Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nghệ nhân, NSND Quách Thị Hồ. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Lên 6 tuổi, bà đã được theo mẹ và các dì đi hát. 8 tuổi, bà đã nổi tiếng hát hay trong giáo phường, 10 tuổi được giáo phường cho hát chính, 12 tuổi đi hát các nơi hội hè và đến năm 15 tuổi, tiếng hát của ca nương Quách Thị Hồ đã nổi tiếng khắp Hà Nội.
Những người trong nghề cho rằng bà là một trong số rất ít người đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật hát ca trù.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Viện Hán Nôm - một người say mê nghiên cứu ca trù - đã nêu bật sự thành công và độc đáo trong giọng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ. Theo ông, nghệ sĩ Quách Thị Hồ là một nghệ sĩ bậc thầy, một nghệ sĩ lớn nhất của ca trù của Việt Nam thế kỷ 20.
Tiếng hát của nghệ sĩ Quách Thị Hồ có đầy đủ các cung bậc, cái nào cũng đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật hát ca trù. Đặc biệt, nghệ sĩ Quách Thị Hồ có một điểm mà rất ít nghệ sĩ hát ca trù có được, đó là trong cuộc sống của mình, bà đã giao thiệp và quen thân với rất nhiều nhà văn nghệ sĩ, vì thế sự cảm thụ ở bà về văn chương rất sâu sắc. Do vậy, trong những bài ca trù bà không những thể hiện được 100% kỹ thuật hát mà còn biểu hiện được cái tình của người nghệ sĩ đối với văn nhân.
Các nghệ nhân ca trù tại chương trình kỷ niệm 10 năm ngày mất của NSND Quách Thị Hồ. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Năm 1988 bà được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do đã góp phần gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại. Nhờ có tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ mà thế giới biết đến ca trù - di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009.
Chương trình tưởng niệm 10 năm ngày mất của NSND Quách Thị Hồ do Trung tâm UNESCO Ca trù và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội đã tổ chức ngày 16/1 là dịp để công chúng hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của ca nương tài hoa này.
Mai Hồng