Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển hành động phục vụ người dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác, chức năng, nhiệm vụ được giao trên tinh thần phục vụ.
Chính phủ cũng giao cho Bộ Nội vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ kiểm tra các vụ việc báo chí đã phản ánh và tiến hành thanh tra công vụ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã khẩn trương thực hiện kiểm tra, rà soát tại 11 địa phương. Qua đó cũng đã phát hiện một số sai phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Đối với vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi những quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chức vụ hoặc chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp qua kiểm tra phát hiện đã có sai phạm.
Đồng thời Chính phủ yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.
Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là yêu cầu các bộ, ngành, các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, trước mắt tập trung vào việc thực hiện các quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo quản lý và thanh tra, kiểm tra tối thiểu là 30% các đơn vị trực thuộc trong năm 2017. Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, kiên quyết để xử lý vấn đề này.
Bỏ biên chế giáo viên: Mới chỉ là đề xuất
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé về vấn đề bỏ biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng cho biết: Về vấn đề đề xuất nghiên cứu bỏ biên chế và ký hợp đồng với viên chức, cơ quan đề xuất cũng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ cho người dân.
Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến chủ trương nhưng đồng thời cũng liên quan đến pháp luật và chính sách. Pháp luật ở đây có Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, chính sách đối với viên chức, người lao động, đặc biệt lao động ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, ý chung là chúng ta muốn làm thế nào để công chức trở thành những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền, còn các bộ máy sự nghiệp là các viên chức. Viên chức cũng thực hiện chế độ hợp đồng nên đây là vấn đề cần phải có sự nghiên cứu kỹ.
Còn đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đó là ý kiến của bộ, cũng chỉ là ý kiến đề xuất, chưa phải là quyết định, cho nên Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2017.
Hội nghị Trung ương 6 sẽ xem xét việc xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nghiên cứu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Tờ trình của Chính phủ.
Có ban chỉ đạo chỉ mang tính hình thức
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) về thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, các ban chỉ đạo liên ngành, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các cơ chế, chính sách hiện nay đang còn yếu, có nhiều tồn tại, hạn chế.
Bày tỏ đồng tình với nhận định của đại biểu, cho rằng đây là một thực trạng, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường phối hợp thực hiện chính sách pháp luật, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng.
Đồng thời giao các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất về việc luật hóa trách nhiệm, khâu nối giữa các cơ quan, xử lý nghiêm các vi phạm, chấp hành nghiêm các quy định về phối hợp, nhất là tham gia các hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, chúng ta có nhiều ban chỉ đạo liên ngành, tuy nhiên có ban chỉ đạo phát huy được hiệu quả, cũng có ban chỉ đạo mang tính hình thức, chưa phát huy được.
Sắp tới, khi triển khai đề án về đổi mới tổ chức của hệ thống chính trị, Chính phủ cũng có nghiên cứu để trình Trung ương sắp xếp lại bộ máy tổ chức, trong đó cũng có đánh giá về hoạt động của các ban chỉ đạo liên ngành.
Những ban chỉ đạo nào không có hiệu quả, không có thực chất thì bỏ. Những ban chỉ đạo nào chức năng nhiệm vụ có tương đồng thì cũng có thể nghiên cứu sáp nhập. Đồng thời tăng cường sự điều hành và kỷ luật, kỷ cương.
Thành phần ban chỉ đạo là Chính phủ quyết định trên cơ sở các bộ, ngành đề xuất nhân sự.
Đã là nhân sự tham gia vào ban chỉ đạo liên ngành thì phải chấp hành nghiêm chế độ hội họp báo cáo, không được để tình trạng là hôm nay cử người này đi họp, mai cử người kia đi họp, thậm chí cử người không có đủ thẩm quyền tham gia các phiên họp. Cuối cùng, không tham gia được các ý kiến mang tính chất đại diện cho ngành.
Cho rằng, đây là tình trạng kỉ luật, kỉ cương không nghiêm, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có chấn chỉnh và sẽ có tăng cường kỉ luật, có quy chế xử lý kỉ luật đối với những trường hợp không chấp hành tốt.
Một việc chỉ giao cho 1 cơ quan chủ trì
Về ý kiến của đại biểu Mai Hoa (Đồng Tháp), Chính phủ có giải pháp đột phá nào trong cơ chế phối hợp lãnh đạo giữa các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ: Nguyên tắc hoạt động của Chính phủ và tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, giữa Bộ trưởng và các bộ, ngành, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
Điều này phải căn cứ theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, người đứng đầu đối với lĩnh vực quản lý nhà nước thì thực hiện phân công chức năng, nhiệm vụ bảo đảm làm sao không chồng chéo. Một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì.
Vừa qua các bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó phân định rõ và khắc phục tối đa việc bỏ trống hay chồng chéo nhiệm vụ. Chính phủ đã và đang phê duyệt các nghị định quy định này. Việc phối hợp thực hiện được thể hiện rõ trong quy chế làm việc của Chính phủ, vừa được ban hành.
Chính phủ thực hiện một tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương theo hướng cấp nào sát việc nhất thì cấp đó thực hiện, tránh tình trạng nhiều cấp trung gian, các bộ, ngành không ôm đồm làm thay các địa phương và tập trung ban hành cơ chế, chính sách thanh tra, kiểm tra. Nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật trên tinh thần xem xét các ban chỉ đạo, không để chồng chéo, không hiệu quả như tôi đã trình bày ở câu hỏi trước.
Giải pháp nào xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ?
Trả lời câu hỏi giải pháp nào xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ ở một số bộ ngành địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ: Trách nhiệm của người cán bộ cách mạng là phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, phải hành động theo lương tâm, trách nhiệm của mình và thực hiện đúng chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước. Nên cán bộ nào có tư duy nhiệm kỳ là cán bộ đó không xứng đáng.
Ông nhấn mạnh: Chính phủ chủ trương là một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ Nhân dân. Cho nên, đối với bộ máy công quyền hành chính nhà nước cũng đỏi hỏi những công chức, cán bộ, viên chức, người lãnh đạo các ngành, các cấp phải hành động trên tình tinh thần đó.
Điều này, đòi hỏi khi người được bầu, được bổ nhiệm, phê chuẩn vào các vị trí công tác phải là những người đáp ứng được các tiêu chuẩn, phải là những cán bộ có đầy đủ chuẩn mực và khi thực thi công vụ thì phải thực hiện đúng theo tinh thần trên.
Những trường hợp tư duy nhiệm kỳ như đại biểu nêu thì có thể đó là cán bộ không xứng đáng, cũng có thể do quá trình bầu, bổ nhiệm xuất phát từ khâu quy hoạch, đào tạo, rèn luyện, đánh giá cán bộ rồi bổ nhiệm chưa chính xác.
Điều này đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ phải làm cho đúng theo các quy định của Đảng và các quy định của pháp luật về việc lựa chọn người xứng đáng để bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn vào các vị trí công tác này.
Phó Thủ tướng cho rằng, tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, có thể vì muốn thể hiện mình để được phiếu cho kỳ tới, cũng có thể thấy mình đã hết nhiệm kỳ rồi thì thôi, không quyết tâm nỗ lực nữa.
Để ngăn chặn tất cả những biểu hiện này đòi hỏi pháp luật, quy chế, phải tăng cường xây dựng thể chế, quy chế, tăng cường kiểm tra và kịp thời phát hiện xử lý vi phạm.