• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Petrovietnam tham gia vào việc bình ổn thị trường xăng dầu thế nào?

(Chinhphu.vn) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là trụ cột trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Ở Petrovietnam, an ninh năng lượng được hình thành từ khâu nền tảng là thăm dò, khai thác đến tàng trữ, chế biến, phân phối sản phẩm dầu khí. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước gặp nhiều biến động, Petrovietnam và các đơn vị thành viên càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc bình ổn thị trường.

18/10/2022 13:05
Petrovietnam tham gia vào việc bình ổn thị trường xăng dầu thế nào? - Ảnh 1.

NMLD Dung Quất hoạt động ở mức 107% công suất thiết kế ngay trong bão số 4 để tăng cung ứng xăng dầu cho thị trường

Trong các cuộc họp gần đây với lãnh đạo các đơn vị thành viên, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng luôn nhấn mạnh vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Tập đoàn theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Petrovietnam tháng 9/2022: "Mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất là Petrovietnam không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần "năng lượng cho phát triển".

Trong thời gian qua, Petrovietnam đã làm tốt công tác đánh giá, dự báo thị trường năng lượng thế giới và trong nước để trên cơ sở đó xác định rõ vị trí, vai trò của Petrovietnam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Petrovietnam cũng đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi thị trường năng lượng có nhiều biến động.

Trong bối cảnh các mỏ dầu ở Việt Nam đang suy giảm sản lượng một cách nghiêm trọng, việc duy trì khai thác và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định là một sự nỗ lực của Petrovietnam. Khai thác dầu thô trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,15 triệu tấn, vượt 23% kế hoạch 9 tháng và bằng 93% kế hoạch năm 2022, bằng mức thực hiện cùng kỳ năm 2021.

Để có thể thực hiện việc này, Petrovietnam phải đảm bảo duy trì nhịp độ khai thác, đặc biệt là ở các mỏ khai thác chủ lực; công tác quản trị sản lượng, các giải pháp kỹ thuật được áp dụng liên tục, đồng bộ và kịp thời.

Ở khâu trung nguồn và thượng nguồn, các đơn vị thành viên của Petrovietnam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thời điểm bão Noru đổ bộ cuối tháng 9 vừa qua, sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp chủ động phòng chống bão, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất vẫn vững vàng hoạt động trên công suất thiết kế, cụ thể là ở mức 107%.

Không phải đến thời điểm hiện tại, khi thị trường xăng dầu gặp nhiều biến động, nguồn cung bị hạn chế, NMLD Dung Quất mới hoạt động trên công suất thiết kế. Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 và kế hoạch năm 2023, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2022, NMLD Dung Quất đạt công suất vận hành trung bình 105%, sản xuất được khoảng 5,18 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt 106% kế hoạch 9 tháng và đạt 80% kế hoạch năm 2022. Tổng sản lượng tiêu thụ hơn 5 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt 106% kế hoạch 9 tháng và đạt 78% kế hoạch năm. Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 6, Dung Quất hoạt động ở mức 108% công suất thiết kế.

Petrovietnam tham gia vào việc bình ổn thị trường xăng dầu thế nào? - Ảnh 4.

Tăng cường nhập dầu thô để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho NMLD Dung Quất

Với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất, 9 tháng đầu năm 2022, BSR đã xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu. Tồn kho của NMLD Dung Quất thời gian qua và hiện nay thường xuyên duy trì ở mức thấp từ 20-35%.

BSR đã đẩy nhanh công tác bán hàng, xuất hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, cấp cộng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối bình ổn thị trường xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh sản lượng theo hợp đồng đã ký vào đầu năm, nhằm góp phần ổn định nguồn xăng dầu trong nước, BSR cũng đã bổ sung khối lượng theo hợp đồng dài hạn cho các khách hàng đầu mối trong giai đoạn nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt.

Ở mảng phân phối, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cũng cố gắng phân phối, cung ứng lượng xăng dầu hết mức để góp phần bình ổn thị trường. Trong những ngày đầu tháng 10, khi thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh, PVOIL đã cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống trên toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng xăng vượt 16%. Tại thị trường TPHCM, nơi xảy ra biến động mạnh buộc PVOIL cung cấp cho các đầu mối vượt mức 28% so với kế hoạch và riêng mặt hàng xăng vượt 35%.

Petrovietnam tham gia vào việc bình ổn thị trường xăng dầu thế nào? - Ảnh 5.

PVOIL luôn nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường thông qua hệ thống phân phối của Tổng Công ty

Bên cạnh đó, PVOIL cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị thành viên bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TPHCM là Công ty Cổ phần Xăng dầu khí Sài Gòn (PVOIL Sài Gòn) và Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TIMEXCO) tăng cường tối đa bán hàng thông qua 21 cây xăng để phục vụ nhu cầu gia tăng đột biến của lượng khách hàng trong thời điểm hiện tại. Những ngày đầu tháng 10, sản lượng bán lẻ của PVOIL Sài Gòn và TIMEXCO đều tăng so với bình thường (xăng tăng 30%, dầu DO tăng 10%). Với hệ thống 648 cửa hàng xăng dầu trong toàn hệ thống, PVOIL góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT PVOIL chia sẻ, trong những ngày qua tình hình thị trường bán lẻ xăng dầu rất căng thẳng, đặc biệt là ở khu vực TPHCM, miền Tây Nam Bộ, nơi tập trung nhiều tư nhân tham gia hệ thống bán lẻ xăng dầu. Thời gian qua để hạn chế lỗ, nhiều cửa hàng xăng dầu tư nhân hạn chế bán ra, đóng cửa hàng, khách hàng đổ xô về các cửa hàng xăng dầu của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có PVOIL. Trong 2 ngày 8 – 9/10, sản lượng bán lẻ xăng của hệ thống PVOIL tăng 60% và dầu tăng 25% so với ngày bình thường. PVOIL đã chỉ đạo toàn hệ thống cửa hàng xăng dầu nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, tuyệt đối không xảy ra tình trạng găm hàng trong hệ thống của PVOIL.

Với vị thế của Petrovietnam, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng luôn trăn trở, yêu cầu các đơn vị trong toàn Tập đoàn: "Trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước gặp nhiều biến động, Petrovietnam và các đơn vị thành viên càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc bình ổn thị trường".

Với vai trò doanh nghiệp nhà nước, trong thời điểm thị trường biến động, Petrovietnam và các đơn vị thành viên càng thể hiện vai trò quan trọng, là công cụ hiệu quả trong việc điều tiết thị trường của Nhà nước.

Linh Đan