• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phát huy vai trò, sứ mệnh mới của Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(Chinhphu.vn) - Nhân dịp Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ nhất, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có bài viết "Phát huy vai trò, sứ mệnh mới của Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

15/07/2025 10:48
Phát huy vai trò, sứ mệnh mới của Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc- Ảnh 1.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ngoại giao lần thứ nhất vào tháng 3/1957 - Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền". Thực tiễn lịch sử 95 năm qua đã khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng là nhân tố then chốt bảo đảm thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn Cách mạng mới". Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhận thức đó vừa là mệnh lệnh từ trái tim, vừa là phương châm hành động trong chặng đường đã qua cũng như hành trình phía trước.

Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ nhất diễn ra vào thời điểm lịch sử. Năm 2025 là dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc và cũng là kiến trúc sư của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Năm 2025 cũng là dịp kỷ niệm 80 năm lập nước và 80 năm thành lập ngành ngoại giao. Với ý nghĩa đó, Đại hội sẽ tổng kết nhiệm kỳ vừa qua và đề ra nhiều định hướng quan trọng không chỉ cho nhiệm kỳ tới mà còn tạo tiền đề cho nhiều năm tới.

Phát huy vai trò, sứ mệnh mới của Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc- Ảnh 2.

Tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao về triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát triển ngành ngoại giao - Ảnh: TTXVN

Nhìn lại giai đoạn 2020-2025, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên Đảng bộ Bộ Ngoại giao thực hiện hợp nhất với Đảng bộ Ngoài nước, đồng thời hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương và tiếp nhận một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao, ngành ngoại giao đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Xây dựng Đảng là then chốt

Đảng ủy Bộ kịp thời tham mưu cho Trung ương ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ các đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài và công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước, tạo ra chuyển biến lớn trong công tác quản lý đảng viên.

Đảng ủy Bộ và Ban cán sự đảng luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan công tác bảo vệ chính trị nội bộ đến các tổ chức đảng và đảng viên ở trong nước và nước ngoài.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được chú trọng; phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương và cụ thể hóa thành các kết luận, nghị quyết, chỉ thị… để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo của Bộ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng ngành ngoại giao.

Công tác kiểm tra, giám sát luôn được chú trọng, phân định rõ việc kiểm tra của cấp ủy là kiểm tra việc chấp hành theo Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng và kiểm tra theo chuyên đề; kiểm tra của ủy ban kiểm tra các cấp theo dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và của đảng viên; kịp thời tham mưu trình Ban Bí thư ban hành Quy định số 141-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên ở nước ngoài, góp phần đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Công tác dân vận trong Đảng bộ đã có nhiều chuyển biến quan trọng, chú trọng quán triệt và nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức và người lao động trong thực thi công vụ; quán triệt, triển khai hiệu quả Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Phát huy vai trò, sứ mệnh mới của Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị

Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban cán sự đảng đã phối hợp Đảng ủy Bộ lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng bằng nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và đề án quan trọng.

Trong tổ chức triển khai, Ban cán sự Đảng đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Bộ lãnh đạo, chỉ đạo sát sao toàn ngành ngoại giao phát huy vai trò tiên phong, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Đặc biệt, từ sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Ngoại giao với tư cách cơ quan đầu mối chuyên trách duy nhất tham mưu cho Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược, tổ chức triển khai và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột; không để gián đoạn công việc, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Đảng với nội dung, hình thức, cách làm mới, đạt bước tiến về chất.

Nhìn lại công tác nhiệm kỳ 2020-2025, có thể thấy các thành tựu nổi bật là:

Thứ nhất, Đảng ủy Bộ Ngoại giao đã tích cực góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá bằng chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy được phát huy, tính chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao; dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được đề cao.

Thứ hai, luôn chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều sáng tạo về nội dung và phương thức đã chủ động tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các văn bản về công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý đảng viên và công tác kiểm tra, giám sát ở nước ngoài.

Thứ ba, đã tham mưu chiến lược và tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột. Nhờ đó, công tác đối ngoại được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là "đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua"[1].

Thứ tư, chất lượng công tác xây dựng ngành không ngừng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, toàn diện. Ngành ngoại giao thực sự đã gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả.

Có thể thấy bài học thành công là nhờ Đảng ủy Bộ, các cấp ủy trong và ngoài nước luôn xác định công tác xây dựng Đảng về chính trị là then chốt, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, kiên định các nguyên tắc của Đảng, bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, Đảng ủy Bộ Ngoại giao cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số bất cập, hạn chế: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các quy định về sinh hoạt đảng, kiểm tra, giám sát ở ngoài nước có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả. Việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết còn chưa thật sự như mong muốn, chưa khai thác hết tiềm năng trong quan hệ với các đối tác.

Kỷ nguyên mới, quyết tâm mới

Thời gian tới, bối cảnh mới và trọng trách mới sẽ đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho toàn ngành ngoại giao. Ở trong nước, sau gần 40 năm Đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được nâng lên, song khó khăn, thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa vẫn hiện hữu.

Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030 xác định phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, phát huy vai trò trọng yếu, thường xuyên của đối ngoại và hội nhập quốc tế trong việc tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ tối đa các nguồn lực và các điều kiện thuận lợi bên ngoài để phục vụ các mục tiêu chiến lược của đất nước; khẳng định vai trò của đối ngoại và hội nhập quốc tế là một động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy vai trò, sứ mệnh mới của Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045. Ảnh: VGP/Hải Minh

Hai là, đưa quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, khu vực, nước lớn, đối tác quan trọng, nhiều tiềm năng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững lâu dài; tăng đan xen lợi ích chiến lược với các đối tác; triển khai việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác một cách hiệu quả, thực chất, đúng chủ trương và lộ trình.

Ba là, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045. Tập trung khai thác tối đa, phát huy lợi thế so sánh của ngoại giao trong triển khai đồng bộ, hiệu quả "Bộ tứ trụ cột" và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị quan trọng khác của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị trong kỷ nguyên mới.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; duy trì và phát triển đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển đất nước.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương, sẵn sàng phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải phù hợp khả năng, điều kiện cụ thể và lợi ích của đất nước; chủ động, tích cực tham gia xây dựng trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng, dựa trên luật pháp quốc tế; triển khai tốt các trọng trách đa phương lớn, nhất là APEC năm 2027 và Chủ tịch ASEAN năm 2029.

Sáu là, triển khai kịp thời, hiệu quả các lĩnh vực quan trọng của công tác đối ngoại như công tác người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, bảo hộ công dân và đối ngoại ở địa phương. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về đối ngoại.

Bảy là, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại ở Trung ương và địa phương, giữa quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và đối ngoại để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tiếp tục coi trọng việc rà soát, đôn đốc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Tám là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và của Bộ Ngoại giao. Tăng cường quản lý đảng viên ở nước ngoài và công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao "vừa hồng, vừa chuyên", có bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ của kỷ nguyên mới.

Hướng tới các cột mốc lịch sử kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 80 năm thành lập ngành ngoại giao, toàn thể cán bộ, đảng viên Bộ Ngoại giao quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao lần thứ nhất, giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, triển khai thắng lợi mọi nhiệm vụ đối ngoại được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

_______

[1] Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 (Hà Nội, ngày 19/12/2023).