• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phát biểu của Thủ tướng trong phiên Đối thoại với DN tại WEF

(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên Đối thoại với doanh nghiệp (BIG) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) ngày 22/5 ở Manila, Philippines.

23/05/2014 08:16
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các doanh nghiệp dự WEF Đông Á tại Manila, Philippines ngày 22/5/2014. Ảnh: VGP
Thưa Quý vị,

Trước hết, tôi xin cảm ơn Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tổ chức cuộc gặp rất có ý nghĩa hôm nay và dành cho tôi cơ hội tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn - những đối tác quan tâm và ủng hộ sự phát triển của Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng trung bình 7,5% trong giai đoạn 1991-2010. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình từ năm 2010. Năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt gần 2.000 USD. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt coi trọng bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, bao gồm xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, giáo dục phổ thông và y tế.

Trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu 2011-2013, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế hiệu quả lạm phát, tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 5,6%/năm. Xuất khẩu tăng 22%/năm. Đầu tư nước ngoài tăng mạnh (vốn đăng ký đầu tư nước ngoài năm 2013 là 23 tỷ USD). Đáng chú ý, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 4/2014 đã đạt 53,1 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2011. Điều này cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp về sự phục hồi ngày càng vững chắc của kinh tế Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là chủ trương lớn của Việt Nam nhằm phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tính đến tháng 4/2014, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đã đạt trên 16.300 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 240 tỷ USD. Việt Nam đang đứng trước nhiều tiềm năng phát triển to lớn. Tôi xin trao đổi thêm về những cơ hội trong đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam chính trị xã hội luôn ổn định vững chắc. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, hiện đang ở thời kỳ dân số vàng với khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực. Với quy mô dân số 90 triệu người, thu nhập và đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, sức mua của thị trường Việt Nam ngày càng tăng.

Thứ hai, với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam không chỉ là cửa ngõ quan trọng của tiểu vùng Mê Công, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất.

Thứ ba, Việt Nam là nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bên cạnh việc thực hiện các cam kết của WTO và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Việt Nam đang tiến hành đàm phán đồng thời nhiều Hiệp định FTA với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Canada, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… với các hiệp định như Hiệp định TPP, RCEP, Hiệp định FTA Việt Nam – EU… Trong giai đoạn 2015 - 2020, với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam sẽ trở thành một đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế trên tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chúng tôi đang tiến hành rà soát, sửa đổi hệ thống luật pháp, văn bản pháp lý nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như: Ban hành Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Nghị định về mô hình đối tác công - tư (PPP)… Trong giai đoạn 2014-2015, Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa hơn 430 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả những tập đoàn, tổng công ty lớn. Đây là những cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Thưa Quý vị,

Với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi. Với tinh thần đó, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và trao đổi với Quý vị.

Chúc Quý vị và các bạn sức khoẻ, hạnh phúc, thành công.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài tại phiên Đối thoại:

"Từ ngày 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ ngang ngược hạ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam. Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Vi phạm pháp luật quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố Ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC).

Cả dân tộc Việt Nam phẫn nộ phản đối. Nhiều địa phương, người dân đã tự phát biểu tình tuần hành phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Trong số biểu tình đó có một số người vi phạm pháp luật, có hành động phá hoại tài sản của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài và của cả Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời, ngay trong đêm xảy ra. Những người vi phạm đã bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội đã được bảo đảm vững chắc. Chính phủ Việt Nam đã giúp đỡ hỗ trợ kịp thời, hầu hết doanh nghiệp đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường. Các doanh nghiệp đã cảm ơn và bày tỏ tin tưởng về sự kịp thời, kiên quyết và hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ và chính quyền địa phương của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam khẳng định hoàn toàn đủ khả năng và cam kết bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài đang công tác, làm ăn, sinh sống, học tập tại Việt Nam. Các bạn vững tin ở chúng tôi. Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, nguyên nhân của sự việc đáng tiếc diễn ra bộc phát vừa qua là do Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam"./.