Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thưa Ngài Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương Quốc Campuchia,
Thưa Ngài Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào,
Thưa Ngài Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan,
Thưa Ngài U Henry Van Thio, Phó Tổng Thống Cộng hòa Liên bang Myanmar,
Thưa Ngài Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,
Thưa Ngài Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á,
Thưa Ngài Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á,
Thưa Ngài Joaquim Levy, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới,
Thưa tất cả quý vị và các bạn,
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các nhà lãnh đạo, quý vị đại biểu cùng toàn thể các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS)
Đây là lần đầu tiên một diễn đàn quy mô lớn được tổ chức nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác GMS và Hội nghị cấp cao Hợp tác Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV). Cùng các nhà lãnh đạo, tôi đặc biệt hoan nghênh sự tham gia đông đảo của gần 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực, các bạn chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong
Thưa toàn thể quý vị,
Tiểu vùng Mekong mở rộng GMS là khu vực rộng lớn, với số dân 340 triệu người, bao gồm 5 quốc gia Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Nếu tính tổng quy mô kinh tế của tất cả, thì đó là một “nền kinh tế” quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD. Điều này cho thấy nếu các quốc gia, các đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS, chúng ta sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung; mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.
Nằm ở trung tâm của cả khu vực châu Á phát triển năng động, khu vực GMS đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình góp phần tăng thêm gam màu tươi sáng của bức tranh phát triển cả châu lục, đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn cầu trong thế kỷ 21. Theo đó, một tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau 2022, đó là một tiểu vùng Mekong kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này.
Để hiện thực hóa tầm nhìn và để GMS không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên, chúng ta cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do.
Bên cạnh đó, ngoài vai trò kiến tạo phát triển của các Chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò chất xúc tác và hỗ trợ của các định chế quốc tế như ADB, WB thì nhóm hành động không ai khác hơn chính là cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn hôm nay, chính là nơi để thúc đẩy các sáng kiến và khơi nguồn kết nối không chỉ giữa chính phủ, chính quyền các cấp với nhau mà còn với các doanh nghiệp và điều quan trọng nhất là đề cao vai trò của kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo nên những liên kết, hợp tác thực chất cho phát triển thịnh vượng của khu vực GMS và CLV của chúng ta.
Thưa tất cả quý vị,
Trong năm 2017, Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu Châu Á, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất, tỷ giá ổn định, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đến nay đạt trên 60 tỷ USD.
Hiện nay ở Việt Nam đã có 25.000 dự án đầu tư nước ngoài FDI đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đầu tư đạt trên 320 tỷ USD. Chỉ số thị trường chứng khoán VNindex năm 2017 tăng 41%, nằm trong Top 3 của thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số môi trường kinh doanh (DB 2017) của Việt Nam tăng 14 bậc lên mức 68/190; theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI 2017) tăng 5 bậc lên 55/137 và theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII 2017) tăng 12 bậc lên 47/127... Tất cả điều đó, phần nào xây dựng lòng tin, niềm hứng khởi của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ chúng tôi thời gian qua. Những thành quả ban đầu đó là động lực để chúng tôi tiếp tục tự tin thúc đẩy cải cách:
Thứ nhất, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhà nước không làm thay thị trường và doanh nghiệp mà tập trung kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật chuẩn mực, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Nhà nước quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở, chỉ đầu tư vào những khu vực quan trọng mà các doanh nghiệp tư nhân khó có thể đầu tư.
Thứ hai, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh. Chúng tôi phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới tiêu chuẩn cao của Nhóm OECD. Thực hiện các cam kết về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp. Tiếp tục đẩy nhanh việc cải cách chính sách thuế và Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm còn 15-17%. Việt Nam cũng áp dụng nhiều quy định ưu đãi dành cho đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…
Thứ ba, tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với khu vực GMS và CLV, đồng thời xác định trọng tâm trong 2018-2019 là ký kết, phê chuẩn đưa vào hiệu lực 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA Việt Nam-EU, đồng thời đẩy mạnh thực thi hiệu quả 10 FTA đã có hiệu lực, thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP và một số hiệp định khác. Chỉ với hiệu lực của CPTPP và Hiệp định với EU, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường lớn của gần 40 nước phát triển. Đó là điều mà các nhà đầu tư quốc tế không thể bỏ qua.
Thứ tư, đối với giao thông, với tư cách là một trong 3 trụ cột quan trọng của GMS, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch. Ngoài các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư như từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau; từ Hà Nội đi Hải Phòng, từ Hà Nội đi Lào Cai (kết nối đến Côn Minh củaTrung Quốc), từ Hà Nội đi Lạng Sơn (kết nối đến Nam Ninh, Trung Quốc), đây chính là sự kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với sáng kiến của Trung Quốc “Vành đai, Con đường”. Việt Nam cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc đầu tư vào giao thông trên các tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), Bắc-Nam (NSEC) và hành lang phía Nam (SEC)...
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cam kết và trên thực tế đang thúc đẩy cụ thể hóa các sáng kiến, ví dụ như ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác; ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng và năng lực thích ứng; hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững.
Thưa tất cả quý vị,
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có chuyển đổi sâu sắc, GMS phải có những động lực mới cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình. GMS cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng, một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên để tạo nên nguồn lực mới giải quyết các khác biệt, mở rộng không gian hợp tác kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Nguồn lực mới cho phát triển, trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình, mỗi nền kinh tế chúng ta cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân. Phải chăng đó chính là nguồn lực mới và cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế khu vực, thu hút sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế và các nguồn lực từ bên ngoài khác dành cho khu vực GMS và CLV của chúng ta.
Một nguồn lực mới quan trọng xuất phát từ khai thác hiệu quả những tiến bộ, đột phá của khoa học công nghê. Hơn ai hết, các doanh nghiệp tại đây hiểu rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới sẽ là yếu tố tiềm năng kết nối các nền kinh tế GMS và CLV lại với nhau theo cách phi truyền thống, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của những nhà khởi xướng GMS cách đây 25 năm. Hiện nay, nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ mạng toàn cầu, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, người máy đang lan tỏa và càng mạnh mẽ trong nhiều ngành kinh tế của khu vực chúng ta.
Những nguồn lực trên sẽ đem lại xung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, chúng ta cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hoà.
Phát triển nhanh và bền vững phải là yêu cầu hàng đầu, là mệnh lệnh của các thế hệ tương lai đối với mỗi quyết định, mỗi hành động của chúng ta ngày hôm nay. Tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong quý báu. “Hài hòa” là giá trị truyền thống của châu Á, tôi cho rằng mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên, của chính phủ, doanh nghiệp vàngười dân.
Thưa quý vị,
Khu vực GMS và 3 quốc gia CLV, chúng ta có núi liền núi, sông liền sông có chung khát vọng về hòa bình, phát triển thịnh vượng, cùng các nhà lãnh đạo, Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và đối tác phát triển.
Trong dòng chảy kinh tế đang kết nối các nền kinh tế khu vực Mekong, chúng tôi coi thành công của các bạn là thành công của chính mình.
Xin trân trọng cảm ơn.