Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của nước ta, trong đó có ngành nông nghiệp. Để bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao của người dân trong dịp cuối năm và đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, ngành nông nghiệp các địa phương đang quyết liệt thực hiện các giải pháp, từ chủ động tái cơ cấu, thúc đẩy sản xuất, đến đẩy mạnh chăn nuôi...
Thành phố Hà Nội cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong 9 tháng của năm 2020, ngành nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng tới 3,05% so với cùng kỳ năm trước (dù quý I/2020 tăng trưởng âm), trong khi nông nghiệp cả nước tăng trưởng 1,65%. Đây là thành quả của việc ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, cần có quyết tâm cao và hệ thống giải pháp phù hợp để thúc đẩy sản xuất, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhiệm vụ trước mắt với ngành nông nghiệp Thủ đô là chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, tập trung thực hiện thắng lợi sản xuất vụ đông. Đây là vụ sản xuất chính đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của ngành cuối năm 2020 và đầu năm 2021; đồng thời bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm cho thị trường tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Cùng với việc tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự báo, phát hiện và xử lý sớm các bệnh trên cây trồng để không lây lan phát sinh thành dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động phối hợp với các địa phương điều chỉnh về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống; đồng thời rà soát diện tích ruộng bỏ không để triển khai các loại cây trồng phù hợp.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ bảo đảm cung ứng nguồn nông sản cho thị trường Thủ đô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn gắn với phòng, chống dịch bệnh, không để tình trạng khan hiếm thịt lợn và bảo đảm bình ổn giá trên thị trường. Cùng với đó là phát triển nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nuôi thả các giống thủy sản được người tiêu dùng ưa chuộng để nâng cao giá trị kinh tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các huyện, thị, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi và chỉ đạo sản xuất vụ hè thu và thu đông năm 2020 đạt thắng lợi; phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn nhằm vận động nông dân xuống giống lúa đúng lịch thời vụ, theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh để có dự báo, cảnh báo, giúp nông dân quản lý dịch hại đạt hiệu quả.
Sở đề nghị các địa phương chỉ đạo tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo tăng và bù đắp một phần cho các ngành hàng bị giảm nhằm ổn định mức tăng trưởng năm 2020 của ngành nông nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, ngành chuyên môn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tiếp tục tiêm phòng chủ động cho đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh; phục hồi 80% số lượng heo đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2019. Đồng thời, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển các hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng cho biết, nếu tình hình dịch bệnh được khống chế sớm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc, Hong Kong và một số thị trường khác trở lại bình thường, ngành thủy sản sẽ thúc đẩy hoạt động ương dưỡng, nuôi cá tra, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết và tiêu thụ cá tra theo hình thức chuỗi, liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp để ổn định sản xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp chế biến.
Để hạn chế đến mức thấp nhất việc giảm tăng trưởng trong năm, tỉnh khuyến khích các hộ nuôi cá tra tạm thời chuyển sang nuôi một số đối tượng nuôi có tiềm năng trong tiêu thụ nội địa. Đối với doanh nghiệp, đẩy mạnh việc đa dạng hóa, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để tăng tiêu thụ nội địa và đa dạng mặt hàng xuất khẩu.
Cùng với các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh đang tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Thời gian tới, toàn ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản, có giải pháp thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nông dân yên tâm sản xuất; kêu gọi, tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã, nông hộ để đầu tư và bao tiêu sản phẩm…
Minh Vũ