• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nội dung Tọa đàm: Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại

(Chinhphu.vn) - Ngày 26/4, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại”. Clip tọa đàm “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại”.

26/04/2017 20:23
Các vị khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: VGP/Tuấn Minh

Hiện nay, cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại đã và đang ngày càng gay gắt hơn.

Nguyên nhân của sự cạnh tranh trên là do đến năm 2018, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất bằng 0% và hàng loạt các FTA có hiệu lực thì hàng Việt phải chịu sức ép về chất lượng và giá thành.

Thứ hai, trong kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần lớn, nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của họ. Và cuối cùng, hiện nay hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế, khiến hàng Việt gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hàng có xuất xứ Việt để vào được các kênh phân phối hiện đại sẽ gặp nhiều trở ngại như: Mức chiết khấu không cao; hàng có xuất xứ ngoại và hàng của nước ngoài gia công, đóng gói tại Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, dẫn đến hàng có xuất xứ Việt khó cạnh tranh cùng một mức giá ở cùng một sản phẩm…  

Để làm rõ về việc có hay không hàng có xuất xứ Việt đang gặp nhiều khó khăn trong kênh phân phối hiện đại, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại”.

Tham dự buổi tọa đàm có bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long; ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), TPHCM.

Dưới đây là nội dung tọa đàm:

Thưa bà, theo số liệu thống kê thì hàng Việt đang chiếm tỷ trọng từ 70-80% tại kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng - Việt lại không đồng tình với con số trên. Bà suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bà Lê Việt Nga: Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động đã sang đến năm thứ 7. Qua 7 năm đã cho thấy rõ con số thống kê hàng Việt Nam vào kênh siêu thị từ 70-80%. Tôi xin nói thêm, 1 số siêu thị như Saigon Co.op, Big C thì tỉ lệ hàng Việt lên tới 90%. Con số này nhiều doanh nghiệp không đồng ý có lẽ chúng ta phải thống nhất lại thế nào là hàng Việt Nam. Ngày từ tháng 11/2012, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, chủ trì Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đưa ra một tài liệu hướng dẫn về cuộc vận động này, theo đó khái niệm về hàng Việt Nam đã được nêu rất rõ. Đó là những sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, được cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam và không phải hàng hóa dịch vụ xuất khẩu thì đó chính là hàng Việt Nam. Ngoài ra, còn định nghĩa thêm về hàng hóa thương hiệu Việt do các doanh nghiệp và tổ chức cá nhân của Việt Nam sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu hàng hóa đăng ký xuất xứ sản xuất tại Việt Nam thì cũng được coi là hàng hóa thương hiệu Việt. Một số doanh nghiệp nhầm lẫn khái niệm này, vì vậy cách đánh giá của họ về hàng Việt Nam bị thấp hơn so với thực tế mà chúng tôi đo đếm được. Như vậy, hàng hóa "made in Việt Nam" là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư từ nước ngoài.

Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về sự chật vật khi hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Hàng hóa khi gia nhập vào các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, đại siêu thị thì chưa bao giờ dễ dàng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn khá ít, chưa đạt được 30% thị phần trong khi kế hoạch của Bộ Công Thương đưa ra là năm 2020 chúng ta phải đạt được 40%. Chính vì vậy, sự hiện diện của hàng Việt trong các hệ thống bán lẻ hết sức hạn chế. Bên cạnh đó, yếu cầu chất lượng sản phẩm vào các siêu thị, đại siêu thị cao hơn so với bán lẻ ở các chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ, lẻ. Và các yêu cầu đó cũng chính là “rào cản” đối với các sản phẩm hàng Việt. Một khía cạnh nữa là không phải nhãn hàng nào cũng cập nhật các yêu cầu của các hệ thống bán lẻ hiện đại về chất lượng cũng như kỹ thuật, khó cạnh tranh với các nhãn hàng khác đang có trong siêu thị. Vấn đề cuối cùng là cạnh tranh. Mặc dù hàng Việt đã có nhiều thay đổi về mẫu mã, chất lượng, quảng bá nhưng trong cuộc chạy đua với các nhãn hàng khác thì có vẻ như hàng Việt vẫn chưa đủ lực, chưa có những bứt phá mạnh mẽ. Chính vì vậy, người tiêu dùng dù rất muốn ủng hộ hàng Việt nhưng vẫn có quá nhiều sự lựa chọn khác và hầu hết đều có sự phân vân nhất định khi bỏ tiền ra mua hàng.

Là một đại siêu thị bao gồm rất nhiều siêu thị thành viên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, nơi tiêu thụ hàng hóa rất lớn trong hệ thống kênh phân phối hiện đại. Thưa ông, tại hệ thống Big C nói riêng và các kênh phân phối hiện đại nói chung, hàng Việt chiếm tỉ trọng như thế nào trong các quầy hàng? Những ngành hàng nào, tỉ trọng hàng Việt chiếm ưu thế?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Sau hơn 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, hiện nay hệ thống siêu thị Big C của chúng tôi đang phân phối khoảng trên 45.000 mặt hàng. Theo thống kê trên 90% là hàng có xuất xứ ở Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động của mình ở Việt Nam chúng tôi luôn luôn có chính sách hỗ trợ, đồng hành với những nhà sản xuất, nhà cung cấp của Việt Nam. Bằng cách quy định rõ các tiêu chí mà doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam đáp ứng theo đúng những quy định của pháp luật của Việt Nam, từ việc xuất xứ hàng hóa, đến chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), giấy hợp chuẩn đối với hàng hóa. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt có thể đưa hàng vào trong hệ thống siêu thị Big C với những chính sách cụ thể nhất như là: Triển khai trưng bày hàng hóa trong siêu thị để làm sao khách hàng tiếp cận dễ dàng nhất đối với hàng Việt, hỗ trợ các chương trình khuyến mại, giảm giá, dùng thử, tặng kèm để làm sao thu hút được nhiều khách hàng hơn. Đặc biệt, từ năm 2012 trở lại đây, chúng tôi thực hiện chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt”. Đây là chương trình riêng có của Big C hỗ trợ những nhà sản xuất, những thương hiệu Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, những thông tin thị trường, những chương trình hỗ trợ về kết nối các thể chế tài chính là đối tác của Big C để hỗ trợ về tài chính cũng những chính sách về thương mại và bán hàng tại hệ thống siêu thị Big C. Với tất cả các chính sách như vậy, hiện nay hơn 90% hàng hóa phân phối tại Big C là hàng có xuất xứ Việt Nam. Hơn 1.000 nhà cung cấp cho Big C rất hài lòng khi hợp tác với chúng tôi.

Thưa ông Nguyễn Đặng Hiến, chúng ta đang nói câu chuyện hàng Việt Nam vào các hệ thống bán lẻ hiện đại như thế nào và con số 70-80% hàng Việt ở trong đó thì mặt hàng của ông có thuộc 70-80% đó hay không và con đường để đi vào các hệ thống phân phối hiện đại của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Đặng Hiến: Trong các siêu thị Việt Nam, hàng Việt Nam chiếm từ 70-80%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, các sản phẩm của họ luôn chiếm thế thượng phong ở trong các quầy tại các siêu thị. Các doanh nghiệp thuần Việt cần phải nhìn lại tại sao như vậy? Các doanh nghiệp phải tự đặt câu hỏi cho chính mình và phải tự đưa ra những câu trả lời. Tôi mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra các lý do cốt lõi để giải quyết vấn đề này.

Mặt hàng xuất xứ Việt Nam hay thương hiệu Việt đều được đánh giá là phải có sự cạnh tranh sự công bằng. Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?

Bà Lê Việt Nga: Theo tất cả quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách của Nhà nước không có sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp đặc biệt là thông qua Luật Cạnh tranh. Chúng ta đều biết rằng trong cơ chế thị trường và theo pháp luật của Việt Nam thì doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ của pháp luật, còn Nhà nước thì bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp của doanh nghiệp. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ về mặt đạo đức như tính trung thực, không được gây tác động ảnh hưởng đến cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng rồi lợi ích của Nhà nước. Trong luật cạnh tranh ghi rất rõ 8 hành vi về hạn chế cạnh tranh. Như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước luôn luôn bám sát khung pháp luật này để quản lý vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là để hạn chế việc tiếp cận thị trường và phát triển thị trường của các doanh nghiệp, khối các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa "Made in Việt Nam" hay là những hóa thuần Việt. Bên cạnh đó khi tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế, Chính phủ cũng cam kết WTO hay các cam kết quốc tế khác để đưa ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, những tổ chức mà sản xuất ra hàng hóa nhạy cảm khó phát triển như ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngay thời điểm này, luật hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được trình lên Quốc hội để thông qua trên cơ sở đó thì tạo ra những công cụ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam có điều kiện để phát triển và theo kịp được tiến độ hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp đa quốc gia có rất nhiều tiềm lực về công nghệ, về trình độ quản lý về vốn, làm thế nào để các doanh nghiệp đó vẫn tồn tại được, tạo ra công ăn việc làm cho người Việt Nam, tạo ra thu nhập đóng góp vào cho ngân sách của Nhà nước, địa phương?

Nhiều hàng tiêu dùng từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia… có mức giá rất thấp nhờ chi phí sản xuất thấp và sắp tới sẽ tận dụng được ưu đãi thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Vậy sự khó khăn chật vật của DN khi vào chuỗi bán lẻ hiện đại có một phần nguyên nhân do áp lực hội nhập không, thưa bà?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Trước sự cạnh tranh vô cùng gay gắt của hàng hóa các nước trong khu vực, hàng Việt đã nỗ lực và có rất nhiều thay đổi, không những tạo được uy tín trên thị trường quốc tế mà quay lại lấy được lòng tin, cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Các thành viên trong Hiệp hội đã có nhiều hoạt động ủng hộ, quảng bá hàng Việt, các hệ thống bán lẻ lớn đã trực tiếp đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng hành cùng người sản xuất. Gần đây nhất, hệ thống Big C tổ chức chương trình đồng hành cùng thương hiệu Việt đã cho thấy sự ủng hộ rất cụ thể của Hiệp hội đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và chắc chắn các sản phẩm có chất lượng cao, các sản phẩm độc đáo của các vùng miền sẽ luôn luôn được ủng hộ từ phía các nhà bán lẻ của Hiệp hội chúng tôi.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hàng Việt Nam thì có nhiều nhưng hàng thương hiệu Việt lại chưa có ưu thế lắm, rất vắng mặt trong kênh phân phối hiện đại?

Bà Lê Việt Nga: Đó là một nhận xét thôi, qua quá trình theo dõi tôi thấy Chính phủ cũng như Bộ Công Thương luôn tạo ra sân chơi riêng dành cho các doanh nghiệp thương hiệu Việt. Ví dụ cách đây 3 năm Bộ Công Thương đã đồng hành, triển khai các hoạt động của chương trình “tôn vinh hàng hóa thương hiệu Việt”. Đã có 100 doanh nghiệp được tôn vinh về sản xuất, dịch vụ. Những thương hiệu Vinamilk, TH Truemilk, bóng đèn Rạng Đông, bóng đèn Điện Quang… họ đều có sự chiếm lĩnh rất lớn trên thị trường và đây là hàng hóa thương hiệu Việt của chúng ta mà chúng ta tự hào. Ngoài ra, chúng ta còn có các doanh nghiệp sản xuất văn phòng phẩm như Thiên Long, Hồng Hà chiếm tỷ lệ trên quầy kệ trên tất cả các siêu thị, kênh phân phối hiện đại khác đều ở thế mạnh trên 80-90%. Chúng ta còn rất tự hào doanh nghiệp thương hiệu Việt như dệt may, nông sản và ngay cả thương hiệu Bidrico rất nhiều người tiêu dùng biết đến.

Thưa ông, việc hàng có xuất xứ Việt rất gian nan khi tìm được đường vào kênh phân phối hiện đại. Các nhà sản xuất nội địa cho rằng phải đóng nhiều loại phí cho siêu thị và phải chịu sức ép về khuyến mãi. Ông lý giải về điều này như thế nào?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Đối với Big C, chúng tôi là hệ thống siêu thị và phân phối, khi lựa chọn sản phẩm hay nhà cung cấp thì chúng tôi đứng ở góc độ là đại diện bảo vệ quyền lợi cho những khách hàng khi mua sắm tại Big C. Chính vì thế chúng tôi luôn lấy tiêu chí hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Chúng tôi vẫn nói với các nhà cung cấp của mình rằng: “Hàng hóa khi đưa vào siêu thị Big C không phải là khó, tuy nhiên để tồn tại, phát triển và phục vụ khách hàng mua sắm tại Big C tốt hơn mới là khó”. Bởi vì rất nhiều hàng hóa của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu tốt và có sự thân quen đối với khách hàng. Hệ thống siêu thị Big C cũng chỉ có thể trợ giúp cho các nhà sản xuất Việt Nam trưng bày, bán hàng. Tuy nhiên, khách hàng có lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp đó hay không, đó là quyền của khách hàng. Thực tế thì hệ thống siêu thị Big C luôn thực hiện chính sách “giá rẻ cho mọi nhà” và thực hiện liên tục các chương trình khuyến mãi, giảm giá, hàng tặng kèm. Những chương trình này có lợi cho nhà sản xuất và nhà phân phối. Bởi vì khi giảm giá, khuyến mại như thế sẽ khuyến khích khách hàng lựa chọn nhiều hơn những mặt hàng trong chương trình khuyến mãi. Việc nhà sản xuất chia sẻ những chi phí, trách nhiệm với nhà phân phối để giảm giá, khuyến mãi những mặt hàng đó cho khách hàng cũng là điều tất yếu. Có thể nói rằng những chính sách giảm giá, khuyến mãi Big C đã thực hiện thường xuyên liên tục như vậy đã góp phần cho các nhà sản xuất đặc biệt là các nhà sản xuất Việt Nam có thể thúc đẩy việc bán hàng của mình theo thị trường. Khi khách hàng lựa chọn và sử dụng những mặt hàng đó, họ có thể cảm nhận được chất lượng của hàng Việt và từ đó tạo ra sự quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam và lần sau khi nhìn thấy những thương hiệu của nhà sản xuất đó thì họ lại tiếp tục lựa chọn để mua. Đó là những lợi ích lâu dài mà các nhà sản xuất Việt Nam luôn luôn mong muốn hợp tác với Big C giảm giá khuyến mãi hàng hóa của mình đến với khách hàng.

Thưa ông, cụ thể với doanh nghiệp mình thì sao? Ông có thể chia sẻ câu chuyện về một trong những mặt hàng của mình tìm con đường vào các hệ thống bán lẻ hiện đại ra sao, chúng đã thắng đối thủ cạnh tranh mình và chiến thắng các sản phẩm trên quầy kệ như thế nào?

Ông Nguyễn Đặng Hiến: Tôi nghĩ rằng tất cả các nhà cung cấp sản phẩm đều bình đẳng với nhau từ chính sách giá cả, chiết khấu, các vấn đề khuyến mãi... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam giá thành sản phẩm của chúng ta cao và cách nhìn vấn đề, đưa sản phẩm vào siêu thị nó khác với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo tôi, doanh nghiệp Việt cần quên đi việc xem sản phẩm của mình vào siêu thị như một nơi để trưng bày hàng hóa. Chúng ta phải có một cái nhìn sâu sắc hơn, có một tầm nhìn xa hơn đó là thực tế các chợ truyền thống ở Việt Nam và các thành phố đang teo tóp dần và nhìn xa hơn nữa thì các chợ thành thị ở các tỉnh trong thời gian dài nó cũng sẽ đi chung một số phận. Trước tình huống như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm những gì? Các doanh nghiệp thuần Việt tự mình phải tìm hiểu, tìm ra các giá trị cốt lõi để giải quyết vấn đề này.

Mặc dù nhìn thì thấy các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt và doanh nghiệp FDI được cạnh tranh bình đẳng, nhưng đơn cử như trong ngành hóa mỹ phẩm sự cạnh tranh này còn hạn chế, vậy chúng ta có lo ngại sự kém ưu thế của thương hiệu Việt có dẫn đến tình trạng bị thôn tính hay không?

Bà Lê Việt Nga: Đây cũng là ý kiến mà trong ngành sản xuất hay phân phối các mặt hàng hóa mỹ phẩm phải quan tâm. Đúng là thực tế ngành hóa mỹ phẩm ở Việt Nam là ngành còn non trẻ, chúng ta cần phải nỗ lực đầu tư nhiều hơn nữa trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Bộ Công Thương cũng đang triển khai chương trình hóa dược, khoa học công nghệ ứng dụng và phát triển ngành hóa dược. Qua chương trình đó chúng tôi thấy rằng Việt Nam đang có lợi thế rất mạnh về những ngành hóa dược dựa trên dược phẩm những cây dược liệu truyền thống và hiện nay đã có bước khởi nghiệp mà chúng ta cần phải có đầu tư hơn nữa để đi vào thị trường ngách để cạnh tranh được với hóa mỹ phẩm theo hướng công nghiệp. Rất nhiều địa phương thành công trong việc sử dụng nghệ, các cây lô hội hay là dầu dừa và hiện đang phân phối rất tốt. Nhiều doanh nghiệp còn xuất được sang Nhật Bản, các nước khó tính như châu Âu các chế phẩm từ tự nhiên. Tôi nghĩ rằng đây là hướng mà chúng ta cần phải đầu tư trong thời gian tới. Ngoài ra còn nhiều hóa mỹ phẩm khác như chất tẩy rửa, thì chúng ta cần phải có học tập đối với doanh nghiệp đa quốc gia mà họ có lịch sử hàng trăm năm trong việc sản xuất, phân phối hàng hóa toàn cầu. Nhà nước cũng đã soạn thảo Luật doanh nghiệp mới để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mới đây, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng các hiệp hội, như Hiệp hội bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp, rà soát các cơ chế chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các thương hiệu hàng hóa Việt Nam và hàng hóa thương hiệu Việt, những địa điểm kinh doanh hàng hóa thương hiệu Việt để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt hoạt động tốt hơn, để hỗ trợ cho hàng hóa thương hiệu Việt đi vào chiều sâu hơn nữa và có hiệu quả hơn nữa.

Bộ Công Thương rất quan tâm đến vấn đề phát triển thị trường, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã tiến hành không chỉ xúc tiến thương mại quốc gia mà còn đi xúc tiến ra nước ngoài. Hay Hiệp hội cũng đã tham gia kết nối cung cầu để đưa hàng hóa Việt Nam vào các nhà bán lẻ. Ngoài ra, cũng có hỗ trợ tuyên truyền để cho các nhà bán lẻ Việt Nam trong hệ thống phân phối bán lẻ được biết đến nhiều hơn, ví dụ như xây dựng các chương trình điểm bán hàng Việt Nam hay đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai từ năm 2014 và đã xây dựng được 100 điểm. Chúng tôi hy vọng về đích trước và sau năm 2020, 63 tỉnh thành phố đều có điểm bán hàng Việt Nam. Xin bổ sung thêm là các doanh nghiệp Việt Nam cũng không lép vế trên thị trường Việt Nam, khi mà Saigon Co.op, Vinmart đều có những quảng bá rất tiết kiệm và hiệu quả như đưa lên facebook… Bên cạnh đó, người Việt rất ủng hộ hàng Việt thì đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa Việt Nam.

Các nhà bán lẻ nội địa lớn (VINCOM và Coop.Mart) cũng đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nhà phân phối ngoại. Để bán sản phẩm với giá cạnh tranh so với các siêu thị khác mà không ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhà bán lẻ nội địa cũng phải ép DN để có mức chiết khấu cao. Có phải nhà bán lẻ nội địa cũng không còn lựa chọn khi tiềm lực tài chính của các đối thủ ngoại lớn hơn nhiều lần?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Vấn đề cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ nội địa và các nhà bán lẻ đến từ nước ngoài vô cùng khốc liệt. Các doanh nghiệp bán lẻ đến từ nước ngoài có bề dày và các điểm mạnh không thể phủ nhận ví dụ như thương hiệu bán lẻ rất quen thuộc và được đánh giá cao. Bên cạnh đó, nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm bán lẻ của họ là rất lớn. Hiệp hội nhìn nhận việc xuất hiện của các tên tuổi nước ngoài nhằm giúp các doanh nghiệp Việt phát triển hơn, mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp nước ngoài không có nhiều điểm bán hàng nhưng hiệu quả kinh tế lại rất lớn, về hình ảnh quảng bá thì chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng Việt Nam. Qua đó, Hiệp hội chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Việt tìm mọi cách để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Và nếu chỉ có cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực cố gắng thì không thể nào đủ được mà cần có sự hỗ trợ của không gian chính sách ủng hộ doanh nghiệp bán lẻ Việt đang còn yếu, đang còn thiếu… rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đang cần đến sự hỗ trợ này, hết sức chính đáng và hợp lý. Gần đây nhất, Hiệp hội chúng tôi có kiến nghị về việc trong gói hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao thì gần như gạt các nhà bán lẻ ra ngoài, và chúng tôi kiến nghị là các nhà bán lẻ cần được tham gia như một sự kết nối vô cùng quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng. Nếu được tham gia, các nhà bán lẻ sẽ có thêm năng lực góp phần, giảm hư hỏng, tăng giá trị hàng Việt cũng như hiệu quả hoạt động của mình.

Trước sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập, hàng có xuất xứ Việt đang gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối, nhất là trong kênh phân phối hiện đại. Đâu là lý do cốt lõi nhất, thưa ông?

Ông Nguyễn Đặng Hiến: Đối với các doanh nghiệp thuần Việt đang có lợi thế trên thị trường thì thật đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước ngõ hẹp để bước chân vào kênh phân phối này. Theo tôi, để thực hiện vấn đề này thì doanh nghiệp Việt Nam chúng ta phải đi nắm bắt những giá trị cốt lõi. Giá trị cốt lõi thứ nhất là chúng ta phải tạo cho mình một giá trị nội lực bằng cách đưa ra những chiến lược đúng đắn (chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông,...) phù hợp trong từng giai đoạn. Giá trị cốt lõi thứ hai, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau, tránh tình trạng xé lẻ. Việt Nam hiện nay rất thiếu về công nghiệp hỗ trợ, sự liên kết của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác sẽ tạo ra những cái giá trị thích hợp hơn, đặc biệt là làm cho giá thành sản xuất rẻ đi.

Những khu vực trưng bày hàng nội trong nhiều siêu thị đều thiếu bắt mắt, ở vị trí khó thấy, diện tích trưng bày cũng ít, không hấp dẫn so với khu vực trưng bày hàng ngoại hoặc hàng do các DN FDI sản xuất. Nguyên do vì sao?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Thực tế chúng ta hình dung và nghĩ như vậy thôi, đối với chúng tôi, những nhà bán lẻ, khi thiết kế các quầy hàng thì đã có sự nghiên cứu về tâm lý mua sắm của khách hàng, từ việc bố trí khu thực phẩm ở đâu, phi thực phẩm như thế nào phù hợp với diễn tiến mua sắm khi khách hàng đến với một đại siêu thị mua sắm. Thực tế chúng ta có thể hình dung trong đại siêu thị Big C 90% là hàng xuất xứ tại Việt Nam có nghĩa là khi chúng ta nhìn xung quanh đều là hàng Viêt Nam. Đặc biệt 1 số ngành hàng như da giầy, may mặc hay thực phẩm tươi sống thì 100% là hàng của Việt Nam. Với chính sách đồng hành cùng thương hiệu Việt như vậy, chúng tôi luôn ưu tiên hàng Việt Nam được bày bán ở những vị trí thuận lợi, đầu quầy hay những lối đi, giao thông chính trong cửa hàng của mình. Từ những việc đó thì hàng hóa Việt Nam đã được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn… Tất cả những điều đó tạo ra cho khách hàng đến với Big C sự hài lòng. Những nhà sản xuất, cung cấp của Việt Nam khi hợp tác với chúng tôi đã trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Đối với những nhà phân phối, việc đứt hàng là điều tối kỵ. Khi khách hàng đã thích sản phẩm khi đến mua sắm, họ đến đúng vị trí bày bán mà không có hàng thì họ sẽ mua hàng khác hoặc bảo rằng: Hôm trước thích mặt hàng này ở Big C hôm nay trở lại mà không thấy. Tất cả những việc đó chúng tôi đã chấn chỉnh và đào tạo, hướng dẫn các nhà cung cấp của mình để trở nên chuyên nghiệp hơn và từ những yếu tố rất nhỏ như vậy thôi đã góp phần làm hài lòng đối với khách hàng đến mua sắm tại Big C, hài lòng với các nhà cung cấp và các sản phẩm của Việt Nam đang bày bán tại hệ thống của Big C. Tôi có thể nói rằng sự quan tâm từ bày hàng hóa đến việc cung cấp các dịch vụ gia tăng, phụ trợ thêm đã góp phần tôn vinh các mặt hàng của Việt Nam.

Thưa ông Nguyễn Đăng Hiến, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt khi chính các doanh nghiệp thuần Việt không liên kết được thành những tổ chức đủ mạnh để đàm phán với các nhà phân phối, đàm phán với nhà cung cấp (như trường hợp hàng nông sản, thủy hải sản nhiều lần rớt giá), khiến hàng Việt không thể cạnh tranh được với hàng ngoại về giá cả. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn là nếu chúng ta có sự liên kết thù chúng ta sẽ cạnh tranh được ở những góc độ gì?

Ông Nguyễn Đăng Hiến: Khi nói về vấn đề liên kết thì chúng ta phải nhìn hình ảnh các doanh nghiệp Việt Nam đã xé lẻ trong vấn đề xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, đó là một bài học khá cay đắng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã xuất khẩu nguyên liệu thô, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài với giá rất rẻ. Trong kênh phân phối bán lẻ hiện đại, liên kết sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp thuần Việt của chúng ta. Khi liên kết như thế, chúng ta sẽ tạo ra giá thành sản xuất thấp hơn, giá vận chuyển hàng hóa hợp lý hơn; chúng ta sẽ có tiếng nói chung khi làm việc với các kênh phân phối hiện đại. Với mức chi phí bây giờ của các doanh nghiệp thuần Việt nhỏ và vừa, theo tôi nghĩ là khá cao để đặt chân vào trong các siêu thị. Đây là một vấn đề rất lớn mà các doanh nghiệp thuần Việt cần hết sức quan tâm và coi các hiệp hội của mình như một môi trường để chúng ta liên kết với nhau, tạo ra một thế đứng cho mình trên thị trường, đặc biệt là trong kênh phân phối hiện đại.

Câu lạc bộ DN cung cấp thủy sản nội địa của VASEP đã từng thành công khi “đàm phán” với Big C về chiết khấu năm 2016. Thành công đó được thực hiện như thế nào và liệu có thể duy trì được bao lâu nữa?

Ông Nguyễn Thái Dũng: Vào khoảng tháng 4 năm 2016, Tập đoàn Central Group đã thực hiện thành công hồ sơ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam và cùng thời điểm chúng tôi nhận được kiến nghị của Câu lạc bộ DN cung cấp thủy sản nội địa của VASEP. Với thiện chí của Big C, chúng tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng các nhà cung cấp VN, chúng tôi đã ra soát, nghiên cứu các kiến nghị của VASEP, hai bên cũng có sự thống nhất với nhau để làm sao có sự hợp tác tốt nhất về việc cung cấp đủ lượng hàng hóa cho toàn hệ thống siêu thị Big C cũng như giá bán đối với người tiêu dùng, từ đó xác định được mức chiết khấu hợp lý. Sau đó việc hợp tác diễn ra suôn sẻ và hiện nay không những các thành viên của VASEP cung cấp hàng hóa cho Big C hài lòng mà Big C và khách hàng mua sắm tại Big C cũng hài lòng với sản phẩm và chính sách giá mà những công ty này cung cấp ra thị trường, đặc biệt là hệ thông siêu thị Big C.

Mô hình kết nối các DN nội địa cùng ngành nghề để có lợi thế trên bàn thương lượng với các siêu thị như trường hợp của Câu lạc bộ DN cung cấp hàng thủy sản nội địa VASEP, theo bà có thể nhân rộng lên không?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Theo tôi, việc chiết khấu nên được minh bạch, các doanh nghiệp lớn, các công ty lớn sẵn sàng đưa ra có số là bao nhiêu, hợp lý hay chưa, đủ các chi phí chưa? Ở đâu đó vẫn có những trường hợp có các chi phí không chính thức được coi là chiết khấu của doanh nghiệp do cá nhân hoặc một nhóm cá nhân nào đó làm vấn đề này. Theo chúng tôi, về việc này phải xử lý công bằng và sát sao bởi nó sẽ làm hỏng hình ảnh của các nhà bán lẻ, vi phạm quy chế, quy định của các doanh nghiệp. Rất mong các doanh nghiệp hiểu được những khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ. Trong những năm qua, ngoài việc phát triển của các thành viên riêng lẻ, Hiệp hội chúng tôi đã nỗ lực hết sức để có thể tham gia vào công tác kết nối, chúng tôi rất vui mừng trước các kết quả đầu tiên như sự kết nối giữa Hiệp hội với Trung tâm xúc tiến sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã đem lại hiệu quả rất tốt. Các thành viên của chúng tôi đã có những sản phẩm mới, những sản phẩm lần đầu tiên được đưa vào hệ thông bán lẻ hiện đại và hệ thống bán lẻ truyền thống.

Đâu là lý do mà các doanh nghiệp chưa thể liên kết lại và đàm phán với các nhà phân phối thưa ông?

Ông Nguyễn Đăng Hiến: Khi mà các doanh nghiệp khó ngồi lại với nhau, khó liên kết với nhau thì chúng ta cần nhìn từ hai phía: Thứ nhất là từ phía doanh nghiệp, thứ hai là các hiệp hội. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệp hội từ trước đến giờ đều là tự nguyện và họ đi sinh hoạt hiệp hội nhiều hay ít là tùy theo lợi ích mà các hiệp hội mang lại cho họ. Về phía doanh nghiệp, các hiệp hội đã cố gắng hết sức như phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, tư vấn về pháp luật, tạo xúc tiến thương mại ở nước ngoài, tạo ra các hoạt động doanh nghiệp khác liên quan đến các doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên tôi cho rằng, việc liên kết các doanh nghiệp lại với nhau là vấn đề mà ngày hôm nay các hiệp hội cần phải quan tâm.

Quyết định 634 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối lên 80-100% tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xin hỏi bà Nga, hiện nay mục tiêu của Đề án này đạt đến đâu?

Bà Lê Việt Nga: Hiện kênh phân phối hiện đại cán đích trước, đặc biệt như Big C, Vinmart đã đạt được 80%. Thời gian tới là chúng ta sẽ tập trung vào kênh phân phối truyền thống, đặc biệt là các chợ truyền thống đang chiếm 70% tổng mức luân chuyển hàng hóa của thị trường trong nước và hoàn toàn quyết định về lưu thông hàng hóa quan trọng này. Để đạt được con số đó, chúng tôi rất mong UBND các tỉnh thành phố tích cực hơn nữa trong việc kết nối cung cầu đưa được hàng hóa vào trong kênh phân phối truyền thống rất quan trọng này. Chúng tôi vẫn mong muốn năm 2020, các kênh phân phối hiện đại sẽ chiếm 40% tổng mức lưu chuyển hàng hóa, còn 60% cũng là một con số đáng lưu tâm mà những doanh nghiệp nhỏ và vừa hết sức quan tâm làm sao cạnh tranh với thị phần mà phần lớn người tiêu dùng ở nông thôn đang tiếp cận để mua sắm hàng hóa ở đó. Năm nay, Bộ Công Thương sẽ trình lên Chính phủ về việc tạo ra cơ chế chính sách ưu tiên về hạ tầng thương mại cho các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa thương hiệu Việt, đặc biệt là hàng hóa cung cấp từ phía doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay các doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất hàng hóa tạo thu nhập cho người dân.

Như bà Lê Việt Nga vừa chia sẻ về mục tiêu của đề án thực hiện. Theo bà, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và doanh nghiệp phân phối sản phẩm… cần phải làm gì để hàng thuần Việt phát huy được vai trò của mình? Ý kiến của dư luận đánh giá rằng vai trò của Hiệp hội chưa thật rõ nét để kết nối giữa các doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp phân phối sản phẩm, bà nghĩ sao về điều này?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan: Hiệp hội chúng tôi đã phối hợp cùng Hiệp hội Sở hữu trí tuệ, từ 2 -3 năm trước chúng tôi đã cổ động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chương trình 3 KHÔNG (không có hàng hóa trong cơ sở sản xuất cũng như là cơ sở bán lẻ của mình, không có những hàng hóa không có xuất xứ; không có hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; không có hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu,...). Kết quả thì cũng chưa được như mong muốn do nhận thức và sự tham gia tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp, nhưng Hiệp hội sẽ cố hết sức để đi theo con đường này. Trước hết, trong hệ thống các thành viên của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thì chúng tôi tin sẽ không có hiện tượng hàng giả, hàng nhái và những vi phạm liên quan đến 3 KHÔNG. Chúng tôi cũng rất mong muốn từ phía dư luận, những người tiêu dùng nếu gặp phải vấn đề này thì một trong các địa chỉ mọi người có thể liên hệ là Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng như văn phòng của Hiệp hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ xem xét và xử lý nghiêm túc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, của các nhà cung ứng.

Thưa bà Lê Việt Nga, cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới hệ thống phân phối hàng Việt tại 63 tỉnh thành đang thực hiện ở giai đoạn nào? Bộ có những yêu cầu nào đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước khi tham gia cập nhật mạng lưới và khi tham gia thì doanh nghiệp sẽ được lợi gì?

Bà Lê Việt Nga: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho kênh phân phối hàng Việt cũng chỉ là một trong những giải pháp tuyên truyền quảng bá hàng hóa có uy tín, có chất lượng đến người tiêu dùng. Thêm nữa, để quảng bá cho các doanh nghiệp của Việt Nam biết tham gia mang hàng tới cung ứng và đây là một cách để cơ quan quản lý nhà nước đo đếm được thị trường và xây dựng các cơ chế chính sách. Qua hai năm triển khai chúng tôi đã làm được địa bàn 8 tỉnh thành phố, đại diện cho các vùng miền và đại diện cho các vùng nông thôn, miền núi… để có thể biết được dung lượng thị trường, sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng ở vùng đó; đồng thời chúng tôi xây dựng phần mềm để đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Chúng tôi rất mong trong thời gian tới doanh nghiệp đưa hàng hóa của mình vào những điểm phân phối này. Các địa phương sẽ bằng nguồn vốn xã hội hóa để có thể xây dựng được những điểm bán hàng Việt. Chúng tôi cũng mong là sơ đồ này sẽ giúp tất cả người dân được tiếp cận đến điểm bán hàng Việt mà có nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên thị trường hơn nữa để phòng chống tất cả những hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng buôn lậu hay những hàng hóa khác vi phạm pháp luật.