• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro để cải cách kiểm tra, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn và quy chuẩn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường, nhưng cũng cần thay đổi phương thức quản lý sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ và tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

10/05/2025 14:58
Phân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro để cải cách kiểm tra, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 10/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xem xét bỏ quy định về công bố hợp quy tại Điều 48 của dự thảo luật

Bởi theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, việc duy trì quy định công bố hợp quy khiến Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia còn áp dụng quy định này. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, theo Hiệp định TBT của WTO, chỉ tập trung vào việc xây dựng, ban hành, phổ biến tiêu chuẩn và thực hiện hậu kiểm thông qua công cụ đánh giá sự phù hợp, thay vì yêu cầu công bố hợp quy. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị coi là áp dụng hàng rào phi thuế quan không cần thiết, gây khó khăn trong các đàm phán thương mại quốc tế.

Bà cũng cho rằng việc công bố hợp quy tạo ra một gánh nặng chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa mang nhãn hiệu "Made in Vietnam". Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tốn chi phí kiểm nghiệm mẫu, và thời gian chờ đợi việc công bố hợp quy kéo dài khiến họ mất cơ hội kinh doanh.

Phân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro để cải cách kiểm tra, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cần điều chỉnh, không bãi bỏ hoàn toàn công bố hợp quy

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP. Huế) lại đưa ra quan điểm khác. Đại biểu cho rằng công bố hợp quy là một công cụ cơ bản cho việc kiểm soát chất lượng, đồng thời cũng là đảm bảo an toàn về sản phẩm, hàng hóa, quy trình môi trường và các đối tượng khác trong phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta. Dù vậy, theo đại biểu, cần phải điều chỉnh thay vì bãi bỏ hoàn toàn quy định này.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phân tích rằng công bố hợp quy giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đại biểu cũng thừa nhận hiện nay có nhiều bất cập trong việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là trong các lĩnh vực như xây dựng, thực phẩm và an toàn thực phẩm. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi chưa có cơ sở pháp lý hoặc tiêu chí kỹ thuật rõ ràng để thực hiện công bố hợp quy.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh Điều 48 với các nội dung như: Rà soát, cập nhật hệ thống quy chuẩn nhanh, hài hòa với quy chuẩn quốc tế để tăng hiệu quả áp dụng và hội nhập; cải tiến quy trình công bố hợp quy theo hướng điện tử hóa, rút gọn thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh hậu kiểm, tăng cường giám sát thực chất thay vì quá chú trọng tiền kiểm nhằm bảo đảm hiệu lực thực tiễn của quy định hợp quy.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề xuất: "Chúng ta cần có một cuộc rà soát tổng thể, mạnh mẽ để xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa nào thật sự có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, an toàn quốc gia và môi trường để áp dụng quy chuẩn Việt Nam bắt buộc, những sản phẩm có rủi ro thấp hoặc trung bình nên được chuyển sang các hình thức quản lý khác linh hoạt hơn".

Bên cạnh đó, cần mạnh dạn thu hẹp danh mục hàng hóa nhóm 2, chuyển đổi từ cơ chế kiểm soát nhà nước sang cơ chế tự công bố tiêu chuẩn bởi doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc quản lý chất lượng sản phẩm.

Nữ đại biểu cũng đề nghị chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm, tập trung nguồn lực vào việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành có trọng tâm và dựa trên đánh giá rủi ro. Chính phủ cần tạo ra một cơ chế giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, vi phạm về chất lượng sản phẩm.

Làm rõ các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong suốt quá trình chỉnh lý và tiếp thu ý kiến, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để hoàn thiện các nội dung của dự án luật.

Đặc biệt, Chính phủ đã bám sát các chủ trương, định hướng mới nhất của Đảng, Bộ Chính trị và Trung ương, như Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Nghị quyết 66 về xây dựng pháp luật, Nghị quyết 68 về phát triển khu vực kinh tế tư nhân và Chỉ thị 38 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng hàng hóa của Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đã cố gắng hết sức để cập nhật những chủ trương mới, những định hướng đổi mới, cải cách, đột phá vào trong dự án luật này".

Đồng thời bảo đảm các nguyên tắc chung của luật, quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nguyên tắc chung; luật hóa những nội dung đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cam kết quốc tế; bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện, nhằm thuận lợi hóa công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Một trong những điểm quan trọng trong Dự án Luật là việc cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, đồng thời loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết nhằm thuận lợi hóa hoạt động thương mại. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc ưu tiên phương pháp tiếp cận đầu ra, tập trung vào năng suất, hiệu suất và mục tiêu quản lý nhà nước, không khuyến khích áp dụng nhanh các tiêu chuẩn quốc tế mà phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Loại bỏ tình trạng một đối tượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chịu sự điều chỉnh của nhiều các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau do nhiều bộ ban hành cùng một lúc...

Đối với ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến Điều 48 về công bố hợp quy, theo Phó Thủ tướng, công bố hợp quy là công cụ quan trọng để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra thị trường. Nếu không có tiêu chuẩn quản lý, giám sát, thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe của người dân, cộng đồng và môi trường. 

Ông cũng dẫn chứng về các quốc gia và tổ chức tiêu chuẩn hóa như ISO 1750, hay Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều có các quy định tương tự và Việt Nam cũng cần phải có.

Cho rằng "phải quản lý nhưng phải thay đổi phương thức và cách quản lý", Phó Thủ tướng nêu ví dụ thực tế, như vụ Formol trong bánh phở cách đây nhiều năm, hay các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng gần đây. 

Ông nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn và quy chuẩn là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường, nhưng cũng cần phải thay đổi phương thức quản lý sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ và tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các đại biểu Quốc hội về việc phân loại các sản phẩm, hàng hóa có rủi ro cao cần phải kiểm tra trước khi lưu hành (tiền kiểm), còn những sản phẩm ít rủi ro có thể thực hiện kiểm tra sau (hậu kiểm). Theo Phó Thủ tướng, việc này sẽ giúp đảm bảo công tác quản lý nhà nước mà không tạo ra rào cản, gây tăng chi phí hay thời gian cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại dự án luật sao cho vừa đảm bảo công tác quản lý, vừa thúc đẩy phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia và sức khỏe cộng đồng.

Thu Giang