Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hội thảo cần làm rõ sự cần thiết, vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp trong trong thực hiện các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua; tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, trong những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những tiến bộ vượt bậc về cơ sở hạ tầng, năng lực tiếp cận các dịch vụ xã hội, thu nhập, sản xuất và đời sống... tỉ lệ hộ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống còn 25,05%.
Tuy nhiên, đây vẫn là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị là 49,51%, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ nghèo chung toàn tỉnh 19,44%. Khả năng phát triển bằng nội lực của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; một số tệ nạn mới, nhất là ma túy có xu hướng diễn biến phức tạp trong cộng đồng.
Tỉnh Quảng Trị nhận thức rõ rằng, đây là chương trình lớn của quốc gia, là động lực quan trọng để vừa khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần gắn với giải quyết các vấn đề cả về cấp bách lẫn lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng miền núi.
Tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung về cơ chế, chính sách, nguồn lực và con người để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, chương trình lần đầu triển khai thực hiện, có nhiều nội dung phức tạp, một số văn bản của bộ, ngành Trung ương chưa đầy đủ... nên việc triển khai còn nhiều khó khăn, lúng túng.
Hội thảo đã nghe các ý kiến tham luận trực tiếp và 8 tham luận bằng văn bản đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như chia sẻ kết quả công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi thời gian qua, nhất là quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, đại biểu các địa phương đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế nhưcác chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai còn thiếu đồng bộ; bố trí vốn chậm; cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hợp lý; hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và phát huy vai trò giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế và thiếu thường xuyên…
Thông qua hội thảo giúp cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thêm kết quả từ thực tiễn để tiếp tục bổ sung, xây dựng nội dung, phương hướng phù hợp hơn trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội đối với hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian tới.
Minh Trang