Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
2 đạo sắc phong cổ quý hiếm thời Nguyễn tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
Hai đạo sắc được tìm thấy trong phế tích một ngôi đền cổ mà người dân bản địa gọi là đền thờ Đức Thánh Trần ở thôn Hoa Vân Hải, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân.
Hai đạo sắc phong có hình chữ nhật, kích thước 121x50 cm, được làm bằng chất liệu giấy dó mịn, màu vàng đậm. Mặt trước gồm hai phần: Riềm sắc phong rộng 4 cm, trang trí văn triện; mặt sắc phong vẽ hình rồng ẩn trong mây, kết hợp họa tiết hoa văn hình sóng nước, thân rồng uốn lượn, đầu ngẩng chầu chữ "thọ" ở giữa sắc phong, đuôi cuộn trong hướng lên trên; bốn góc sắc phong là 4 ô hình học, mỗi ô vẽ 5 chữ 'thọ' (lối chữ triện), ở giữa ô là hình chim phượng, xung quanh là hoa văn hình học.
Mỗi sắc phong có 9 dòng chữ Hán (lối chữ chân), dấu triện “Sắc mệnh chi bảo” màu đỏ được đóng đè lên thời gian của niên hiệu. Mặt sau của đạo sắc phong cũng gồm 2 phần: Riềm in hoa văn kỷ hà và mặt thân vẽ tứ linh, phía trên mặt thân là hình rồng vờn mây, bên phải là chim phượng, bên trái là kỳ lân, phía dưới là rùa, dưới cùng là hoa văn hình sóng nước.
Trước đó, năm 2014, Bảo tàng Hà Tĩnh cũng phát hiện 4 đạo sắc phong cổ quý hiếm bằng văn tự Hán Nôm thời Nguyễn. Các đạo sắc phong cổ này còn nguyên vẹn và có cùng kích thước, trang trí hoa văn giống nhau, chiều dài 2,1 m, rộng 50 cm. Sắc phong viết bằng chữ Hán cổ trên nền giấy dó với nét chữ mảnh, rõ và sắc nét, giấy màu vàng nghệ, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng, chữ triện, chấm tròn màu trắng, xung quanh được viền bằng các họa tiết hình vạch kẻ song song liền nhau.
Việc phát hiện các đạo sắc phong cổ nói trên là nguồn tư liệu có giá trị quý hiếm nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khai thác và lưu giữ bảo quản lâu dài.