng định, quan điểm và thông tin vừa chuyển tải của anh Thái về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tôi cho rằng, Hiệp định được ngành dệt may Việt Nam trông chờ từ rất lâu bởi đây là cơ hội rất tốt cho ngành dệt may Việt Nam.
Vấn đề thứ hai đặt ra, cơ hội đi đôi với thách thức. Thách thức cực kỳ lớn đối với dệt may Việt Nam, như anh Thái chia sẻ, điểm nghẽn phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là phần liên quan đến nhuộm hoàn tất.
Thứ ba, để đạt được mục tiêu lợi ích mà hiệp định mang lại, các bộ ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển khu doanh nghiệp, phần cung thiếu hụt, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáp ứng yêu cầu các điều khoản hiệp định đưa ra. Đặc biệt với EU chúng ta phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải.
Bà có nhận định, đánh giá như thế nào về thị trường chung châu Âu (EU)? Trong số 28 nước thành viên trong EU, những thị trường nào là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp dệt may Việt Nam khai thác, thưa bà Nguyễn Thị Thu Trang?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Đứng từ góc độ ngành dệt may, EU là thị trường lớn vô cùng hấp dẫn. Theo số liệu của ITC năm 2018 dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu 5,6 tỷ USD. Đây là con số rất lớn, nhưng chỉ chiếm 2,02% tổng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu. Cho thấy dư địa ở thị trường châu Âu rất lớn đối với dệt may Việt Nam.
Xét về nền kinh tế thành viên của EU, Đức, Pháp là những thị trường dệt may truyền thống với chúng ta. Năm 2018, Đức là thị trường lớn nhất, khoảng hơn 1,5 tỷ; Pháp gần 1,2 tỷ. Xét về thị phần chiếm khoảng hơn 2% tổng nhập khẩu của những nước này.
Có một số thị trường nhỏ hơn của EU, mặc dù nhu cầu tiêu thụ dệt may của họ thấp hơn hẳn thị trường truyền thống Pháp, Đức, nhưng xét về dư địa, tiềm năng cũng rất lớn. Nhập khẩu dệt may của nước ta vào thị trường Malta, Bulgaria chưa đến 0,1% tổng nhập khẩu của hai nước này. Điều này cho thấy cơ hội rất lớn, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận thị trường này, nâng cao thị phần của chúng ta, cũng như tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.
![]() |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Ảnh: VGP |
Nhận định, đánh giá của ông Giang như thế nào về tình hình xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào EU tính đến thời điểm hiện nay và nhất là đối với các quốc gia mà bà Trang vừa chia sẻ?
Ông Vũ Đức Giang: Ngành dệt may Việt Nam năm nay đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD. Thị trường lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ chiếm khoảng 42% trong tổng xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào các thị trường thế giới. Thị trường thứ hai là EU, chiếm khoảng 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%. Thị trường thứ ba là Nhật Bản chiếm 19,5%. Thị trường thứ tư là Hàn Quốc chiếm 14% so với mục tiêu đặt ra của ngành. Còn lại các nước khu vực Trung Đông,.. là một trong những thị trường mới của ngành dệt may Việt Nam.
EU vẫn là thị trường có tính chiến lược, trọng điểm lâu dài. Bởi dòng hàng vào EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn một số các nước khác. Thứ hai, EU là một trong những nước mà Việt Nam đã có mối quan hệ từ năm 1992 đến nay, văn hóa đàm phán hợp đồng, hiểu cách đặt những đơn hàng của EU, có những sự hiểu biết và chia sẻ tương đối ổn định hơn, chắc chắn hơn so với một số thị trường khác. Thứ ba, văn hóa quan hệ thương mại giữa EU đối với ngành dệt may Việt Nam, EU hiểu và tuân thủ chiến lược phát triển thương mại chung có tính toàn cầu. Đây cũng là một lợi thế cho ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên có một vấn đề đáng quan tâm là giá của sản phẩm. Việt Nam vẫn là một trong những nước cạnh tranh khắc nghiệt so với một số nước khác. Nếu Việt Nam không đặt ra chiến lược tốt, chúng ta sẽ khó tiếp cận vào thị trường các nước EU. Mặc dù xuất khẩu dệt may vào các nước EU chiếm khoảng 21,5%. Tuy nhiên các lợi thế này sẽ đan xen thách thức vào phần cung thiếu hụt, đây là trọng yếu phát triển để bền vững cho ngành dệt may Việt Nam thời gian tới.
Như ông vừa chia sẻ, tình hình xuất nhập khẩu của chúng ta rất khả quan. Tuy nhiên thời gian gần đây kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của chúng ta tăng chậm và tình trạng doanh nghiệp dệt may thiếu hụt đơn hàng diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may miền Bắc, ông có thể lý giải như thế nào về tình trạng này?
Ông Vũ Đức Giang: Ở đây có 3 yếu tố. Thứ nhất, tôi khẳng định thiếu đơn hàng không phải là tất cả, chỉ ở một số đơn vị, một số mặt hàng. Do chính sách tiêu dùng của một số nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản. Hai thị trường này năm 2019 có một số mặt hàng sức mua của họ giảm do thời tiết, chính sách tiêu dùng và ảnh hưởng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. 7 tháng đầu năm 2019, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu 21,9 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, không phải giảm toàn ngành mà chỉ giảm một số. Thứ ba, thặng dư thương mại ngành dệt may Việt Nam 7 tháng năm nay là 10,6 tỷ USD. Đây là một trong những ngành có thặng dư thương mại cực kỳ lớn trong chiến lược phát triển. Bởi sức ép, sức mua, khả năng vươn ra thị trường của các doanh nghiệp khác so với cách đây 5 năm về trước. Bây giờ chúng ta phải bán FOB, ODM, chúng ta không làm gia công, nên giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam ngày càng có vị thế tương đối tốt so với một số ngành, lĩnh vực khác.
Tôi cho rằng thị trường Đức, thị trường Pháp là một trong những thị trường trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam. Hiện nay có thêm một số nước như Italy, Tiệp Khắc, Tây Ban Nha,.. bắt đầu nhập khẩu sản phẩm của ngành dệt may Việt Nam, bắt đầu có những đơn hàng tương đối tốt. Khi hiệp định thương mại được ký, đó là một dòng đầu tư từ EU vào Việt Nam tương đối lớn trong thời gian vừa qua.
Thưa ông Lương Hoàng Thái, ưu đãi thuế quan có lẽ là điều nhận được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian qua. Có nhiều ý kiến cho rằng, trong một vài năm đầu khi EVFTA chính thức có hiệu lực thì phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ chưa được hưởng lợi từ EVFTA do mức thuế giảm từ 12% vẫn sẽ cao hơn mức 9% theo GSP. Ông có lý giải như thế nào về ý kiến này?
Ông Lương Hoàng Thái: Ngay khi đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hai bên đã thống nhất tất cả ưu đãi về đơn phương mà EU trước đây dành cho Việt Nam theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập chung sẽ được giữ nguyên khi chúng ta đưa Hiệp định thương mại tự do vào thực thi. Vừa rồi có một số thông tin báo chí nêu, thuế chúng ta hưởng trong Hiệp định thương mại tự do cao hơn mức thuế đang được hưởng theo ưu đãi đơn phương là không chính xác. Trong hiệp định có điều khoản riêng quy định lộ trình đặt như vậy. Mức thuế Việt Nam được hưởng theo Hiệp định thương mại tự do ràng buộc ở mức đơn phương mà EU cho Việt Nam hưởng. Mặc dù mức đơn phương này đối với các thị trường khác EU có thể rút lại bất kỳ lúc nào, nhưng riêng Việt Nam do có Hiệp định thương mại tự do thì mức đó được chuyển sang Hiệp định thương mại tự do và áp dụng ở mức đó. Tất nhiên những quy định khác như quy tắc xuất xứ được chuyển sang áp theo hệ thống quy định của Hiệp định thương mại tự do. Tôi khẳng định, không có việc thuế sẽ bị tăng lên khi hiệp định có hiệu lực và mức này khi đưa vào hiệp định thương mại tự do sẽ mang tính ràng buộc cao hơn.
Quy tắc xuất xứ phải chuyển sang áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do chứ không còn theo chế độ GSP trước đây. Tất nhiên nếu chúng ta vẫn còn được hưởng song song thì doanh nghiệp có thể chủ động lựa chọn hưởng theo điều khoản nào. Nếu GSP bị rút đi, khi đó quy tắc áp dụng bắt buộc phải là quy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại tự do.
Thưa ông, trong GSP có quy tắc cộng gộp và quy tắc “hai công đoạn”. Chính vì vậy mà quy tắc xuất xứ của EVFTA có một chút khác biệt so với quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU.Ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?
Ông Lương Văn Thái: Đối với EU tất cả các Hiệp định thương mại tự do từ trước đến nay quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may điều được quy định tạm gọi là 2 công đoạn, chúng ta gọi là sản xuất từ vải trở đi mới được hưởng ưu đãi thuế quan đó. Tất nhiên trong hiệp định cũng có một số quy tắc mang tính linh hoạt như cho phép cộng gộp đối với nguyên liệu từ một số đối tacs mà EU đã có Hiệp định thương mại tự do, cụ thể là dệt may Hàn Quốc. Hiện nay Bộ Công Thương đang làm việc với Hàn Quốc và EU để thống nhất cơ chế cụ thể để khi hiệp định thực thi sẽ áp dụng ngay cơ chế này. Hay một số đối tác thương mại khác mà EU có Hiệp định thương mại tự do trong khu vực này.
Quy tắc xuất xứ này về cơ bản có một số điểm khác biệt so với quy tắc xuất xứ đối với chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập chung GSP của EU. Về cơ bản, chúng tôi thấy không khác biệt quá lớn, cách tiếp cận thị trường EU gần như tương đương nhau. Các doanh nghiệp dệt may của chúng ta có kinh nghiệp làm việc ở EU rất lâu và đã có những bước chuẩn bị để đáp ứng tiêu chuẩn mới về quy tắc xuất xứ này.
Có ý kiến cho rằng: Tăng trưởng nguồn nguyên phụ liệu trong nước là một trong những thách thức đối vưới ngành dệt may Việt Nam. Quan điểm của bà Trang về ý kiến này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Như anh Thái vừa chia sẻ, nói chính xác hơn vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu đối với ngành dệt may Việt Nam là một thách thức không chỉ cho ngành dệt may mà là thách thức cho việc tận dụng các cơ hội. Nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chúng ta xuất khẩu với mức thuế như cũ và không được hưởng ưu đãi. Nếu có nguồn cung nguyên liệu phù hợp và đáp ứng quy tắc xuất xứ có liên quan thì hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may của Việt Nam nói riêng có thể được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.
Với hiện trạng như hiện nay, mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của chúng ta hiện nay đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của Hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Đây là một vấn đề vướng mắc của chúng ta. Theo nghiên cứu của một số dự án, ngành dệt may được đánh giá là ngành không được hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng xuất khẩu sang EU với Hiệp định thương mại tự do nhưng được đánh giá là ngành hưởng nhiều lợi nhất từ việc phát triển chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Đây là một cơ hội cho ngành dệt may. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU cùng với các hiệp định khác mà chúng ta vừa mới ký đều có yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ. Đây chính là động cơ thúc đẩy cho đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành hiện nay được xem là nút thắt trong nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam, đó là ngành dệt và dệt nhuộm. Nguồn cung nguyên liệu từ đoan sợi, một vài năm trước đây chúng ta khó khăn cả phần sợi này, hiện nay phần sợi đã có tiến bộ hơn nhiều, chúng ta đã có xuất khẩu sợi. Một vài năm trước đây xuất khẩu sợi của chúng ta phần nhiều, vì chất lượng sợi chưa được tốt lắm, chưa sử dụng được nhiều trong sản xuất hàng dệt may yêu cầu chất lượng cao. Lý do quan trọng là chúng ta có sợi nhưng không có dệt, không có nhuộm, chúng ta không thể để sợi đấy ở Việt Nam được.
Tôi hy vọng với những động lực được tạo ra bởi các hiệp định như FTA Việt Nam-EU, CPTPP hay các hiệp định khác, trong tương lai đầu tư cho dệt nhuộm của Việt Nam sẽ tốt hơn, giúp Việt Nam giải quyết bài toán mà anh Giang đã nhắc lại nhiều lần đó là vấn đề nguồn cung cho ngành dệt may.
Tôi cũng có một lưu ý liên quan đến vấn đề về nguồn cung nguyên liệu. Không chỉ về nguồn cung nguyên liệu mà còn về thiết kế và nhiều vấn đề khác nữa để chúng ta nâng giá trị của dệt may Việt Nam cao hơn trong “đường cong nụ cười” về chuỗi giá trị.
"Việt Nam cần nhận thức rằng cần phải xây dựng một ngành công nghiệp dệt may nội địa (mang ý nghĩa giảm các thành tố nhập khẩu) để có thể tận dụng được hết những lợi ích này". Quan điểm của ông Giang về ý kiến này như thế nào?
Ông Vũ Đức Giang: Chúng ta đã tạo ra được hành lang thị trường rộng, có tính toàn diện của thế giới, đó là các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA.. tạo ra sân chơi cho các DN của ngành dệt may Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp cả nước nói chung rất là tốt. Vấn đề thứ 2, tôi cho rằng nó có một lực hút của các hiệp định này, ví dụ như trước đây các DN EU đầu tư vào dệt may thì không có nhưng 3 năm nay, có những DN của Pháp đã đầu tư vào dệt may Việt Nam. Năm 2018, một tập đoàn của Đức đã đầu tư vào nhà máy kéo sợi len lông cừu tại thành phố Đà Lạt, hay như hàng loạt tập đoàn của Mỹ đầu tư vào dệt may của Việt Nam. Hoặc như mới đây, Isarel đầu tư vào một nhà máy cực kỳ hiện đại vào Bình Định từ kéo sợ, dệt, nhuộm hoàn tất và may.. Tôi cho rằng đây là lực hút và lực hút này là một trong những chiến lược cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Vấn đề thứ ba, đây cũng tạo ra động lực cho các DN trong nước và DN FDI đầu tư vào phần cung thiếu hụt.
Việt Nam bây giờ có trên 10 triệu cọc sợi, chúng ta là nước xuất khẩu sơi, năm 2018, chúng ta xuất khẩu trên 3 tỷ USD tiền sợi, và năm nay dự kiến ngành sợi không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một năm chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc hai mặt hàng chủ lực, một là sản phẩm sợi các loại khoảng 1,7 -1,8 tỷ USD/năm, thứ hai là các sản phẩm may mặc.
Quan điểm của tôi, đây là một trong những thời cơ phát triển bền vững trong những năm 2025-2030, chúng ta sẽ có rất nhiều lợi thế từ những dòng đầu tư từ trong nước hay đầu tư từ các nguồn vốn FDI. Đối với các địa phương, đây là cơ hội của cả nước chứ không phải một ngành, nên cần bàn sâu để tới đây phát triển ngành công nghiệp dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác, không chỉ dệt may. Tôi tin tưởng rằng trong chiến lược của ngành sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất xứ cũng như yêu cầu đòi hỏi của các điều khoản của hiệp định thương mại FTA-EU trong thời gian tới.
Vậy việc xây dựng vận hành thêm các nhà máy dệt, sợi (xây dựng một ngành công nghiệp dệt may) sẽ góp phần tạo thêm áp lực ra môi trường. Hiện tại, Việt Nam cũng là một trong những nước có chỉ số ô nhiễm môi trường khá cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Các doanh nghiệp đã có biện pháp xử lý nước thải và khí thải như thế nào trong sản xuất?
Ông Vũ Đức Giang: Thứ nhất, tôi khẳng định, lật môi trường của Việt Nam tiêu chuẩn rất là cao, không khác gì luật môi trường của EU hay luật môi trường của Nhật Bản, thậm chí có những điều khoản có đòi hỏi còn cao hơn. Thứ hai, những quan ngại của các cơ quan địa phương về ô nhiễm của ngành dệt nhuộm thì tôi cho rằng chúng ta nhận thức chưa đầy đủ. Các hệ thống công nghệ xử lý nước thải trên thế giới tiên tiến vô cùng. Chúng tôi đầu tư vào các nhà máy xử lý nước thải mà khi chúng ta đứng sát nhà máy thì không ngửi thấy mùi, không nhìn thấy nước có màu đạm như trước đây nữa, bây giờ công nghệ xử lý toàn bộ, thậm chí đến giai đoạn thứ hai là tái sử dụng nguồn nước.
Quan điểm của ngành dệt may Việt Nam là xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, chúng tôi đã đặt mục tiêu tái tạo nguồn nước từ nhuộm cho các DN. Thứ ba, không cần quá lo lắng đối với các cơ quan quản lý địa phương. Các khách hàng mua hàng của chúng ta còn đòi hỏi khắt khe hơn các địa phương, bởi nếu không tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng về luật môi trường, về thương mại với các khách hàng thì các đơn vị đó sẽ không bao giờ có các đơn hàng. Luật chơi có tính toàn cầu thì khách hàng sẽ đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thì chúng ta mới có đơn hàng và phát triển được DN. Vì vậy, việc tác động đến môi trường không đáng lo ngại nữa mà tôi cho là cần quan điểm của Chính phủ, của các địa phương tạo ra cái nhìn toàn diện hơn và tích cực hơn để tạo ra lực hút cho các nhà đầu tư FDI, đầu tư trong nước.
Trong Hiệp định EVFTA, quy định về môi trường được cam kết như thế nào thưa ông Lương Hoàng Thái?
Ông Lương Hoàng Thái: EU chỉ xây dựng hiệp định thương mại tự do với những đối tác quyết tâm cải cách rất sâu rộng, trong đó có những lĩnh vực trước đây không hoàn toàn gắn với thương mại ví dụ như lĩnh vực môi trường. Hiệp định thương mại tự do với EU có một chương phát triển bền vững trong đó có những quy định về môi trường chủ yếu dẫn chiếu đến các công ước quốc tế về môi trường và tiêu chuẩn quốc tế chung hai bên cùng tham gia, cùng cam kết sẽ thực hiện tốt. Tôi nhấn mạnh thêm một khâu mà EU rất quan tâm là thực thi sau này để triển khai những tiêu chuẩn đó tốt.
Trước đây cách tiếp cận của chúng ta là các DN tựu chứng minh mình làm tốt vì đằng nào khi bước ra những thị trường lớn như Hoa Kỳ hay EU thì DN cũng phải chứng minh, vì nếu không chứng mình là bảo đảm quy định môi trường thì không thể xuất khẩu được. Nay thì có thêm sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước và tới đây trong quá trình thực thi chúng tôi nghĩ rằng quan trọng là sự tham gia của các địa phương. Chúng ta đã tham gia các công ước về môi trường, những quy định pháp luật đã có nhưng triển khai thực thi là điều rất quan trọng.
Trước đây cách làm là thế này, ví dụ ngành nhuộm có thể rủi ro, quản lý khó, địa phương có thể nói ngay là không nhận cái đó, nhưng cách quản lý dài hơi hơn chúng ta nên nhìn nhận cách tiếp cận mang tính phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Từ EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, những nước phát triển, họ vẫn có ngành nhuộm và họ vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn môi trường ở đó. Đây là khâu cốt yếu, là năng lực quản lý của các cơ quan để hướng dẫn thực thi, đặc biệt là cấp địa phương. Thay vì DN nhuộm đến chúng ta trả lời là không thì chúng ta xây dựng cơ chế quản lý làm sao để DN đến đảm bảo được là làm với những tiêu chuẩn mà như nhà nước đã ban hành căn cứ trên những tiêu chuẩn quốc tế và chúng ta thực thi được những chuyện này. Song song với đó, phía EU cũng có chương trình hỗ trợ kỹ thuật với chúng ta, họ đặt trọng tâm rất lớn vào những vấn đề như môi trường, làm sao xây dựng được năng lực cho các cơ quan chúng ta thực thi thay vì đặt gánh nặng vào vai DN như trước đây.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập. Ảnh: VGP |
Chia sẻ của bà trong vấn đề này, thưa bà Trang?
Bà Nguyễn Thu Trang: Về mặt nguyên tắc và cơ bản hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU không đặt ra một quy tắc cụ thể nào về môi trường cả. Vì thế, nhiều khi chúng ta có những lo ngại quá mức là hiệp định này là hiệp định tiêu chuẩn cao và sau khi ký thì các tiêu chuẩn về môi trường hay các tiêu chuẩn khác đều cao thì không hẳn thế. Một điểm các DN lưu ý đặc biệt là các DN trong ngành có thể có ảnh hưởng nhất định đến môi trường như ngành dệt nhuộm là có cam kết trong hiệp định là sẽ không giảm việc thực thi hay là không hạ bớt các tiêu chuẩn về môi trường vì lí do ưu tiên cho thương mại.
Vì vậy, về mặt đường hướng thì sẽ không có câu chuyện giảm các tiêu chuẩn mà nếu có chỉ là tăng thêm nhưng không chắc chắn là vì EU yêu cầu mà nó tăng, mà nó tăng có thể là do định hướng về bảo vệ môi trường của chúng ta và vì phát triển thương mại bền vững của chúng ta. Chính vì thế, với các DN dệt may của chúng ta như đang đi từ thái cực này sang thái cực khác. Trước đây thì ít quan tâm nên việc thực thi bị buông lỏng nên gây ra một số vụ việc ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng. Từ chỗ con sâu làm rầu nồi canh, một vài vụ việc như thế khiến cho quan niệm của cơ quan quản lý nhà nước hay của xã hội thay đổi về vấn đề này.
Từ thực tế này dẫn đến thực trạng cho rằng dệt nhuộm ảnh hưởng đến môi trường không tốt nên phải từ chối, thậm chí, các DN dệt nhuộm đi vay ngân hàng cũng rất khó khăn. Cho nên chúng ta cần có một cái nhìn công bằng, chính xác xem nó vướng ở chỗ nào hay bất cập ở chỗ nào thì xử lý ở chỗ đó. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các DN trong việc thực hiện mục tiêu môi trường trong dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm. Và thế giới đã thây đổi, công nghệ cũng thay đổi, nếu chúng ta dùng cái nhìn của công nghệ những năm 80 thế kỷ trước để nhìn bây giờ của ngành dệt may thì không còn phù hợp nữa. Vậy nên chúng ta cần có cái nhìn chính xác vấn đề ở đâu, giải quyết ở đó.
Thưa ông Giang, vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan đến mẫu mã hay lợi ích của chủ sở hữu cũng như người tiêu dùng là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông nhận thấy doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn như thế nào trong vấn đề này?
Ông Vũ Đức Giang: Chúng ta hội nhập có tính toàn cầu thì sở hữu trí tuệ hay nhãn hiệu hàng hóa là một trong những đòi hỏi tính tuân thủ của các doanh nghiệp. Đối với ngành dệt may Việt Nam, chúng tôi cũng đã có rất nhiều chương trình trong những cuộc họp ban chấp hành và bây giờ ngành dệt may phải đi bằng chính đôi chân của mình đó là xây dựng chiến lược phát triển những nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa; đảm bảo tính tuân thủ của Việt Nam đối với thế giới.
Thứ hai, chúng tôi đã có những khuyến cáo với doanh nghiệp là không tiếp tay cho một số nhỏ những doanh nghiệp hay những người làm thương mại đưa những sản phẩm hàng hóa từ bên ngoài vào mà mang nhãn hiệu của Việt Nam hoặc là vô hình dung tiếp tay cho việc xuất xứ để xuất vào nước thứ 3 mà được hưởng lợi ích của các dòng thuế từ các hợp đồng thương mại.
Điều cuối cùng, chúng tôi cho rằng cần có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, công an, quản lý thị trường để chúng ta bảo vệ lợi ích các nhãn hiệu hàng hóa trong nước chúng ta chứ không chỉ là việc doanh nghiệp làm. Người tiêu dùng trong nước phải được sử dụng các sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam do chính doanh nghiệp ấy là sản xuất chứ không phải là nhãn hiệu hàng hóa đó là của Việt Nam sản xuất nhưng lại sản xuất ở một nước khác.
Đối với ngành dệt nhuộm, chúng tôi đã đưa ra hàng loạt các loại hóa chất, thuốc nhuộm mà không đảm bảo cho tính ổn định của sử dụng sản phẩm. Chúng ta phải tuân thủ luật môi trường, tuân thủ luật chơi trên thị trường thế giới và các Hiệp định thương mại đối với các nước.
Thưa ông Thái, ông có chia sẻ như thế nào về vấn đề sở hữu trí tuệ khi mà Việt Nam hiện nay đã tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là EVFTA?
Ông Lương Hoàng Thái: Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong thời gian qua có mức độ cải thiện rất nhanh theo thống kê của các tổ chức quốc tế. Việc chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu chúng ta phải có cải cách để đáp ứng cao hơn luật chơi của quốc tế. Chính phủ cũng đã đưa ra, kêu gọi gửi gắm thông điệp chúng ta tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta là đối tác làm ăn bài bản, tin cậy chứ không mang tính chộp giật.
Thưa bà Trang, lợi thế lao động của Việt Nam có chiếm lợi thế trong Hiệp định EVFTA? Liệu chúng ta có gặp sự cạnh tranh về nguồn lao động khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực thi hành?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Hiệp định EVFTA sẽ không làm tăng thêm cũng không làm giảm bớt ưu thế về nguồn lao động của Việt Nam. Những cam kết về di chuyển nguồn lao động rất chặt chẽ nên nguy cơ chúng ta bị mất nguồn lao động chất lượng cao hay bị cạnh tranh quá mức sẽ khó xảy ra.
Xét ở một khía cạnh khác là các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động trong Hiệp định EVFTA, nó có thể làm cho chi phí tuân thủ của các ngành hàng nói chung và ngành dệt may nói riêng cao hơn. Đây có thể là một thách thức đối với lao động trong ngành dệt may của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu làm tốt thì đây chính là chứng nhận cho sản phẩm dệt may của chúng ta.
Tuy nhiên, lao động của Việt Nam sẽ gặp phải một số thách thức sau: Lao động của Việt Nam có ưu thế là chất lượng tốt, khéo léo, chăm chỉ, sản phẩm made in Việt Nam được khách hàng ở nhiều nước ưa chuộng. Tuy nhiên, trong tương lai, với công nghệ 4.0 máy móc, thiết bị có thể làm chính xác hơn rất nhiều so với con người thì liệu lao động Việt Nam còn chiếm lợi thế? Giá lao động ở Việt Nam đang có xu hướng tăng cao, nó gây áp lực lên doanh nghiệp. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam thấp. Những năm gần đây, lực lượng lao động bổ sung mỗi năm thấp hơn; dân số đang có xu hướng già hóa và đây sẽ không còn là lợi thế lao động của Việt Nam. Đây là những thách thức thực tế đặt ra cho ngành dệt may của Việt Nam.
Ông Vũ Đức Giang: Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, họ cạnh tranh lao động với các doanh nghiệp trong nước. Họ sẵn sang bỏ ra một mức chi phí cao hơn lương của các doanh nghiệp chúng ta đang trả và điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Đây cũng là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Thời gian đợi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực thi hành cũng không còn dài nữa, chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để thực thi tốt nhất Hiệp định này thưa 3 vị khách mời?
Ông Lương Hoàng Thái: Bước đầu tiên là chúng ta phải chuẩn bị cho việc phê chuẩn hiệp định này, Chính phủ đã có sự chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành để chuẩn bị hồ sơ để sau đó trình lên Chính phủ, Chủ tịch nước và Quốc hội phê chuẩn. Trước khi Quốc hội phê chuẩn, Quốc hội luôn quan tâm đến việc triển khai các chương trình hành động để thực thi tốt hiệp định này. Nó mang tính chất kế hoạch tổng thể để thực thi Hiệp định thương mại tự do. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng cụ thể các chương trình hành động để sau này có cơ chế phối hợp tổng thể để kiểm tra, giám sát, điều phối những hoạt động đó để bắt tay thực thi hiệp định một cách hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Doanh nghiệp cần phải biết đối với hiệp định này khi kinh doanh với thị trường EU thì sản phẩm, ngành hàng của doanh nghiệp sẽ được ưu đãi gì, sẽ có tác động như thế nào. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2018, chúng tôi ghi nhận phản hồi của trên 8.600 doanh nghiệp với câu hỏi “Doanh nghiệp hiểu biết gì về các hiệp định?”. Kết quả, Hiệp định EVFTA có tỷ lệ 65% doanh nghiệp biết về Hiệp định này. Tuy nhiên, trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp đã tìm hiểu về EVFTA chiếm 21% và tìm hiểu tương đối kĩ chỉ chiếm 1,5%. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu hiệp định.
Chúng tôi đang cố gắng dịch những cam kết trong hiệp định để cung cấp cho doanh nghiệp và tư vấn cho doanh nghiệp những trường hợp cụ thể. Đồng thời, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các cam kết ở hiệp định thành quy định pháp luật cụ thể để doanh nghiệp biết mà tuân thủ.
Ông Vũ Đức Giang: Tôi đề nghị bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chúng ta nên sớm đưa ra những dòng thuế ở trong từng mặt hàng một, cần phải có thông tin cho doanh nghiệp.
Thứ hai, chúng ta cần phải tổ chức nhiều hơn nữa các buổi hội thảo để truyền tải thông tin đến doanh nghiệp vì hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về Hiệp định.
Cổng TTĐT Chính phủ