• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

NSND Hải Ninh và "người mẹ điện ảnh" Hà Nội

(Chinhphu.vn) - Hà Nội không phải nơi ông sinh ra và lớn lên nhưng toàn bộ cuộc đời nghệ thuật của NSND - Đạo diễn Hải Ninh lại gắn bó với mảnh đất này - nơi hấp dẫn, cuốn hút lòng người bởi cảnh sắc, con người cùng với bề dày lịch sử văn hóa.

22/09/2010 16:17

NSND Hải Ninh

Đạo diễn - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hải Ninh là tên tuổi lớn, là cây đại thụ của làng điện ảnh, là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh Việt Nam. Đạo diễn của 12 phim truyện nhựa, 3 phim tài liệu, ông là một trong những người đầu tiên được nhận danh hiệu NSND, đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, và một giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Moscow cho bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

Hà Nội - người mẹ Điện ảnh

Hà Nội, mảnh đất lịch sử hội tụ những tinh hoa văn hóa, con người của đất Việt là cảm hứng sáng tác cho những tác phẩm điện ảnh đi cùng năm tháng của ông, được ông gọi thân ái là quê hương nghệ thuật.

Tốt nghiệp khóa đạo diễn đầu tiên của Việt Nam, dù cũng đã đi khắp bốn phương trời nhưng những tác phẩm điện ảnh danh tiếng nhất, xuất sắc nhất của ông và cũng là của cả nền điện ảnh Việt Nam đều gắn bó với Hà Nội.

Với những bộ phim nổi tiếng như Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố trước lúc rạng đông, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du… NSND Hải Ninh là một trong những người làm phim đặc sắc nhất, nhiều nhất về Hà Nội. Ông tâm sự, “Hà Nội là nơi đã cho tôi tâm hồn nghệ sĩ, đã nuôi lớn tâm hồn, đam mê điện ảnh trong tôi, là người mẹ điện ảnh của tôi”.

Trong phim của ông, hình ảnh Hà Nội hiện lên đẹp đẽ, hào hoa, anh dũng. Có một Hà Nội mang tính sử thi với thương đau mất mát và anh dũng chiến đấu trong những thời điểm lịch sử oai hùng nhất, nhưng cũng có một Hà Nội đẹp lãng mạn, cổ kính, thanh lịch và đầy chất thơ.

Hình ảnh trong phim Em bé Hà Nội.

Em bé Hà Nội, Người mẹ Hà Nội

Em bé Hà Nội, tác phẩm để đời ông, là một câu chuyện đầy xúc động về cô bé Ngọc Hà 12 tuổi phải đi tìm bố mẹ và em gái trong đợt Mỹ dội bom B52 xuống Hà Nội. Với triết lý nhân văn sâu sắc - trẻ em là những nạn nhân đáng thương nhất của chiến tranh, bộ phim đã đoạt giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần III năm 1975, giải đặc biệt của BGK LHP Quốc tế Moscow 1975, giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHP Quốc tế Sirya.

Như ông vẫn nói, bộ phim là một vòng hoa tang đặt trước linh hồn những người Hà Nội đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 dưới mưa bom B 52.

“Tôi đã vô cùng xúc động và đau xót khi nhìn thấy một dãy dài xếp thi thể các cháu bé trên phố Khâm Thiên sau đợt oanh kích B52 đó. Những hình ảnh đó luôn ám ảnh tôi không dứt”, ông nhớ lại.

Với những người làm phim Em bé Hà Nội, hình ảnh những người dân Hà Nội lặng lẽ sơ tán rời thủ đô một cách điềm tĩnh, bình thản, không một chút hoảng sợ, hoang mang dù sau mỗi trận oanh kích của máy bay địch không còn một nóc nhà nào còn nguyên vẹn đã để lại dấu ấn sâu sắc. “Tôi vô cùng cảm phục người Hà Nội”, ông nhắc lại trong sự xúc động.

Xen lẫn trong những cảnh bom đạn đổ nát, tang thương, hình ảnh Hà Nội thơ mộng tươi đẹp vẫn lấp lánh với Đền Ngọc Sơn cổ kính tĩnh lặng, đường Thanh Niên xanh mát êm ả và yên bình.

"Với tôi, NSND Trần Thế Dân (quay phim), nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và Lan Hương (diễn viên đóng vai chính) thì bộ phim Em bé Hà Nội thực sự là một cái duyên. Có cái duyên ấy, chúng tôi mới có thể cùng nhau hoàn thành tốt bộ phim trong một bối cảnh lịch sử như thế. Bây giờ dù có cho tôi làm lại chưa chắc tôi đã làm hay hơn, tốt hơn hồi đó, có lẽ cũng bởi thiếu chữ duyên ấy, mặc dù nhiều khi nhìn xem lại còn thấy chỗ này, chỗ kia mình làm chưa tốt", NSND Hải Ninh tâm sự.

Bên cạnh những bộ phim mang tính sử thi như Người chiến sĩ trẻ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đêm hội Long Trì… thì Em bé Hà Nội là bài ca về cuộc sống  nơi hậu phương, phác họa những khoảnh khắc, con người bình thường của Hà Nội trong chiến tranh. Bộ phim còn là những thước phim tư liệu quý về hình ảnh Thủ đô yêu dấu bị tàn phá trong bom đạn nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ, hào hùng.

NSND Hải Ninh cho biết, hiện ông đã hoàn thành xong kịch bản bộ phim Người mẹ Hà Nội và đang tìm diễn viên chính. Ông muốn làm một bài ca đẹp ca ngợi hình ảnh những người mẹ Hà Nội dịu dàng, tảo tần, hy sinh hết mình cho con cái, là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, đẹp cả thể chất và tâm hồn.

Nguyệt Hà