Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trung tướng Nguyễn Đôn, cựu du kích Ba Tơ trong vòng tay của các đồng đội. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng ta ra chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã nhận định: Tình hình đã chín muồi, nhất quyết phải tiến hành vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, bắt đầu từ Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, những chiến sĩ cách mạng ở Căng An Trí đã vận động hàng vạn quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa vũ trang. Ðêm 11/3, ta tiến hành chiếm quận lỵ Ba Tơ, sau đó tiến lên bao vây uy hiếp và kêu gọi địch vận, lính khố xanh đầu hàng và ta chiếm đồn Ba Tơ. Sáng 12/3 đồng bào Kinh,Thượng trong khu vực gần Ba Tơ tập hợp ở sân vận động và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.
Với 28 đội viên đầu tiên, do đồng chí Phạm Kiệt làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Đôn làm chính trị viên, Đội du kích Ba Tơ non trẻ đã tuyên thệ dưới cờ đỏ sao vàng: "Hi sinh vì Tổ quốc", hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sau đó, Đội rút vào chiến khu Cao Muôn để xây dựng và phát triển lực lượng.
Là lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên và với kinh nghiệm đấu tranh vũ trang thắng lợi, Đội du kích Ba Tơ đã nhanh chóng phát triển lên đến hàng ngàn đội viên, tham gia vào Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 và trở thành nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang của một số tỉnh miền Nam Trung Bộ đánh Pháp.
Sau khi đội du kích Ba Tơ ra đời, ngày 4/5/1945, Đội Du kích Vũ Hùng ở Quảng Nam cũng được thành lập. Nhiều tỉnh Nam Trung Bộ cũng hình thành các đội tư vệ, đội tự vệ chiến đấu ở các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền. Đây chính là những tổ chức vũ trang tiền thân của LLVT QK 5 sau này.
Ngày 23/9/1945, Pháp gây hấn ở Nam bộ; thực hiện âm mưu nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ vĩ tuyến 16 trở vào. Trước yêu cầu của chiến tranh chống xâm lược ngày càng bức thiết, đòi hỏi phải phát triển lực lượng vũ trang qui mô lớn, ngày 16/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Chiến khu 5 gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; chiến khu 6 gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk lắk, Lâm Viên và Đồng Nai.
Khởi nghĩa Ba Tơ đã mở đầu cho trang sử vẻ vang của lực lượng QK5 và tiến tới cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8 năm 1945.
70 năm tiếp nối hào khí Ba Tơ
Trong thế trận mới hôm nay, thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất, LLVT QK5 tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong xây dựng quân đội cách mạng, góp phần xây dựng kinh tế và xã hội trên địa bàn.
Chính trên mảnh đất Ba Tơ, nơi khai sinh LLVT QK5, ông Phạm Viết Nho, Bí thư huyện ủy Ba Tơ cho biết, tại những địa bàn miền núi nghèo như Ba Tơ, các chiến sĩ quân đội là điểm tựa của nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong chiến đấu, hỗ trợ nhân dân xây dựng kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới, bám dân sát dân giúp dân đẩy lùi đói nghèo, bệnh tật.
Với tinh thần đoàn kết giữa quân-dân, từ một vùng đất nghèo khó, giai đoạn 2011-2015, kinh tế của huyện phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 14%. Tổng giá trị sản xuất tăng dần qua từng năm, đến năm 2015 đạt trên 1.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp từ hơn 73% xuống còn hơn 60%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng từ hơn 14% lên 26%; thương mại, dịch vụ tăng từ 12% lên 13,6%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,7 triệu đồng/người/năm 2011 lên 26 triệu đồng/người/năm 2015.
Còn trên mảnh đất Ninh Thuận, mùa hè vừa qua, nhân dân ở đây phải gánh chịu nạn hạn hán nặng nề nhất trong lịch sử 10 năm qua. Sát cánh cùng người dân khắc phục hạn hán, Bộ Tư lệnh QK 5 đã chỉ đạo Cục hậu cần thành lập tổ lọc nước cung cấp cho bà con. Trong những tháng hạn gay gắt, tổ lọc nước cung cấp cho dân vùng hạn một xe lọc nước, mỗi ngày lọc từ 30-40 m3; 5 xe bồn chở nước; cung cấp cho dân. Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận mua thêm mỗi ngày 80 m3 nước và bố trí 5 xe bồn chở nước tinh khiết về cấp cho dân vùng hạn nặng. Quân khu đã lọc hơn 1.300 m3 nước tinh khiết và mua hơn 3.200 m3 nước cho hơn 12.000 hộ dân ở 4 thôn của 2 xã Phước Dinh và Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân khu cũng trích từ Quỹ cứu trợ thiên tai của Quân khu để mua hơn 3.000 suất quà gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà còn vùng hạn.
Là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động quần chúng, bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm và công sức, cán bộ chiến sĩ toàn quân khu cũng đã tham gia tích cực vào phong trào Ðền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các phong trào “Hũ gạo vì người nghèo”, “Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Một tỉ đồng vì công nhân viên-lao động quốc phòng nghèo”, “xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”… khắc họa hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trung với Đảng, hiếu với dân ngày càng ngời sáng.
Là đội quân chiến đấu, cán bộ chiến sĩ các đơn vị chủ lực luôn chú trọng mục tiêu huấn luyện giỏi, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại. Bao năm qua, các anh chưa một phút để Tổ quốc bị bất ngờ.
Bảy mươi năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lời thề “Hi sinh vì Tổ quốc” của những người du kích Ba Tơ ngày ấy vẫn là ngọn lửa thiêng, rực sáng trong tim bao thế hệ cán bộ chiến sĩ, như một ngọn cờ đào đồng hành trên mỗi chặng đường trưởng thành và lớn mạnh của LLVT QK5.
Minh Trang