Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Tới dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Minh Hiển và nhiều Bộ trưởng khác; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam Lê Công Phụng và hơn 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, các cơ quan Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện nhiều tổ chức xã hội, các nhà quản lý, chuyên gia, học giả, các cơ quan truyền thông đại chúng và đại diện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chính thức phát động Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển bền vững 2005- 2014 tại Việt Nam và công bổ ra mắt Ủy ban Quốc gia Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển bền vững của Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục đích của Thập kỷ là “thúc đẩy giáo dục với vai trò là nền tảng cho một xã hội bền vững hơn, đặt giáo dục ở trung tâm của phát triển bền vững, đưa khái niệm phát triển bền vững vào chính sách giáo dục và vào hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp, các hình thức học tập…”
Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển bền vững 2005 – 2014 được Liên Hợp Quốc chính thức phát động tháng 3 năm 2005 theo Nghị quyết 57/254 của Đại Hội Đồng thông qua ngày 20 tháng 12 năm 2002. Đây là sự tiếp tục các nỗ lực quốc tế được khởi đầu từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 nhằm tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề bức bách của thế giới như: môi trường xuống cấp, các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng dẫn đến bất ổn định trong xã hội … do hậu quả của xu hướng phát triển chỉ thiên về chú trọng tăng trưởng kinh tế; và nhằm tìm kiếm những mô hình, phương thức phù hợp để phát triển lành mạnh, lâu dài và bền vững hơn. Cam kết quốc tế lần này đặt giáo dục vào trung tâm, coi đó vừa là nền tảng, vừa là một phương thức hữu hiệu để triển khai các cam kết phát triển bền vững. Liên Hợp Quốc cũng đã chỉ định UNESCO là cơ quan chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động của Thập kỷ và xây dựng một Kế hoạch triển khai toàn cầu.
Để hưởng ứng Thập kỷ và thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam, ngày 11 tháng 11 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 295/2005/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển bền vững của Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm Chủ tịch. Đây là bằng chứng thể hiện quyết tâm cao của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục vì sự phát triển bền vững và cũng là bước khởi đầu thực hiện cam kết quốc tế của chúng ta về Thập kỷ này. Là cơ quan điều phối cấp quốc gia bao gồm đại diện của các bộ, ngành, các đoàn thể, và có sự tham gia của các nhà khoa học, Ủy ban có nhiệm vụ giúp Chính phủ trong việc định hướng, xây dựng các chính sách, chương trình kế hoạch để thúc đẩy và cải tiến giáo dục cơ bản cũng như tăng cường các hình thức học tập khác theo tiêu chí nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về phát triển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững. Ủy ban cũng là đầu mối để phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức… và là đầu mối hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO trong các hoạt động của Thập kỷ.
Sau lễ ra mắt, Ủy ban Quốc gia Thập kỷ Giáo dục vì Phát triển bền vững của Việt Nam sẽ vạch ra kế hoạch và chương trình hoạt động trung và dài hạn nhằm đạt được các mục tiêu của Thập kỷ, cũng như góp phần thực hiện Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) của Liên Hợp Quốc ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Website Chính phủ sau buổi lễ, ông Chu Shiu Kee, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đánh giá: "Các bộ, các viện, các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam đang đứng trước một cơ hội tuyệt vời được liên kết hoạt động của mình với 3 trụ cột của phát triển bền vững là xã hội, kinh tế, môi trường, áp dụng vào giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy, trong một kỷ nguyên của đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng như Việt Nam".
Dương Liên- BNG