Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III khẳng định, văn hóa ngày càng được đặt ở vị trí quan trọng trong phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là: "...Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Quảng Nam, với ý nghĩa là vùng đất rộng lớn về phương Nam, được biết đến là "đất khoa bảng", "đất địa linh nhân kiệt", "Ngũ Phụng Tề Phi", nơi đã sản sinh ra biết bao nhiêu tài danh, hào kiệt cho đất nước. Quảng Nam - vùng đất, vùng văn hóa có từ rất sớm-trước cả những cuộc di dân của người Việt mà bằng chứng là một Mỹ Sơn kiệt tác kiến trúc nghệ thuật tôn giáo nằm ở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, rồi tiếp tới là dinh trấn Thanh Chiêm của các chúa Nguyễn dẫn đến việc hình thành Hội An phố thương cảng sầm uất nơi cuối nguồn.
Giá trị văn hóa, con người Quảng Nam được hình thành trong điều kiện tự nhiên, địa lý, lịch sử đặc thù và cũng là yếu tố nền tảng cơ bản quyết định sự thành công trong các giai đoạn phát triển của Quảng Nam. Nhận thức về tầm quan trọng của giá trị văn hóa, con người trong lịch sử, tỉnh Quảng Nam luôn có các quyết sách để tiếp tục phát huy giá trị này trong hiện tại và tương lai, thể hiện tư duy lãnh đạo tiên tiến.
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: "khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, bền bỉ của con người Xứ Quảng".
"Giá trị văn hóa, con người Quảng Nam là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương thời gian qua. Xây dựng "tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030" là khát vọng vươn lên từ chính bản lĩnh, ý chí, sức mạnh, tinh thần đoàn kết, đồng lòng của con người xứ Quảng được đúc kết trong suốt hơn 550 năm hình thành và phát triển. Văn hóa, con người Quảng Nam đã làm tốt vai trò: là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển Quảng Nam bền vững", PGS. TS Đoàn Triệu Long phát biểu.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trải qua hơn 550 năm với những bước thăng trầm của lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, địa giới hành chính nhiều lần thay đổi. Xứ Quảng có truyền thống văn hóa lâu đời, được giao thoa, đan xen, kế thừa và hội tụ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm pa, Đại Việt trong tiến trình dân tộc mở cõi về phương Nam.
Từ đặc điểm tự nhiên của vùng đất Quảng Nam, phía Tây là núi cao, phía Đông là biển lớn và trong hình thành, phát triển, cộng cư, giao lưu, tiếp biến văn hóa đã hình thành, hun đúc nên nét đặc trưng trong tính cách con người và làm nên truyền thống văn hóa Quảng Nam đặc sắc trong sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết để lãnh đạo chỉ đạo, dành nguồn lực cho xây dựng văn hóa, con người (giai đoạn từ 2012 - 2023, tổng nguồn ngân sách bố trí cho sự nghiệp phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh khoảng 1.992 tỷ đồng, đầu tư lồng ghép từ nhiều nguồn vốn. Trong lĩnh vực đầu tư công, giai đoạn trung hạn 2016 - 2025, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh đã bố trí cho lĩnh vực văn hóa là 316.065 tỷ đồng).
"Quảng Nam đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; tập trung xây dựng các đơn vị, địa phương đạt danh hiệu cao về văn hóa, sinh thái, du lịch, thành phố sáng tạo; chú trọng việc thiết lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích các cấp; chăm lo tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; không ngừng mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa. Các hoạt động nêu trên đã góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên lĩnh vực văn hóa, con người của tỉnh thời gian qua.
Với tiềm năng, nguồn lực văn hóa đa dạng, phong phú như Quảng Nam, thì việc nhận diện đầy đủ, sâu sắc và phát huy mạnh mẽ, hiệu quả các giá trị văn hóa, con người và chuyển hóa các giá trị này thành nguồn lực to lớn, dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là một trong những yêu cầu nhiệm vụ rất quan trọng và mang tính khoa học", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay.
Tại hội thảo, 53 tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận đã tập trung làm rõ căn cứ, cơ sở khoa học trong việc nhận diện, khẳng định những giá trị đặc trưng cơ bản về văn hóa, con người Quảng Nam; chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, chưa tích cực, hoặc còn băn khoăn, cần lưu ý làm tốt hơn trong thời gian đến trong phát triển văn hóa và nguồn lực con người, cũng như nhận diện một số vấn đề trong hệ giá trị con người xứ Quảng.
Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Nam - nguồn lực rất to lớn và dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh theo định hướng phát triển xanh, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tính đến nay, có 4 di tích quốc gia đặc biệt (di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh; Di tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương); Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; thành phố Hội An là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian; 2 bảo vật quốc gia gồm tượng Ekhamukhalinga tại Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đầu tượng thần Siva tại Bảo tàng tỉnh; 67 di tích quốc gia và 387 di tích cấp tỉnh; 18 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hơn 32.200 hiện vật bảo tàng; 65 lễ hội tiêu biểu; đội ngũ văn nghệ sĩ hơn 230 người và 32 người là nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú)
Thế Phong