Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng bổ sung xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ tại các trường THPT ở địa phương. Ảnh minh họa |
Theo quy chế kỳ thi THPT Quốc gia 2015, các thí sinh phải đến các trường ĐH, CĐ để nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT).
Quy định này, theo lý giải của Bộ GD&ĐT, nhằm hạn chế tình trạng rút ra-nộp vào hồ sơ ồ ạt, đồng thời đòi hỏi các em học sinh phải suy nghĩ kỹ càng khi lựa chọn trường nộp NV xét tuyển cũng như có trách nhiệm hơn với quyết định của chính mình.
Tuy nhiên, ngay trong thời gian xét tuyển NV1, có nhiều thí sinh ở xa đã phải đi lại 5-6 lần chỉ để rút và nộp hồ sơ, rất vất vả.
Việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT tại các trường THPT tuy sẽ giảm bớt áp lực cho các trường ĐH, CĐ, nhưng lại tạo thêm sức ép cho địa phương và các trường THPT, bởi với địa phương đây là công việc hoàn toàn mới mẻ.
Điểm đáng mừng là, mặc dù chưa có kinh nghiệm nhận, phân loại hồ sơ nguyện vọng, nhưng trước điều chỉnh trên, các Sở GD&ĐT cho biết sẵn sàng thực hiện chỉ đạo này của Bộ.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu Đỗ Văn Hán cho rằng, điều chỉnh này của Bộ GD&ĐT là một động thái linh hoạt, một chủ trương tốt, kịp thời và vì lợi ích của thí sinh.
“Chúng tôi ủng hộ quyết định của Bộ. Sở GD&ĐT Lai Châu sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh và sẽ phối hợp tốt với các trường ĐH để đảm bảo kịp thời cho học sinh”, ông Hán khẳng định.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Lê Xuân Trường cũng cho rằng, đây là năm đầu tiên triển khai cách thức xét tuyển ĐH, CĐ mới nên không thể trơn tru tất cả các khâu: “Kỳ thi năm nay tôi thấy ưu điểm nhiều hơn. Việc xét tuyển NV có phức tạp hơn, có chút khó khăn cho học sinh là do chưa quen với cách thức mới. Nhưng cho đến thời điểm này kỳ thi được đánh giá rất tốt, nhận sự đồng tình cao của dư luận xã hội”.
Công việc mới, nhưng không quá khó
Mặc dù các Sở GD&ĐT và trường THPT ủng hộ quyết định mới này của Bộ chủ quản, nhưng những người làm công tác quản lý vẫn không tránh khỏi lo lắng vì đây là một công việc hoàn toàn mới lạ.
“Việc này khó cho các trường THPT là điều đương nhiên, vì họ chưa quen với nhiệm vụ này”, nhưng “chỉ còn một khâu cuối tại sao lại không hỗ trợ cho các cháu?”, ông Hán chia sẻ.
Ông Hán cũng cho hay, Sở GD&ĐT Lai Châu đã chỉ đạo cho các trường THPT chủ động tiếp nhận phân loại hồ sơ và liên hệ với các trường ĐH để tạo điều kiện cho các em học sinh.
Còn Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ thì phân tích: “Việc tiếp nhận hồ sơ, phân loại này cũng không khó lắm nếu tính toán phân loại NV ngay từ đầu. Trên cơ sở số lượng hồ sơ nhận được, điểm số bài thi, người nhận hồ sơ phải nhạy cảm, tính toán, dự báo những trường hợp rút ra để chuẩn bị kịp thời”.
Kỳ thi năm nay, có 51% thí sinh phú Thọ đăng ký vừa tốt nghiệp vừa xét ĐH, CĐ, tức là khoảng 7.000 thí sinh, so với năm trước có thấp hơn. Còn tại Lai Châu, toàn tỉnh có khoản 1.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, trong đó riêng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉ lệ này là 100%.
Tuy nhiên, do đa số các trường sẽ tuyển đủ 70% ngay từ đợt xét tuyển NV 1, nên số lượng hồ sơ các NV bổ sung sẽ không nhiều, vì vậy, áp lực hồ sơ cho các trường THPT tại địa phương sẽ không lớn như tại các trường ĐH xét tuyển NV 1.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, về nguyên tắc, các trường THPT, sở GD&ĐT khi nhận được đề nghị thay đổi NV của thí sinh sẽ cập nhật ngay thông tin này lên phần mềm quản lý tuyển sinh để dữ liệu được chuyển đến trường đã đăng ĐKXT.
Sau khi trường THPT, Sở GD&ĐT cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý tuyển sinh, thì trường đang lưu ĐKXT của thí sinh (trường A) sẽ nhận được danh sách này và thực hiện việc loại thông tin của thí sinh khỏi danh sách ĐKXT của trường mình như trường hợp thí sinh đến trường rút hồ sơ.
Khi trường THPT, Sở GD&ĐT cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý tuyển sinh thì đồng thời, trường mà thí sinh ĐKXT tiếp theo (trường B) cũng nhận được thông tin ĐKXT của thí sinh. Sau khi trường A loại tên thí sinh khỏi danh sách ĐKXT thì trường B nhập thông tin ĐKXT của thí sinh như trường hợp thí sinh đến trường B nộp hồ sơ.
Nguyệt Hà