• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Phiên thảo luận chung Khóa họp 66 Đại hội đồng Liên hợp quốc

Thưa Ông Chủ tịch,

11/10/2011 02:45

Thay mặt Đoàn Việt Nam, tôi xin chúc mừng ông được bầu làm Chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 66 và tin tưởng rằng với kỹ năng và kinh nghiệm ngoại giao của mình, ông sẽ chủ trì thành công Khóa họp này.

Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ sự đánh giá cao đối với ông Joseph Deiss - Chủ tịch Đại Hội Đồng LHQ Khóa 65 vì những đóng góp hết sức ý nghĩa đối với các kết quả đạt được của Khóa họp.

Đoàn Việt Nam cũng chúc mừng ông Ban Ki-moon được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Tổng Thư Ký LHQ và tin tưởng rằng với sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên, ông Tổng Thư ký sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho các hoạt động của LHQ cũng như cho các nỗ lực hòa bình và phát triển trên thế giới. Chúng tôi xin nồng nhiệt chúc mừng Cộng hòa Nam Xu-đăng trở thành thành viên thứ 193 của LHQ.

Thưa Ông Chủ tịch,

Ngày nay, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chính của thời đại. Tuy nhiên, căng thẳng và các xung đột vẫn tiếp diễn ở nhiều châu lục và các khu vực do những bất đồng ở các quốc gia chưa được giải quyết cũng như do sự đe dọa và sử dụng vũ lực. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn là những thách thức lớn, đòi hỏi các giải pháp hiệu quả. Sự phục hồi bấp bênh của nền kinh tế thế giới cùng với tình trạng suy giảm kinh tế ở nhiều nước phát triển làm cho những nước đang phát triển phải đối mặt với những nguy cơ như điều kiện thương mại bất bình đẳng hơn, tình trạng bảo hộ gia tăng, nguồn tài chính thu hẹp, và những thành quả đạt được trong quá trình thực hiện Các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) bị xói mòn. Quá trình đàm phán đa phương về những vấn đề quan tâm chung như giải trừ quân bị và biến đổi khí hậu chưa đạt được những kết quả mong muốn.

Tình hình hiện nay thúc đẩy các quốc gia phải đối thoại và hợp tác để vượt qua những thách thức chung do chính con người và thiên nhiên tạo ra. Hòa bình, an ninh và ổn định vẫn là khát vọng mãnh liệt và điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của tất cả các quốc gia. Chìa khóa của thành công nằm ở chính những nỗ lực của mỗi quốc gia, việc tăng cường hợp tác quốc tế và các hoạt động đa phương trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và Hiến chương LHQ, đồng thời quan tâm đến quyền lợi chính đáng của tất cả các nước, nhất là những nước đang phát triển. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh chủ đề mà ông Chủ tịch đề ra cho Khóa họp này là “Giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

Thưa Ông Chủ tịch,

Như Tổng Thư ký LHQ đã nêu rõ, chưa bao giờ LHQ có vai trò liên quan và được trông đợi bởi rất nhiều người trên toàn thế giới như hiện nay, và LHQ phải đạt được những kết quả cụ thể để tạo những chuyển biến thực sự trong cuộc sống hàng ngày của người dân trên thế giới. Phải khẳng định rằng với số thành viên trên toàn thế giới, LHQ có sứ mệnh hợp pháp duy nhất là tổ chức đi đầu trong việc thúc đẩy quản trị toàn cầu và hợp tác đa phương.

Những năm vừa qua, LHQ đã đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt các xung đột và thúc đẩy hòa bình ở nhiều khu vực. Chúng tôi đánh giá cao những sáng kiến đưa nhu cầu của những đối tượng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất thành nội dung trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế, huy động các nguồn lực và tập trung năng lực thực hiện các chương trình hành động quốc tế, bao gồm các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), thúc đẩy đàm phán đa phương về biến đổi khí hậu, giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp bách như sa mạc hóa, các bệnh không truyền nhiễm, an ninh an toàn hạt nhân và đối phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của các quỹ, chương trình và các cơ quan chuyên môn của LHQ trong việc xác định các tiêu chí, chương trình làm việc phù hợp với nhiệm vụ và hỗ trợ các nước đang phát triển triển khai các kế hoạch phát triển.

Đồng thời, cộng đồng quốc tế tiếp tục hướng về LHQ như một nguồn động viên và sức mạnh, một tổ chức toàn cầu có thể kiên quyết hành động chống lại các xu hướng đe dọa làm suy giảm uy tín hay đi ngược lại những giá trị cơ bản và các tôn chỉ, mục đích nền tảng của tổ chức này. Vì vậy, tổ chức này cần tiếp tục thúc đẩy các giá trị hòa bình và an ninh, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. LHQ cũng cần phản ứng nhanh và hiệu quả hơn trên thực địa nhằm mục tiêu cao nhất là đáp ứng các nhu cầu và lợi ích của các Nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Thưa Ông Chủ tịch,

Hòa bình và an ninh quốc tế luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta, LHQ cần tiếp tục có những nỗ lực phối hợp và gắn kết để thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các cuộc nội chiến và xung đột tại một số khu vực trên thế giới đặc biệt là ở Bắc Phi và Trung Đông, đồng thời ngăn chặn các xung đột khác bùng phát. Chúng ta phải hợp tác để thúc đẩy xu thế hòa bình và đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực chấm dứt bạo lực và tăng cường tái thiết và hòa giải dân tộc tại Afghanistan và Iraq. Liên quan việc Palestine nộp đơn làm thành viên đầy đủ của LHQ, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam đã công nhận Nhà nước Palestine năm 1988 và luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền cơ bản không thể tách rời, trong đó có quyền thành lập một nhà nước độc lập và có chủ quyền cùng tồn tại hòa bình với Israel trên cơ sở đường biên giới được xác định trước tháng 6 năm 1967. Trên tinh thần đó Việt Nam hết sức ủng hộ những nỗ lực của Palestine để sớm trở thành một quốc gia thành viên đầy đủ của LHQ.

Chúng tôi cũng ủng hộ LHQ trong việc triển khai những kết quả của Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2010 và Phiên họp cấp cao vừa qua về an ninh, an toàn hạt nhân, thúc đẩy công việc của Hội nghị Giải trừ quân bị cũng như các cuộc đàm phán đa phương về lĩnh vực này.

Bên cạnh những quan tâm về an ninh, cộng đồng quốc tế trong đó LHQ đóng vai trò trung tâm, cần phấn đấu hơn nữa để đảm bảo công bằng, bình đẳng trong các quan hệ quốc tế và trong các cấu trúc, thể chế tài chính kinh tế quốc tế. Các nước đang phát triển phải có vai trò và tiếng nói lớn hơn trong việc quản trị quốc tế và được tạo điều kiện để có thể tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong tiến trình toàn cầu hóa. Trong khi đó, những nước phát triển phải thực hiện các nghĩa vụ và cam kết bao gồm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần vào thành công của vòng đàm phán Doha, loại bỏ những biện pháp thương mại không công bằng và tăng cường trợ giúp phát triển.

Trước nhu cầu tiếp tục tư duy và hành động hướng tới một môi trường kinh tế toàn cầu ổn định và lành mạnh hơn, chúng tôi muốn khuyến nghị LHQ triệu tập một cuộc họp tại ĐHĐ hoặc ECOSOC để theo dõi việc triển khai kết quả của Hội nghị về khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới diễn ra vào tháng 6/2009.

Đồng thời, LHQ nên thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc sử dụng đơn phương của các phương tiện kinh tế chống lại các nước đang phát triển. Việt Nam mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế chống lại Cộng hòa Cuba.

Hơn nữa, để thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững, phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực và cam kết chính trị, với vai trò điều phối trung tâm của LHQ, nhằm đạt được phát triển công bằng và bền vững cho tất cả các nước. Chỉ còn bốn năm nữa đến mốc năm 2015, cần thúc đẩy mối quan hệ đối tác phát triển toàn cầu cả về chiều rộng và chiều sâu, để cung cấp cho các nước có nhu cầu các kinh nghiệm, chính sách liên quan, nguồn lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và duy trì sự tiến bộ đó. Quan trọng không kém là cần bắt đầu xây dựng một tầm nhìn cho nền tảng phát triển toàn cầu trong giai đoạn sau năm 2015. Chúng ta cũng phải nỗ lực hơn để đạt được những kết quả tốt đẹp tại Hội nghị COP 17 ở Nam Phi và cuộc họp Rio 20 tại Brazil.

Việt Nam cam kết hợp tác với các nước thành viên khác để thúc đẩy hoạt động của ĐHĐ, cơ quan chủ chốt về thảo luận, hoạch định chính sách và có tính đại diện cao; tăng cường vai trò bao trùm của ECOSOC trong lĩnh vực phát triển; và chủ trương mở rộng thành phần và cải tiến phương pháp làm việc của HĐBA. Chúng tôi cũng mong muốn hệ thống LHQ có các chương trình phát triển nhất quán và hiệu quả hơn để hỗ trợ hiệu quả những ưu tiên quốc gia của các nước tiếp nhận. Để đóng góp hơn nữa vào những nỗ lực cải tổ LHQ, Việt Nam đã tích cực triển khai sáng kiến "Thống nhất trong hành động" và cùng với LHQ và các đối tác khác đạt được những tiến bộ cụ thể.

Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Nghị quyết A/RES/65/281 về kiểm điểm Hội đồng Nhân quyền. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền khác của LHQ cần tiếp tục được cải thiện để hoạt động nhất quán và hiệu quả hơn, đồng thời tập trung nhiều hơn vào đối thoại và chia sẻ kinh nghiệm. Để đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu trên, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2013-2016.

Thưa ông Chủ tịch,

Năm 2011 là một năm quan trọng đối với Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ 11 và tổ chức bầu cử các cơ quan Nhà nước. Chúng tôi cũng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thập kỷ tới. Trong suốt 25 năm tiến hành đổi mới toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về nhiều mặt và đã hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế. Chúng tôi đã thành công trong việc thiết lập và củng cố các khuôn khổ quan hệ ổn định và lâu dài với các nước lớn, các trung tâm kinh tế, chính trị toàn cầu và khu vực.

Trên cơ sở những thành tựu đó, trong thời gian tới, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện với chất lượng và hiệu quả cao hơn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và kết hợp với việc phát triển một nền kinh tế tri thức.

Nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước khác, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình hợp tác và phát triển. Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì sự thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Chúng tôi sẽ tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực chủ động tham gia và đóng góp cho các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực như LHQ, Hội nghị Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Phong trào Không liên kết, và Nhóm 77 và Trung Quốc để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu như an ninh hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân, phòng chống tội phạm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, và hợp tác sông Mê-kông. Hơn nữa, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với các quốc gia khác những kinh nghiệm trong hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên, tài trợ cho phát triển, nâng cao hiệu quả viện trợ và lồng ghép các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào các chiến lược kinh tế - xã hội quốc gia.

Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác vì hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, Đông Á và xa rộng hơn, thông qua cơ chế do ASEAN lãnh đạo và các công cụ như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ những đóng góp cho hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Cùng với các thành viên khác của ASEAN, Việt Nam cam kết ủng hộ mạnh mẽ các cơ chế đối thoại và xây dựng lòng tin, và sẵn sàng ủng hộ và tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Luật Biển năm 1982 và chấp nhận được đối với tất cả các bên liên quan. Trong quá trình hướng đến một giải pháp như vậy, chúng tôi sẽ cùng với các bên liên quan nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và hoan nghênh các cam kết đã tuyên bố cùng nhau phấn đấu xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trong tương lai gần.

Thưa Ông Chủ tịch,

Đại Hội Đồng LHQ năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng bởi vì thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Tôi tin tưởng vững chắc rằng với việc tăng cường các nỗ lực chung và hợp tác đa phương, chúng ta có thể đáp ứng sự mong đợi và nguyện vọng của các dân tộc và đề ra được hướng phát triển lâu dài của LHQ. Việt Nam luôn cam kết ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực này.
Xin chân thành cảm ơn sự chú ý của Quý vị./.