Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ TT&TT ngày 5/7, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 24 vụ sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, phát hiện và xử lý 15 vụ.
Đại diện Bộ TT&TT cũng thừa nhận, việc ngăn chặn tình trạng này chưa thực sự hiệu quả triệt để, các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng.
Theo ông Trần Mạnh Tuấn, các thiết bị của trạm phát sóng giả phát tán tín hiệu đè lên sóng của các nhà mạng, khi đó thuê bao di động kết nối vào trạm phát sóng giả này mà không qua các nhà mạng. Các thiết bị giả có thể thực hiện hàng nghìn tin nhắn trong 1 phút. Đặc biệt, trong nội dung tin nhắn rác thường gắn kèm các link lừa đảo, game độc hại, mạo danh website ngân hàng để lừa đảo…
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này do lỗ hổng bảo mật của mạng 2G. Mạng di động này chỉ yêu cầu xác thực người sử dụng điện thoại nhưng không yêu cầu người sử dụng xác thực nhà mạng. Hiện tại, trên thế giới cũng chưa có giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này.
Cũng theo ông Trần Mạnh Tuấn, các trạm BTS giả này thường được nhập lậu vào Việt Nam, thiết bị rất nhỏ gọn nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện. Các thiết bị này cũng có thể sử dụng được trên các phương tiện cơ động như ô tô và xe máy nên rất thuận tiện để các đối tượng thực hiện hoạt động lừa đảo.
Khi phát triện các trạm BTS giả, Bộ TT&TT đã phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan để ngăn chặn tình trạng này. Cụ thể, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với các thiết bị BTS giả, như không cho phép các thiết bị BTS giả đăng bán, quảng cáo trên các sàn điện tử; phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức công nghệ cần xác thực thông tin và cập nhật liên tục mã định danh của khách hàng khi thực hiện các giao dịch…
Bộ cũng chỉ đạo Sở TT&TT các địa phương tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị BTS giả, tuy nhiên do thiết bị rất nhỏ gọn, hành vi vi phạm lại rất tinh vi nên việc ngăn chặn chưa thực sự hiệu quả.
Trong thời gian gần đây, Bộ đã tìm được giải pháp hữu hiệu, có thể bắt đối tượng sử dụng BTS giả ngay trong quá trình đối tượng đang hoạt động. Cụ thể, khi trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng sẽ biết và khoanh vùng được trạm giả này hoạt động khu vực nào, sau đó, Cục tần số vô tuyến điện sẽ định vị chính xác trạm giả này ở đâu và các cơ quan công an sẽ vây bắt đối tượng vi phạm ngay tại chỗ.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện truy vét, phát hiện và xử lý tình trạng này, đồng thời nghiên cứu đưa ra các giải pháp khác hiệu quả hơn để ngăn chặn.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ TT&TT cho biết, liên quan công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đã đề nghị Facebook chặn, gỡ bỏ hơn 2.468 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỉ lệ 90%).
Ngoài ra, gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, gỡ 54 page quảng cáo, mua bán hóa đơn; Google đã gỡ 5390 videos vi phạm trên Youtube (tỉ lệ 94%), chặn 2 kênh YouTube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (Kênh nóng TV và Chính sự TV); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 407 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỉ lệ 92%), trong đó có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Hiền Minh