|
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo về viễn cảnh kinh tế toàn cầu mới nhất, OECD cho biết nền kinh tế toàn cầu đang trên lộ trình tăng trưởng 3,6% trong năm nay, sau đó sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2018 và lùi lại về mức 3,6% trong năm 2019. Với các số liệu mới công bố, OECD đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2017, song giữ nguyên dự báo cho năm 2018.
Tổ chức này cũng dự báo Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang tăng trưởng vượt các nền kinh tế phát triển lớn khác với tốc độ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, song dự báo sẽ giảm xuống lần lượt 2,1% và 1,9% vào năm 2018 và 2019. Số liệu này đã có sự điều chỉnh tăng so với dự báo của OECD hồi tháng 9 vừa qua, vốn chỉ ở mức 2,1% năm 2017 và 1,9% năm 2018.
OECD cũng dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay và tăng lên mức 2,5% vào năm tới nhờ chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập. Đến năm 2019, nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho sẽ cán mốc tăng trưởng 2,1%.
Đối với Trung Quốc, tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm nay, song tỷ lệ này giảm lần lượt xuống còn 6,6% và 6,4% trong năm 2018, 2019 do xuất khẩu giảm sút. Đối với Nhật Bản, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 1,5% trong năm nay, sau đó giảm lần lượt xuống mức 1,2% và 1% vào năm 2018 và 2019. Một nền kinh tế chủ chốt khác của châu Á là Hàn Quốc được OECD dự báo tăng trưởng 3,2% trong năm nay nhờ xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp tăng, sau đó sẽ giảm xuống mức 3% trong năm 2018.
Chuyên gia kinh tế OECD Catherine Mann nhận định mọi diễn biến hiện đều tốt, song nếu hoạt động trong khu vực tư nhân không khởi sắc, dự trữ vốn không được tăng cường, mức lương thực tế không cao hơn thì tốc độ tăng trưởng hiện tại sẽ không được duy trì.
Kinh tế Anh lạc lõng
Theo TTXVN, OECD dự đoán kinh tế Anh 2018 sẽ đi ngược xu thế tăng trưởng kinh tế lạc quan của thế giới do những bất ổn do quá trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) đem lại. Nợ hộ gia đình gia tăng trong khi tăng trưởng lương đi theo đường nằm ngang trở thành rủi ro bất ổn tài chính lớn đối với nền kinh tế Anh, khiến OECD đưa ra dự đoán năm 2018, Anh sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) với dự đoán mức tăng trưởng kinh tế chậm lại từ 1,5% năm 2017, xuống 1,2% năm 2018 và 1,1% năm 2019.
OECD đưa ra cảnh báo nợ cá nhân như nợ thẻ tín dụng sẽ là nợ nguy cơ không có khả năng thanh toán cao hơn so với nợ thế chấp nếu như tình trạng kinh tế Anh tiếp tục xấu đi, do vậy yêu cầu các ngân hàng cần có biện pháp thận trọng đối với cho vay cá nhân. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 28/11 tuyên bố các ngân hàng của Anh đã chuẩn bị phương án đối phó đối với hậu quả kinh tế mà Brexit có thể mang lại cho nền kinh tế.
Trong đánh giá mới đây nhất về kinh tế toàn cầu, OECD cho thấy vấn đề tạo việc làm ở Anh đã tuột mất động lực, trong khi đó chi tiêu của người tiêu dùng giảm đi do lạm phát tăng cao bởi đồng bảng mất giá kể từ sau khi nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU. Đồng bảng yếu giúp thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu nhưng nhập khẩu giảm do sức mua của người tiêu dùng giảm.
Bức tranh kinh tế ảm đạm được đưa ra một tuần sau khi Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2017 từ 2% xuống 1,5% và xuống còn 1,4%, 1,3% và 1,5% trong các năm tiếp theo, trước khi phục hồi lên mức 1,6% trong năm 2021-2022.