Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được Bộ NN&PTNT phối hợp các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh).
Bước đầu, kết quả từ các mô hình thí điểm này đã mang lại hiệu quả cao, tăng lợi nhuận cho nông dân và giảm phát thải trong sản xuất lúa.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền đang cho thấy nhiều tín hiệu tốt. Ông Tùng nhìn nhận: "Trên thực tế lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao. Việt Nam đang ở mức phát thải 0,9%, tức là cao hơn các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan..."
Với việc sản xuất còn thiếu sự đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Để mở rộng diện tích thực hiện đề án, theo ông Lê Thanh Tùng, đòi hỏi các địa phương tham gia cần thống nhất thực hiện đúng quy trình canh tác đã được các địa phương, nông dân áp dụng triển khai 7 mô hình thí điểm vừa qua và sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, định hướng tiêu thụ lúa gạo.
Mô hình liên kết là chìa khóa để đạt được các tiêu chí, nâng được giá trị, thương hiệu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mô hình liên kết sẽ là động lực, kết nối các thành tố tham gia đề án. "Việc nhân rộng diện tích canh tác lúa tham gia đề án cũng phải đi theo lộ trình, cần phải tính toán dựa trên năng lực, tài chính hợp tác xã, doanh nghiệp. Phân vùng doanh nghiệp đảm nhận từng cụm nhỏ, để doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng lúa, gạo ổn định và định hình thương hiệu cho doanh nghiệp," ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), phần lớn các tỉnh hiện đang dựa vào định lượng cơ bản chứ chưa có cơ sở dữ liệu chính xác dẫn đến chưa tối ưu hóa được chi phí đầu tư. Vì vậy, các trường đại học và viện nghiên cứu cần tham gia mạnh mẽ hơn vào Đề án để cùng xây dựng bộ dữ liệu hoàn chỉnh.
Ngoài ra, công nghệ và thực hành phải phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình và kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng của ngân hàng để vay vốn thuận lợi.
"Chỉ cần có khoa học kỹ thuật phù hợp thì canh tác lúa sẽ phát triển nhanh chóng. Trọng tâm là đào tạo và chuyển giao công nghệ, đây là chìa khóa mở ra các cánh cửa khi thực hiện đề án", Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng khẳng định.
Ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nhìn nhận việc phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Việc gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.
Hiện tại, một HTX trung bình ở ĐBSCL chỉ có khoảng 80 thành viên, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 200 thành viên của cả nước và con số 1.500 thành viên tại Thái Lan. Ông Hải đề xuất rằng việc xây dựng các HTX vừa (50-100 thành viên) không chỉ phù hợp với yêu cầu của Luật HTX 2023 mà còn giúp nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Khi HTX trở thành các tổ chức vững mạnh, có khả năng quản lý hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng sẽ phát huy vai trò cốt lõi trong nền kinh tế nông thôn hiện đại. Cần có những HTX đủ mạnh để phát triển chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao đời sống thành viên và cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đội ngũ quản lý HTX cần được đào tạo chuyên sâu để cải thiện khả năng điều hành thông qua các chương trình tuyên truyền, đào tạo để họ hiểu rõ lợi ích khi gia nhập HTX, từ đó cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hơn cho thành viên và doanh nghiệp liên kết. Trường hợp của HTX Tân Hưng, Phú Thạnh và Bình Thành là các mô hình tiêu biểu trong việc tổ chức tốt các dịch vụ như thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và vận chuyển lúa, đại diện và đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước và các tổ chức tài chính cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. Việc hỗ trợ vốn, giảm lãi suất và các chính sách ưu đãi khác sẽ khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với HTX để mở rộng quy mô sản xuất. Đơn cử, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tham mưu để có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các HTX, nông dân ở vùng Đề án.
Theo ông Trần Minh Hải, để thúc đẩy phát triển HTX, cần xây dựng các HTX đủ mạnh và bản lĩnh, có khả năng thực hiện việc mua chung, bán chung với doanh nghiệp và tổ chức sản xuất.
TS Trần Minh Hải cũng đề xuất rằng các ngân hàng nên linh hoạt trong việc giải ngân, có thể cho vay thông qua doanh nghiệp liên kết hoặc các tổ chức trung gian đại diện cho nông dân. Đây là hình thức thế chấp theo chuỗi, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.
Ngoài ra, công nghệ và thực hành phải phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình và kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng của ngân hàng để vay vốn thuận lợi.
Đỗ Hương