Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham luận tại Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố: đó là lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đại đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu; ý thức độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc; sự năng động, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh của người dân Việt Nam trong quá trình chế ngự thiên nhiên và chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Quá trình đấu tranh gian khổ của dân tộc ta ngày càng bồi đắp lòng yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết bền chặt của cộng đồng dân cư sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Kể từ khi có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta được phát huy ngày càng cao hơn bởi có sự kết hợp nhuần nhuyễn những truyền thống quý báu của dân tộc và sự định hướng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lenin về quy luật phát triển của loài người và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác-Lenin, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sáng kiến thành lập, xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam thành tổ chức nòng cốt phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ 9 tháng sau khi Đảng được thành lập. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử các Đảng Cộng sản và Công nhân trên thế giới trước 1945.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Dân tộc Việt Nam đã ghi dấu ấn trong lịch sử nhân loại: Việt Nam là nước đầu tiên trong các nước thuộc địa của thực dân Pháp trên thế giới tự mình giành lại được độc lập dân tộc. Cũng nhờ sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng mà nhân dân ta đã giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng hơn 85 năm qua. Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
3. Những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh hiện nay. Đó là:
Bài học 1: Nội dung, phương thức phát huy sức mạnh đại đoàn kết phải được thường xuyên hoàn thiện, bổ sung phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển đất nước qua các giai đoạn.
Sau Cách mạng tháng Tám, để ngăn chặn nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi mỗi người hãy đóng góp một nắm gạo, nhịn một bữa ăn để cứu đói. Chính phủ đã tổ chức Tuần lễ vàng để nhân dân, đặc biệt là các doanh nhân, thương gia, nhà tư sản góp vàng vào ngân khố quốc gia. Để hỗ trợ đồng bào các vùng thiên tai, giúp người có hoàn cảnh khó khăn có được những ngày Tết ấm áp hơn, hỗ trợ các hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo, hàng chục năm qua, hình thức quyên góp của các cá nhân, tổ chức và Mặt trận Tổ quốc các cấp được duy trì và phát huy tác dụng tích cực. Đây chính là phương thức “Chung tay” của đại đoàn kết.
Bên cạnh đó, đại đoàn kết toàn dân tộc còn có phương thức nhân dân tự nguyện liên kết, phối hợp trong các nhóm ổn định để tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống ở cơ sở, như: bảo vệ môi trường, gìn giữ trật tự trị an, giữ gìn và phát huy văn hóa các dân tộc, duy tu cầu đường, trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp...Đây là các mô hình tự quản rất đa dạng của nhân dân ở khu dân cư phù hợp với điều kiện địa lý, địa bàn, kinh tế, xã hội, dân tộc và tôn giáo.
Có thể coi đây là phương thức “Cùng làm” của đại đoàn kết vì cuộc sống của nhân dân ở mỗi cộng đồng dân cư. Vận động “Học tập và làm theo các điển hình tiên tiến” cũng là một phương thức “Cùng làm” hiệu quả của đại đoàn kết vì qua đó làm cho cách làm hay, hiệu quả cao của một người, một tập thể trở thành cách làm mới của hàng trăm, hàng ngàn người.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ giám sát theo quy định tại Hiến pháp năm 2013, năm 2014-2015 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với 6 tổ chức là Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và ngành lao động, thương binh và xã hội cả nước tiến hành tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả là đã hoàn thành chương trình tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với hơn 2 triệu người có công trong cả nước, qua đó khẳng định 95,75% người có công đã hưởng đúng và đủ các chính sách, hưởng sai chỉ có 0,09%; đồng thời tạo cơ hội cho hơn 63.000 người làm hồ sơ lần đầu để được xem xét hưởng chính sách người có công.
Nếu chỉ sử dụng hơn 11.100 ủy viên văn xã ở ủy ban nhân dân cấp xã trong cả nước thì không thể hoàn thành được việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở hơn 2 triệu hộ dân. Trong tổng rà soát này, hơn 200.000 tình nguyện viên là cựu chiến binh, là đoàn viên, hội viên 6 tổ chức đã tham gia, dưới sự hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một ví dụ sinh động về phát huy sức mạnh đại đoàn kết thông qua phương thức “Liên kết” giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và cơ quan quản lý nhà nước để làm được những việc tưởng chừng không thể làm được nếu chỉ dựa vào cơ quan nhà nước.
Phát huy 3 phương thức tập hợp nhân dân và các tổ chức để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như trên (Chung tay, Cùng làm, Liên kết), thời gian qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc vận động lớn: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các hoạt động từ thiện nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa. Ba cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành thời gian qua đã góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam chất lượng tốt. Năm 2015, kế thừa các thành quả và kinh nghiệm triển khai 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”, đồng thời để đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và sự phát triển của các đô thị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Nghị quyết về triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, thì phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn phải hướng vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng và sáng tạo khoa học-công nghệ, hội nhập quốc tế thắng lợi. Trên cơ sở các phong trào sáng tạo của thanh niên, nông dân, công nhân, phụ nữ, công chức, viên chức, nhà khoa học, doanh nhân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp để hình thành phong trào "Đoàn kết, sáng tạo và tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế thắng lợi” góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Bài học 2. Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có sứ mạng xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cần không ngừng hoàn thiện cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách, pháp luật về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011, các quyết định 217, 218 năm 2013 của Bộ Chính trị về công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.
Cùng với yếu tố quyết định là sự lãnh đạo của Đảng, đây là những tiền đề rất quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
4. Để phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình phát triển đất nước. Đây là tiền đề bên trong để mỗi người dân hình thành nhu cầu tham gia vào việc xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay, để tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với con đường phát triển của đất nước và sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực đóng góp vào việc tham gia xây dựng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy đầy đủ các lợi thế quốc gia, nhất là lợi thế về con người Việt Nam, tận dụng mọi thời cơ của giai đoạn hội nhập mới và ứng phó chủ động, hiệu quả với các thách thức, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các dân tộc, tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Bốn là, tổ chức có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên làm cho đại đoàn kết trở thành động lực, nguồn lực tinh thần và vật chất to lớn của đất nước để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời kỳ hội nhập mới hiện nay.
Năm là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nguyện làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thực hiện sáng tạo, hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
5. Với niềm tin vào sự đổi mới và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai tươi sáng của đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ra sức vận động các tầng lớp nhân dân tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng cùng Đảng và Nhà nước phát huy tối đa nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, trong đó đặc biệt quan tâm 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm, lắng nghe của các đồng chí đại biểu. Chúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp./.