• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phát huy tối đa sức mạnh nội lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) – Sau 1 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 19/9.

19/09/2023 19:18
Phát huy tối đa sức mạnh nội lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng, là một "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế toàn cầu

Diễn đàn thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương. 

Tại Diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại các phiên toàn thể và phiên thảo luận chuyên đề cùng hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia và nhà khoa học. Đồng thời, có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đại biểu trong và ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau. 

Cần phải "làm mới" các động lực tăng trưởng cũ

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, Diễn đàn đã có sự lan tỏa tích cực. Theo thống kê của Ban Tổ chức, đã có hơn 900.000 lượt người theo dõi và tương tác trên các nền tảng số và Diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện.

Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

"Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa ‘nội lực’, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả ‘ngoại lực’, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là "chìa khóa" để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn hôm nay", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu .

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau đại dịch COVID-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn. Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng đã đưa Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một "điểm sáng" trong "bức tranh màu xám" của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn.

Vì vậy, các ý kiến tại Diễn đàn thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải "làm mới" các động lực tăng trưởng cũ. Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, Diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Các ý kiến tại Diễn đàn đều nhất trí rằng việc tập trung, nỗ lực giải quyết các vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn của nền kinh tế luôn cần phải kiên định và đặt trong bối cảnh các mục tiêu dài hạn; vừa phải phát huy ý chí tự cường, năng lực "nội tại" của nền kinh tế, vừa tranh thủ khai thác và phát huy ngoại lực, tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Các đại biểu cho rằng cùng với bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế việc vận dụng hiệu quả các yếu tố "ngoại lực" và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.

Tư liệu quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước

Chủ tịch Quốc hội cho hay, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối. Phối hợp chính sách hiệu quả đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước. 

Về vận dụng, khai thác hiệu quả "ngoại lực", các ý kiến tại Diễn đàn đề xuất cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước. Cần tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu. Khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư. 

Về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào các động lực chủ yếu về thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Các đại biểu cũng đề cập nhiều đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh và khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững. 

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận thông điệp phát huy nội lực, năng lực nội sinh, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới được đưa ra rất mạnh mẽ tại Diễn đàn lần này. Khẳng định, những thông tin quý, hữu ích của Diễn đàn với những giải pháp, kiến nghị rất rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có Báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới. 

Nguyễn Hoàng