Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trả lời phỏng vấn báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ đã xác định rõ, một trong những trọng tâm đang tập trung chỉ đạo thực hiện là gìn giữ, khôi phục hệ thống kênh rạch nội thành - đây cũng chính là một trong những kết cấu hạ tầng kỹ thuật cực kỳ quan trọng để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở các đô thị vùng ĐBSCL, thời kỳ mới.
- PV: Ông nghĩ thế nào nếu có nhận định: Trong tiến trình đô thị hóa hệ thống kênh, rạch tự nhiên trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã và đang bị "xóa sổ"?
Ông Nguyễn Thanh Sơn (Ô N.T.Sơn): Như chúng ta đã biết, Cần Thơ và các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long là những đô thị sở hữu hệ thống kênh, rạch tự nhiên và nhân tạo với mật độ rất cao. Hệ thống kênh rạch từ trước tới nay có vai trò tối quan trọng trong nông nghiệp, trong đời sống và gắn liền với văn hóa của nhân dân tại đây.
Đối với đô thị, hệ thống kênh, rạch được xem là những không gian đặc trưng của thành phố. Nó không những góp phần về mặt cảnh quan, môi trường mà còn là nơi gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa tinh thần của người dân. Trong bối cảnh các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ là những vùng chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống kênh, rạch sẽ là một công cụ ứng phó với các biến đổi quan trọng và hiệu quả.
Cũng cần nhìn nhận ở một góc độ khác, với một mạng lưới kênh rạch dầy đặc, phức tạp sẽ tạo nhiều khó khăn trong công tác xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, chi phí đầu tư lớn, hiệu quả sử dụng đất bị hạn chế. Ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành đô thị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi mạng lưới đường bộ chưa phát triển, nhà ở ven kênh rạch giúp người dân thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế; song cũng để lại nhiều hệ quả và nếu không có sự quản lý, bảo quản thường xuyên rất dễ biến các kênh rạch trở thành nơi ô nhiễm nghiêm trọng và mất vẽ mỹ quan đô thị.
Trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua, việc buông lỏng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đô thị trong một thời gian dài đã dẫn đến trình trạng xâm lấn hệ thống kênh rạch, thu hẹp dòng chảy thoát nước nhưng thiếu sự ngăn chặn hữu hiệu cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước mưa không được thoát nhanh chóng gây úng ngập. Trong công tác quy hoạch, vấn đề môi trường, đặc thù bản sắc sông nước có một thời gian dài không được quan tâm đúng mức, thiếu đánh giá tác động khi san lấp kênh, rạch nên diễn ra tình trạng san lấp kênh rạch để lấy quỹ đất phát triển dân cư.
-PV: Trong nhiều lần xét duyệt các đồ án quy hoạch, triển khai các dự án Ông đã quan tâm đến vấn đề gìn giữ, khôi phục hệ thống kênh, mương tự nhiên nội thành. Xin Ông nói rõ hơn về vấn đề này trong quá trình chỉ đạo phát triển thành phố?
Ô N.T.Sơn: Theo định hướng quy hoạch, thành phố Cần Thơ sẽ là một đô thị có bản sắc và phát triển bền vững. Hệ thống kênh, rạch có ý nghĩa rất lớn từ lịch sử, văn hóa, lối sống đến cấu trúc, hình dáng, kiến trúc đô thị. Các kênh, rạch trong đô thị cũng sẽ góp phần rất lớn trong tiêu thoát nước, cải thiện vi khí hậu, môi trường, cảnh quan. Chính hệ thống này là một yếu tố rất quan trọng để thành phố thực hiện tốt định hướng xây dựng một đô thị có bản sắc và phát triển bền vững.
Nhận thức được hệ thống kênh rạch đã và sẽ là một yếu tố quyết định trong quá trình phát triển đô thị bền vững, ở hiện tại và tương lai, trong tiến trình đô thị hóa tại thành phố Cần Thơ. Do đó, hiện nay trong quá trình chỉ đạo, xét duyệt các đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố, việc giữ gìn và tôn tạo các không gian mặt nước nói chung là một điều kiện bắt buộc. Hệ thống kênh, rạch có thể được chỉnh tuyến để phù hợp với không gian chung, nhưng vẫn phải đảm bảo diện tích mặt nước được quy hoạch phải từ bằng hoặc nhiều hơn diện tích mặt nước hiện trạng. Song song đó, các đồ án phải có những giải pháp bố trí cây xanh, đường dạo,… nhằm biến các khu vực trên thành một không gian công cộng đặc trưng.
Đã có những đồ án, dự án không được chấp nhận vì không đáp ứng được các điều kiện trên. Rất thú vị là sau khi phải điều chỉnh phương án, Nhà đầu tư đã hiểu và thật sự cám ơn vì việc điều chỉnh không những góp phần chung cho thành phố mà còn làm tăng giá trị của dự án.
- PV: Xin ông cho biết ý kiến chỉ đạo thực hiện các biện pháp đồng bộ để gìn giữ, tôn tạo hệ thống kênh mương nội thành?
Ô N.T.Sơn: Gìn giữ và tôn tạo hệ thống kênh rạch là quá trình lâu dài và cần sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Việc tuyên truyền là rất quan trọng để mọi người có được nhận thức đúng về giá trị của hệ thống kênh rạch từ đó cùng chung sức với thành phố trong giữ gìn các kênh rạch trong thành phố.
Đối với chính quyền, chúng tôi tập trung quyết liệt trong quản lý và cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị cũ và trong việc hình thành các khu đô thị mới phải đảm bảo hệ thống kênh rạch được quản lý, giữ gìn và tôn tạo để sự phát triển của thành phố đúng theo định hướng chung.
Hiện nay, khối lượng nhà ở ven kênh rạch thành phố, nhất là ở khu vực nội thành là rất lớn. Trong thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng và thực hiện Đề án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, trong đó dành một tỷ lệ thích hợp để từng bước giải tỏa nhà ở ven kênh rạch, trả lại sự thông thoáng cho các kênh, rạch nhằm giải quyết tốt việc thoát nước mặt và giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Trong đề án, cũng gắn với các chủ trương, chính sách hỗ trợ các hộ dân sống ven và trên kênh rạch chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tái tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân làm việc, sản xuất, kinh doanh có gắn kết với môi trường sông nước, nhưng trên cơ sở có sự quản lý, hướng dẫn về mặt xây dựng, tổ chức không gian sinh sống nhắm đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
- PV: Những việc làm cụ thể để có thể ngăn chặn tình trạng lấn chiếm kênh mương nội thành, thưa ông?
Ô N.T.Sơn: Tình trạng lấn chiếm kênh mương do nhiều nguyên nhân, như thói quen xây dựng của người dân từ lâu đời, do ý thức và thiếu các thông tin về pháp luật, do khó khăn về chỗ ở và do nhu cầu sản xuất kinh doanh hoặc mưu sinh của một số hộ dân gắn với môi trường sông nước.
Thành phố đã chọn khâu đột phá và chủ đề của năm 2011 là năm "Trật tự, kỷ cương đô thị". Do vậy, thành phố sẽ chỉ đạo các Ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp xây dựng tái cất, cất mới lấn chiếm kênh rạch.
Việc tiến hành các biện pháp đồng bộ để gìn giữ, tôn tạo hệ thống kênh mương đã nêu trên, cùng với sự chung sức của toàn xã hội, Tôi rất tin tưởng sẽ ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm kênh mương, cũng như sẽ xây dựng cải tạo hệ thống kênh rạch trong đô thị trở thành một không gian quan trọng gắn liền với cuộc sống của người dân và trở thành nét đặc trưng cho đô thị thành phố Cần Thơ phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo mô hình bền vững và có bản sắc.
-Xin cám ơn ông!
Hoài Phương (thực hiện)