Nuôi động vật hoang dã: Lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối lo ngại
Trong những năm trở lại đây, mô hình nuôi động vật hoang dã và bán hoang dã là một trong những mô hình mới lạ, hấp dẫn bởi lợi nhuận mà nó mang lại. Chính vì vậy mà nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi mới này và thu về một nguồn lợi khá lớn. Tuy nhiên, việc làm này cũng đang tiềm ẩn những mối lo ngại, cần phải được quan tâm.
Mô hình nuôi đà điểu tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất.
Hiện nay, các loại thú hoang dã, bán hoang dã được cho phép nuôi như: dông, đà điểu, bồ câu, heo rừng, cá sấu, cút, chăn…đang là những món đặc sản khá được ưa chuộng, nên có giá bán khá cao. Thấy được giá trị của kinh tế, nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại bỏ một số tiền lớn vào đầu tư nuôi các loại thú này với hi vọng đổi đời. Cách đây 2 năm trước, anh Nguyễn Văn Tâm, ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng để đầu tư trại dông. Chủ trại cho biết, dông là loại thú dễ nuôi, sau khoảng 1 năm là có thể xuất bán. Với giá từ 300 đến 400 ngàn/kg dông như hiện tại, thì mô hình này đang mang lại cho anh một khoản thu nhập đáng kể. Ông Đinh Viết Hãn, ấp 10, xã Xuân Tây (Cẩm Mỹ) lại chọn mô hình nuôi chăn, bởi theo ông nuôi chăn không tốn nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt có thể tận dụng các thiên địch khác như chuột làm thức ăn cho chăn hay xác các loại gia cầm.
Không chọn mô hình nuôi dông hay nuôi chăn, anh Nguyễn Hữu Lục (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) lại chọn cho mình hướng đi khác bằng cách nuôi bồ câu Pháp. Cách đây hơn 1 năm, khi thấy nhiều hộ dân tại địa phương ăn nên làm ra với mô hình nuôi bồ câu bán thịt, anh cũng đã bỏ ra gần 20 triệu đồng để nuôi hơn 200 con bồ câu. Hiện tại, cứ mỗi tháng, anh xuất bán được khoảng 140 con bồ câu, lợi nhuận đạt từ 4 đến 5 triệu đồng. Nhận thấy đây là mô hình dễ thực hiện và có thể mang lại lợi nhuận, gia đình đang có ý định sẽ tiếp tục đầu tư vốn mở rộng hơn nữa qui mô chuồng trại để tăng thêm đàn tổng đàn.
Mô hình nuôi chăn của ông Đinh Viết Hãn, ấp 9, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ.
Thời gian qua, phong trào nuôi các loại thú dã và bán hoang dã đang thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. Tuy nhiên, điểm chung của các hộ này là đều không được trang bị kiến thức, kỹ năng chăn nuôi mà chủ yếu đều tự học hỏi nhau và thông qua sách báo. Điều này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi dịch bệnh xảy ra thì hầu như họ không hề biết cách phòng trị. Đáng lo hơn, do đầu ra hiện tại của các loại thú này đều chủ yếu được các nhà hàng thu mua, nên một khi nhu cầu sử dụng bị bão hòa, tức là cung vượt cầu, tình trạng bị ép giá, thậm chí không tìm được đầu ra sẽ xuất hiện.
Theo thống kê của ngành kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh có khoảng 900 trang trại gây nuôi động vật hoang dã với trên 100 cá thể. Trong khi đó theo bác sĩ thú y Leanne Clark thuộc Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) thì động vật hoang dã cũng tiểm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh ra các loại vật nuôi khác và lây sang cả con người. Vì thế cần có sự kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh.
Phong trào nuôi thú hoang dã, bán hoang dã đang diễn ra một cách tự phát không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Song, thực tế cũng đã có không ít trường hợp, vì thấy lợi nhuận trước mắt đã bỏ một số vốn không nhỏ ra để đầu tư và đã bị thất bại nặng nề. Vậy nên, trước khi quyết định đầu tư vào mô hình còn khá mới mẻ này, nông dân cũng cần nên cân nhắc, tính toán kỹ càng, và nhất là cần trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ về quy trình, kỹ thuật nuôi, cũng như tạo sự ổn định về đầu ra, để tránh những thiệt hại đáng tiếc.
Lê Văn