• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong ngoại giao kinh tế

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã phát huy vai trò, vị thế của mình để đóng góp vào công tác ngoại giao kinh tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm trong nước.

09/03/2023 21:26
Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong ngoại giao kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về tình hình ngoại giao kinh tế năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về tình hình ngoại giao kinh tế năm 2023 tổ chức tại Trụ sở Chính phủ chiều 9/3, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, các đại sứ đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Để ngoại giao kinh tế đi đúng trọng tâm

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, việc Trung Quốc phục hồi kinh tế trong năm 2023 sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và tiêu dùng toàn cầu. Đối với Việt Nam, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc năm 2023 đã tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước, từng bước khôi phục giao lưu nhân dân.

Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, về du lịch, dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc ra nước ngoài trong năm nay chỉ đạt 40% của năm 2019, hết 2025 mới có thể khôi phục lại. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự thúc đẩy tích cực của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc, cuối tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là đưa Việt Nam vào danh sách các nước triển khai du lịch theo đoàn vào thời gian tới. Đến nay Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thí điểm tổ chức du lịch theo đoàn tới Việt Nam từ ngày 15/3.

"Do vậy, các cơ quan hữu quan và địa phương của Việt Nam cần tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch Trung Quốc", Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh.

Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng nhu cầu tiêu dùng nội địa, chú trọng bảo đảm an ninh thực phẩm, gỡ bỏ rào cản về kiểm dịch COVID, hàng nhập khẩu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ lớn có uy tín của Trung Quốc; vận động Trung Quốc mở rộng cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản như bơ, dừa…

Về đầu tư, Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, cần tích cực thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành địa phương để xử lý những vướng mắc trong hợp tác giữa hai bên, như tạo thuận lợi cho đẩy mạnh hợp tác thương mại hàng hóa và thủ tục đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong ngoại giao kinh tế - Ảnh 2.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, phía Hoa Kỳ đánh giá, sự quan tâm và cơ hội tăng cường đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam là rất lớn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ đầu cầu Hoa Kỳ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng thông tin, năm 2022 mặc dù kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ có nhiều khó khăn, song thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản đạt gần 140 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm mạnh mẽ đến đầu tư trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam.

"Trong hơn 2 tháng qua có nhiều quan chức chính quyền và các tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu và hợp tác đầu tư. Cuối tháng 3 này Hội đồng kinh doanh ASEAN tại Mỹ sẽ đưa một đoàn doanh nghiệp lớn đến Việt Nam và vào tháng 4, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ sẽ sang thăm Việt Nam", Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, phía Hoa Kỳ đánh giá, sự quan tâm và cơ hội tăng cường đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên xu thế này có thể không kéo dài lâu do có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước khác.

Do vậy, ưu tiên của phía Hoa Kỳ về mở rộng địa bàn đầu tư là sự thông suốt, đồng bộ chuỗi cung ứng, điều kiện để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn cao về môi trường, năng lượng sạch… từ phía Mỹ.

Để đẩy mạnh thương mại hai chiều hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững giữa hai nước, nhằm thu hút doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam đáp ứng các điều kiện về xuất khẩu nông thủy sản sang Mỹ.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, hiện nay các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng các thương vụ đang tập trung phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tại hai nước để thúc đẩy một số công việc cụ thể:

Về đa phương, Đại sứ quán tập trung phục vụ các đoàn Việt Nam tham dự APEC năm 2023.

Phối hợp triển khai Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 nhằm tận dụng các tập đoàn phân phối lớn của Mỹ như Walmart, Amazon, Cosco…

Phấn đấu để trung tâm chiếu xạ của Hà Nội đáp ứng các yêu cầu của cơ quan kiểm dịch thực vật của Hoa Kỳ để có thể chiếu xạ cho các sản phẩm nông nghiệp của ta, đặc biệt là quả vải qua đó giảm chi phí xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Đại sứ quán cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến giữa các doanh nghiệp hai nước về công nghiệp bán dẫn vào cuối tháng 3 này. Phía Hoa Kỳ mong Việt Nam sớm thành lập nhóm công tác liên ngành về lĩnh vực này.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cũng mong muốn có nhiều đoàn địa phương, doanh nghiệp, tổ chức tiến hành các hoạt động xúc tiến, tham gia các hội chợ triển lãm, các chương trình khảo sát, nghiên cứu thị trường, tăng cường giao lưu với các đối tác…

Để ngoại giao kinh tế đi đúng trọng tâm, đáp ứng yêu cầu cụ thể ở trong nước, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp giúp định hướng, thường xuyên cung cấp thông tin cụ thể để bạn hàng, đối tác được kết nối lĩnh vực và quy mô đầu tư cần mời gọi, sản phẩm mặt hàng công nghệ cần nhập khẩu…

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong ngoại giao kinh tế - Ảnh 2.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đẩy mạnh thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế mới

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo cũng đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, bên cạnh việc cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin về thị trường, cơ hội kinh doanh, cảnh báo về rào cản trong hợp tác, các cơ quan đại diện cần tham mưu với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nước các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư phù hợp với đặc thù của địa bàn. Sự phối hợp giữa trong và ngoài nước là rất quan trọng.

Đặc biệt, theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, hiện các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc là thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mới, như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, công nghệ sinh học, năng lượng mới, sản xuất chất bán dẫn…

Do đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, các cơ quan đại diện cần nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu để kịp thời kiến nghị về trong nước các lĩnh vực mới để thúc đẩy hợp tác. Ngược lại ở trong nước, nếu thấy những lĩnh vực mới cần đặt hàng các cơ quan đại diện để tìm hiểu nghiên cứu báo cáo Thủ tướng.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, những vấn đề mới thường là vấn đề khó. Do vậy, cơ quan đại diện cùng với các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp xây dựng các chương trình hành động với từng địa bàn, từng lĩnh vực, từng đối tác cụ thể.

Cần có chương trình quảng bá du lịch Việt Nam với quy mô lớn

Để công tác ngoại giao kinh tế đạt hiệu quả cao trong thời gian tới Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần đẩy mạnh kết nối đường hàng không và đường biển giữa Việt Nam và Ấn Độ để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa thúc đẩy phát triển du lịch.

Đặc biệt về thúc đẩy du lịch, mặc dù Việt Nam là địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch Ấn Độ, nhưng nhìn chung Việt Nam là điểm đến tương đối mới. Vì vậy, theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cần có chương trình quảng bá du lịch Việt Nam với quy mô lớn như năm du lịch, tháng du lịch Việt Nam tại Ấn Độ để tạo sức hút hơn.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các địa phương xây dựng các cơ chế ưu đãi cho các đoàn khách lớn để tổ chức các sự kiện, hội nghị, đám cưới… quy mô lớn.

Về thương mại, thương mại kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đã đạt mục tiêu mà hai nước đặt ra là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, con số này mới chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đại sứ đề nghị cần nghiên cứu xem xét khả năng đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam-Ấn Độ. Xây dựng cẩm nang về tiếp cận thị trường Ấn Độ.

Về đầu tư, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết, vốn đầu tư trực tiếp từ Ấn Độ còn khiêm tốn khoảng 1 tỷ USD, tuy nhiên hiện nay có nhiều tập đoàn Ấn Độ có ý định đầu tư lớn vào Việt Nam. Vì vậy, cần khẩn trương hoàn thiện chủ trương đầu tư tổng thể cho các tập đoàn.

Về giáo dục, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải thông tin đây là xu hướng mới, ngày càng có nhiều sinh viên của Ấn Độ sang Việt Nam học tập đặc biệt là lĩnh vực y khoa. Năm 2022 có 100 sinh viên tới Việt Nam, vì vậy Đại sứ mong muốn các ngành, các địa phương, các trường sớm phát huy thế mạnh này để mở rộng tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên Ấn Độ tại Việt Nam.

Diệp Anh