Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 14/6, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất.
Quyết định trên của Fed đã chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp được cơ quan này đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát và giúp giữ nguyên lãi suất chính sách của Mỹ trong phạm vi từ 5,00-5,25%.
Ngay sau đó, trong một thông báo chiều 15/6, ECB đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4%. Lãi suất tiền gửi sẽ tăng từ 3,25% lên 3,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua, trong khi lãi suất cho vay qua đêm tăng lên 4,25%.
Động thái đưa lãi suất cơ bản của đồng Euro lên mức cao kể từ năm 2001 diễn ra đồng thời khi ECB tăng dự báo lạm phát và cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) trong 3 năm tới.
Trong khi đó, động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong tuần qua được các nhà kinh tế xem là phát súng khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của chính sách tiền tệ khi việc mở cửa trở lại do COVID-19 của Trung Quốc không đạt được tốc độ kỳ vọng.
Vào thứ Ba (13/6), PBOC đã cắt giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 7 ngày từ 2% xuống 1,9% - lần cắt giảm đầu tiên trong 9 tháng - khi nền kinh tế mất đà và dữ liệu kinh tế bắt đầu gây thất vọng. Các nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc tại các ngân hàng ở Phố Wall đã xem động thái này là khởi đầu cho nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa trong thời gian tới.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 16/6 quyết định duy trì lãi suất ở mức cực thấp như dự đoán và vẫn giữ quan điểm rằng sẽ cần có thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Như vậy, lãi suất ngắn hạn của BoJ sẽ vẫn ở mức -0,1%, trong khi ngân hàng này sẽ tiếp tục dẫn dắt lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản ở quanh mức 0%.
Đối với Hàn Quốc, ngày 15/6, Bộ Tài chính nước này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao thị trường tài chính khi vẫn có những yếu tố không chắc chắn trong chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất sau 15 tháng tăng.
Do những yếu tố không chắc chắn về chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Chính phủ Hàn Quốc vẫn cam kết duy trì cách tiếp cận thận trọng, và theo dõi chặt chẽ cả thị trường tài chính trong nước và toàn cầu.
Theo các chuyên gia, các động thái khác nhau của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Fed, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) xuất phát từ việc các nền kinh tế ngày càng bị chi phối nhiều hơn bởi các yếu tố trong nước. Châu Âu đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật, nhưng ECB kỳ vọng lạm phát sẽ dai dẳng. Trung Quốc không có vấn đề lạm phát nhưng đang đương đầu với hệ quả của việc đóng cửa chống COVID kéo dài và bong bóng tài sản. Nền kinh tế Mỹ đang vận hành tốt một cách đáng ngạc nhiên và lạm phát đã suy yếu, nhưng lạm phát lõi vẫn "cứng đầu".
Sự khác biệt trong hướng đi của các nền kinh tế lớn này đang gây ra biến động tỷ giá giữa các loại tiền tệ. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã suy yếu trong năm nay, điều này sẽ làm cho hàng hoá xuất khẩu của nước này cạnh tranh tốt hơn, hạn chế nhập khẩu và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trừ khi Trung Quốc dốc toàn lực để kích thích tăng trưởng hoặc can thiệp như thời hậu khủng hoảng tài chính năm 2009 hoặc sau đợt vỡ bong bóng chứng khoán năm 2015, thị trường của nước này sẽ có nhịp điệu riêng.
Quan trọng hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ là những động thái ở châu Âu, nơi ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) được coi là có lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn so với quan điểm của Fed. Điều đó đang thúc đẩy lợi suất trái phiếu của các nền kinh tế này tăng lên và đẩy đồng USD trượt giá so với đồng Euro và đồng Bảng Anh.
Trên phương diện lý thuyết, những diễn biến tỷ giá như vậy chính xác là những gì được mong đợi. Lợi ích lớn nhất của tiền tệ thả nổi là cho phép các ngân hàng trung ương tự do thiết lập lãi suất theo các vấn đề mà nền kinh tế của họ phải đối mặt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây xuất phát từ sự nhạy cảm của nhà đầu tư đối với sự suy yếu của đồng USD, và cú huých niềm tin mà sự suy yếu đó mang lại.
Nguyễn Đức (tổng hợp)