Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa. Nguồn: Istock |
Như đã viết, từ sau những năm đầu 1990, quá trình toàn cầu hóa chuyển sang một giai đoạn mới: Thế giới mở với nền kinh tế thị trường phủ rộng tại hầu hết các quốc gia.
Lần đầu tiên, trong một chừng mực nào đó, cả các nước phát triển và đang phát triển đều được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa.
Ẩn sau phồn vinh là những bất ổn
Các nước phát triển thì tìm được nơi để tổ chức đầu tư sản xuất với nguồn nhân công và nguồn nguyên vật liệu tại chỗ giá rẻ hơn hẳn. Sản xuất được đưa ra khỏi chính quốc, khói bụi ô nhiễm xả ra ở xứ người. Đây chính là “gót chân Asin”của nền kinh tế thế giới khi mà một khối lượng sản xuất không thực sự lớn nhưng lại tạo ra một chuỗi giá trị lớn hơn hẳn mà về bản chất là kết quả của việc chuyển đổi tài nguyên thiên nhiên thành hàng hoá phục vụ tiêu dùng. Sản phẩm được tiêu thụ trên khắp toàn cầu, buôn bán, giao thương phát triển và nhờ vậy mà các hoạt động dịch vụ lên ngôi tại các nước phương Tây, chiếm 78% ở Mỹ và 72% ở EU. Đức được mệnh danh là quốc gia công nghiệp mà dịch vụ chiếm 78%, công nghiệp của nước này năm 1971 chiếm 51,7% thì nay chỉ còn 20%. Giá trị của sản phẩm gia tăng hai lần (sản xuất và tiêu thụ).
Các nước đang phát triển được tiếp cận với nguồn tài chính dồi dào, với công nghệ tiên tiến nhờ sự đầu tư sản xuất của các công ty phương Tây. Quá trình công nghiệp hóa có cơ hội phát triển, đô thị hóa bùng nổ. Sản xuất có đầu ra là thị trường thế giới luôn rộng mở. Một số quốc gia đã có cơ hội bứt phá mà những “con rồng châu Á” là một ví dụ.
Chuỗi cung ứng toàn cầu tối ưu mà điểm cung ban đầu chủ yếu là từ các nước đang phát triển và điểm cuối là cầu lại chủ yếu là các quốc gia phát triển giàu có được tạo dựng kéo theo các ngành dịch vụ như vận tải, ăn uống, nhà cửa khách sạn, giáo dục đào tạo và thậm chí cả y tế… bùng nổ. Tuy nhiên, ẩn sau sự phồn vinh ấy là những bất ổn.
Do sản xuất được di chuyển sang các quốc gia đang phát triển mà tại các nước phát triển nhiều người lao động không có kỹ năng bị mất việc làm.
“Thị trường không biên giới” đã mở ra những cơ hội đầu tư sinh lời khủng. Dòng tiền đổ vào chứng khoán và các lĩnh vực hứa hẹn sinh lời nhiều đến mức trở thành những quả bong bóng đã nổ (vào thời kỳ 2008) và đang chực chờ sẽ nổ nếu đại dịch không nhanh chóng được dập tắt. Tại Mỹ, ngoài những khoản vay để mua nhà, trang trải các chi phí như học hành, sắm sửa, chữa bệnh… còn rất phổ biến để đầu tư vì lãi suất tiết kiệm tại Mỹ và các nước phương Tây gần như bằng 0 đã duy trì suốt một thời gian dài.
Mới đây, Viện tài chính thế giới (IIF), cơ quan cứ mỗi quý lại công bố một lần số liệu nợ trên thế giới bao gồm các chính phủ, các nhà băng, các tổ chức phi tài chính và các hộ gia đình đã đưa ra con số tổng nợ của toàn cầu năm 2019 là 255.000 tỷ USD (tăng thêm 10.000 tỷ so với 2018), tương đương với 322% GDP của toàn nhân loại (85.900 tỷ USD) và so với năm 2008 đã tăng thêm 40% (87.000 tỷ USD). Chỉ riêng nợ công của Mỹ đã vượt mức 23.000 tỷ USD (tương đương 107% GDP) và theo dự báo do đại dịch con số này sẽ vượt 25.000 tỷ USD vào cuối năm nay.
Số liệu do Ngân hàng thanh toán quốc tế công bố cuối năm 2013 cho thấy tổng lượng tiền nằm trong các công cụ phái sinh đạt 710.000 tỷ USD, gấp 44 lần GDP của Mỹ vào thời điểm đó (khoảng 16.000 tỷ USD) và tăng 20% chỉ sau 5 năm kể từ sau khủng hoảng kinh tế 2008.
Capital One, tập đoàn tài chính lớn thứ 11 về quy mô tài sản tại Mỹ, đang gặp những rắc rối trên thị trường phái sinh. Các nguồn tin từ New York tiết lộ rằng tập đoàn này đã đặt cược vào các công cụ phái sinh với mức giá của dầu mỏ cao hơn hẳn so với mức giá hồi giữa tháng Tư vừa rồi. Và không chỉ Capital One mà còn khá nhiều “ông lớn” tại Wall Street cũng đồng ý cho các tập đoàn dầu khí quyền chọn bán (Put Option) tương đương với mức giá trên 50 USD/thùng dầu mỏ mà thời hạn giành cho Put Option thì đã và đang đến đúng vào lúc cả nước Mỹ đang căng hết gân cốt để chống chọi với kẻ thù vô hình là virus Corona. Quý I/2020, Bank Of America lỗ 4 tỷ USD, lợi nhuận giảm 45%!
Deutsche Bank cũng đang ở trong tình thế “ngàn cân treo trên sợi tóc” khi nắm trong tay một lượng công cụ tài chính phái sinh tương đương với 7.000 tỷ euro, gần gấp đôi GDP của Đức.
Mới đây, phóng viên chuyên phân tích về địa chính trị của Asia Times Pepe Escobar đã viết: “Giới kinh doanh tại New York đang chao đảo vì đại dịch. Họ hiểu rằng nếu nước Mỹ không sớm trở lại làm việc thì các công cụ phái sinh hàng triệu tỷ USD sẽ nhanh chóng đổ bể và hậu quả từ khủng hoảng kinh tế sẽ trầm trọng hơn bất kỳ các kỳ khủng hoảng nào đã từng diễn ra trong quá khứ”.
Các con số nêu trên cho thấy toàn cầu hóa đã cho nhân loại một cơ hội “vung tay quá trán” để rồi lại đẩy chính mình vào vòng xoáy nợ nần và tạo cơ hội cho bất bình đẳng trong xã hội ngày càng lớn.
Mặt trái của tấm huy chương
“Mặt trái của tấm huy chương” từ quá trình toàn cầu hóa đối với các quốc gia đang phát triển có thể liệt kê một số điểm chính dưới đây:
Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức cộng với những xả thải công nghiệp khiến môi trường tại các quốc gia này bị ô nhiễm trầm trọng.
Thiên nhiên bị tàn phá, môi trường sống bị ô nhiễm chắc chắn góp phần làm dịch bệnh nảy sinh và phát triển. Trong hơn hai thập kỷ qua, những đợt dịch bệnh bùng phát như SARS, cúm gia cầm, Ebola rồi COVID-19… đều từ các nước đang phát triển. Chính vì thế mà khi virus Corona còn đang hoành hành ở Trung Quốc, nhiều nước phương Tây vẫn chủ quan cho rằng đó là dịch cúm của vùng nhiệt đới xa xôi.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tại quốc gia đang phát triển cũng diễn ra với tốc độ chóng mặt. Nhiều nông dân chỉ sau một thời gian ngắn đã trở thành thị dân. Cuộc sống nửa thành thị, nửa nông thôn tiềm ẩn những bất ổn, đặc biệt là nhân cách sống. Các đại đô thị trước đây vốn đã như “chiếc áo quá chật” so với khả năng quản trị của chính quyền và kĩ năng sống của các thị dân giờ lại càng trở nên bất cập trước đại dịch COVID-19.
Sự lệ thuộc quá lớn vào xuất khẩu cũng khiến nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển trở nên lệ thuộc vào thị trường ngoại và mất cân đối. Nhiều nước đã bắt đầu nhận ra sự bất cập này và đang cố gắng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Quá trình toàn cầu hóa một mặt tạo ra cơ hội bứt phá cho nền kinh tế thế giới nhưng mặt khác cũng gây nên những mất cân đối nghiêm trọng. Đại dịch COVID-19 chỉ như “giọt nước tràn ly” để những bất cập ấy sớm bộc lộ ra hơn mà thôi.
Lời phát biểu sau đây của ông D.Trump có lẽ cũng thể hiện điều bất ổn đó mà Tổng thống Mỹ đã nhận ra: “Dịch bệnh đã cho thấy tầm quan trọng của việc đưa chuỗi sản xuất và tiêu thụ về đúng nơi của nó là nước Mỹ. Nếu bây giờ chiến tranh xảy ra thì một nửa hàng hóa cho người dân Mỹ lại do các quốc gia khác cung cấp”.
>> Phần cuối: 4.0 và đại dịch: Thế giới đổi thay hay quay lại như xưa?
Phạm Hoàng