Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 7/3, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng CAND năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2022, thiên tai đã gây ra tổn thất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống và sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Bộ Công an đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự, qua đó phát huy vai trò nòng cốt, xung kích tuyến đầu của lực lượng CAND trong công tác phòng chống thiên tai.
Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong năm qua, lực lượng Công an đã trực tiếp hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người và cứu được gần 2.200 người bị mắc kẹt, tổ chức di chuyển tài sản và cứu được tài sản trị giá trên 534 tỷ đồng trong các vụ cháy nổ, tai nạn, sự cố…
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ công an các địa phương đã huy động gần 90.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, xuất hơn 14.000 lượt phương tiện, ứng cứu hơn 4.000 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
Hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người, cứu được hơn 2.000 người mắc kẹt, tìm được hơn 800 thi thể người bị tai nạn...
Theo Bộ Công an, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... của lực lượng CAND còn một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế như: Kinh phí, công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phương tiện, vật tư, trang thiết bị dự phòng phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế.
Khi có tình huống thiên tai bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, cần tổ chức cứu nạn, cứu hộ với quy mô lớn hoặc yêu cầu nghiệp vụ chuyên sâu thì lực lượng, phương tiện tại chỗ của công an các địa phương, khả năng đáp ứng còn hạn chế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, dự báo thời gian tới tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị lực lượng Công an cả nước tiếp tục chủ động cụ thể hóa, thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự.
Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên; luôn chủ động các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện đảm bảo để sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Lực lượng Công an cần chủ động xây dựng và kịp thời triển khai các phương án, huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng CAND trên mặt trận phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ… bảo đảm an toàn cho nhân dân khi không may xảy ra sự cố, thiên tai.
Nhật Nam