Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thưa các vị Đại sứ,
Thưa Quý vị và các bạn,
Trước hết, tôi xin cảm ơn Viện Khuê-bờ đã dành cho tôi cơ hội trao đổi với Quý vị - những chính khách, các nhà nghiên cứu hàng đầu của nước Đức - về những vấn đề, thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á - Âu. Cuộc trao đổi của chúng ta diễn ra trong không gian của những sáng kiến, ý tưởng, triết lý về đối thoại vì hòa bình, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau như Ngài Khuê-bờ đã mong muốn khi sáng lập ra Viện.
Thưa Quý vị và các bạn,
Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Kinh tế thế giới đã vượt qua khủng hoảng và đang đi vào giai đoạn phục hồi hướng tới phát triển bền vững. Song thế giới vẫn đứng trước nhiều mối lo ngại, thách thức cùng với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và rất khó lường. Các nguy cơ từ xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, cũng như những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước... ngày càng nổi lên gay gắt.
Trong những năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi lên là động lực tăng trưởng và liên kết của kinh tế thế giới, đưa khu vực này trở thành một trung tâm quyền lực mới, một trung tâm kinh tế lớn chiếm gần 55% GDP toàn cầu và có vai trò rất quan trọng trong tiến trình hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, khu vực này đang còn tồn tại nhiều vấn đề; nổi lên là diễn biến phức tạp của các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông... và đáng lo ngại là sự thiếu hụt lòng tin - nhân tố chủ yếu khiến cho hòa bình, ổn định ở đây chưa thực sự bền vững. Nếu môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của châu Á - Thái Bình Dương bị xấu đi thì sẽ gây tác động rất tiêu cực và hệ lụy khôn lường đối với cả khu vực và toàn thế giới - còn ngược lại sẽ là niềm vui, niềm hạnh phúc to lớn của tất cả chúng ta.
Những nguy cơ, thách thức trên đây đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác và nỗ lực rất cao của mỗi quốc gia, cả khu vực và toàn thế giới. Và không một quốc gia nào, kể cả những cường quốc hàng đầu, có thể một mình đủ sức giải quyết được. Để duy trì hòa bình, ổn định một cách bền vững ở khu vực, chúng tôi cho rằng cần có thiện chí và cộng đồng trách nhiệm của tất cả các nước. Mỗi quốc gia, dù lớn, hay nhỏ, bên cạnh việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải quan tâm đến các vấn đề chung của thế giới và lợi ích chính đáng của các nước khác. Đây là nền tảng nhận thức cơ bản để các quốc gia tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy các cơ chế hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nước cần đề cao hơn nữa vai trò của các thể chế đa phương và cùng chung tay góp sức xây dựng một cấu trúc và thể chế của khu vực ổn định và bền vững; vừa làm cơ sở và động lực chính cho sự hợp tác, vừa có khả năng ứng phó hiệu quả với các nguy cơ, thách thức.
Thưa Quý vị và các bạn,
Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của cả khu vực. Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề, các thách thức chung của khu vực và thế giới.
Sau gần 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển đổi thành công nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ một nước nghèo, kém phát triển, bị tàn phá nặng nề của các cuộc chiến tranh xâm lược, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong 25 năm (1986-2010), chúng tôi đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7% năm. Trong khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng GDP 5,6% trong 3 năm 2011-2013. Năm 2014, GDP tăng khoảng 6% và bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc. Việt Nam đang hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của người dân và tiếp tục khẩn trương hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Việt Nam đang chủ động hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm và là động lực chính. Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 2007. Đến nay, chúng tôi đã tham gia 08 Hiệp định thương mại tự do và đang tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015. Chúng tôi cũng đang đàm phán 06 Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao, trong đó quan trọng nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hội nhập quốc tế, bên cạnh những khó khăn thách thức nhưng đã và đang mở ra cho Việt Nam chúng tôi nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển, cải cách và tham gia ngày càng hiệu quả vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu.
Việt Nam là thành viên tích cực và xây dựng, đóng góp có trách nhiệm trong hoạt động của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Chúng tôi đã triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) của Liên hợp quốc và đang nỗ lực đảm nhận trọng trách tại một số cơ chế, diễn đàn quan trọng như Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)... Tình hình và điều kiện thực tế đã cho phép chúng tôi chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình đối với các vấn đề, các thách thức của khu vực và thế giới.
Chúng tôi kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển. Không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống.
Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Chúng tôi kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.
Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng Luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực.
Là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015, Việt Nam hết sức quan tâm đến tương lai của cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN. Cấu trúc hiện nay vẫn đang trong giai đoạn định hình - quá độ với nhiều cơ chế, diễn đàn đa tầng nấc như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM )... Để bảo đảm vững chắc cho hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực, châu Á – Thái Bình Dương cần có một cấu trúc bền vững với một hệ thống các nguyên tắc, thể chế khả thi, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong cấu trúc đó, ASEAN cần tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, dẫn dắt, kết nối chặt chẽ và xây dựng lòng tin chiến lược giữa tất cả các đối tác liên quan.
Một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu - mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa Châu Âu và Đông Á. Những bất ổn, căng thẳng vừa qua đã cho thấy rõ lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Với truyền thống hòa hiếu và chính sách đối ngoại nhất quán của mình, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng Luật pháp quốc tế, chúng tôi luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Thời gian qua, công luận trên thế giới, Chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhóm các nước G7, Cộng đồng ASEAN... đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ lập trường chính nghĩa – phù hợp với Luật pháp quốc tế - của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn bạn bè trên thế giới - ở châu Âu, ở Đức - đã có tiếng nói tích cực, khách quan, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh của khu vực.
Thưa Quý vị và các bạn,
Trải qua những thăng trầm trong cục diện kinh tế - chính trị ở châu Âu và thế giới, nước Đức khẳng định vị thế ngày càng cao ở cả tầm châu lục và toàn cầu. Đức không chỉ chứng tỏ là nền kinh tế đầu tàu chủ lực kéo kinh tế châu Âu ra khỏi khủng hoảng và suy thoái, mà còn có vai trò, tiếng nói rất quan trọng trong các vấn đề trọng đại về chính trị, an ninh, gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Âu và thế giới. Việt Nam ủng hộ một nước Đức mạnh và có vai trò tích cực, trách nhiệm cao trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển của thế giới.
Việt Nam và Đức tuy xa cách về địa lý, có lịch sử và đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau, nhưng nhân dân hai nước đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn để ngày hôm nay được sống trong hòa bình, phát triển và có quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Nhân dân Đức đã ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Quan hệ hai nước đã có những bước tiến vững chắc và đang phát triển rất thuận lợi, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2011. Sang năm 2015, chúng ta sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Đức (1975-2015). Tầm vóc và chiều sâu của mối quan hệ đối tác chiến lược được thể hiện rõ qua các chuyến thăm cấp cao, các cơ chế đối thoại các cấp và nội hàm hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân...và sự phối hợp tích cực tại các diễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU.
Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu với kim ngạch hai chiều đạt gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – EU. Đức cũng là một trong những nhà tài trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh luồng vốn đầu tư từ Đức với nhiều dự án FDI có chất lượng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty danh tiếng của Đức như Si -men, Méc xê đét -Ben, Bra-un, A- li-ăng, Bốt (Bosch)... Các trường đại học của Đức đang tiếp nhận hơn 4.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đến học tập. Cộng đồng hơn 100 nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đức, cùng với hơn 100 nghìn người biết tiếng Đức tại Việt Nam, trong đó có nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh đã từng học tập tại Đức đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng của mỗi nước và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức.
Hôm nay, tôi và bà Thủ tướng Angela Merkel đã có cuộc hội đàm rất thành công, thống nhất về nhiều định hướng hợp tác chiến lược quan trọng gắn với các kế hoạch hành động cụ thể để đưa quan hệ Đối tác chiến lược hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Trong đó tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực trọng tâm là hợp tác chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội. Việt Nam sẽ cùng với Đức nâng tầm các cơ chế đối thoại song phương, nỗ lực đẩy mạnh các nội hàm hợp tác vì phát triển bền vững, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như phát triển năng lượng, công nghệ xanh, sạch, công nghiệp chế tạo, giao thông công cộng, tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản...
Năm 2015, cùng với sự kiện 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức, cũng là năm Việt Nam và Liên minh châu Âu đánh dấu 20 năm ký Hiệp định khung hợp tác. Tôi vui mừng nhận thấy trong từng bước phát triển của quan hệ Việt Nam - EU có dấu ấn đóng góp hết sức quan trọng của quan hệ Việt Nam - Đức. Việt Nam đánh giá cao thiện chí và nỗ lực tích cực của Đức trong quá trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA). Và hiện nay là đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Ngày 13/10/2014, tại Brúc-xen, tôi và Ngài Ba-rô-sô, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố thống nhất định hướng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU với niềm lạc quan rằng hai bên sẽ sớm ký được Hiệp định vào đầu năm 2015.
Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 sắp khai mạc tại Mi-lan - I-ta-li-a sẽ thảo luận nhiều vấn đề hợp tác chiến lược giữa hai châu lục và toàn cầu. Trong tiến trình này, hợp tác ASEAN - EU là hạt nhân và là động lực của hợp tác giữa hai châu lục. Hai nước chúng ta, Việt Nam – với tư cách thành viên tích cực của ASEAN và Đức – với tư cách là thành viên trụ cột của EU, cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng góp phần tạo xung lực cho hợp tác ASEAN – EU và quan hệ giữa hai lục địa Á – Âu phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở cả hai châu lục. Sự phát triển đó sẽ tác động trở lại, mang lại một không gian rộng lớn hơn, hiệu quả hơn cho mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức.
Thưa Quý vị và các bạn,
Vào đầu năm 2015, một cuộc thi ảnh do Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) tiến hành sẽ có triển lãm giới thiệu những bức ảnh các gia đình Việt Nam có hai, ba thế hệ từng sống, học tập, làm việc tại Đức, cùng với đó là những câu chuyện xúc động về tình cảm bạn bè thân thiết Việt - Đức. Dù đang ở Việt Nam, nhưng mọi người đều có thể đến Viện Gớt tại Hà Nội và sắp tới là Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh để học tiếng Đức, tìm hiểu về văn hóa Đức, hay đối với một số người đơn giản là để thấy lại hình ảnh, kỷ niệm tại nước Đức, nơi mà họ đã có thời gian sinh sống trong tình cảm ấm áp, tốt đẹp của những người bạn Đức. Đó là những minh chứng sống động của mối liên kết nhân văn giữa những người dân bình dị yêu chuộng hòa bình của hai dân tộc chúng ta. Đó cũng chính là nền tảng cho mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Đức phát triển ngày càng xanh tươi và bền chặt.
Xin cảm ơn Quý vị và các bạn./.