Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đạt tỉ lệ bao phủ 79%
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 6/2016, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 72,81 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 79% dân số. Từ chỗ năm 2015, cả nước có 4 địa phương có tỉ lệ bao phủ dưới 65% dân số thì đến tháng 6/201,6 chỉ còn 1 địa phương có tỉ lệ bao phủ dưới 65% (Bạc Liêu).
Nhóm đối tượng tham gia BHYT đều có sự gia tăng về số lượng, nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) là nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng có tỉ lệ bao phủ tăng đáng kể (hiện tại khoảng 90%), do hầu hết các địa phương đã hỗ trợ 30% kinh phí.
Quyền lợi của người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách BHYT vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để bảo đảm phát triển bền vững, bao gồm cả tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, thu - chi quỹ BHYT và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT...
Hiện vẫn còn khoảng 20%, tương đương với gần 20 triệu người dân chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu vào đối tượng người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chưa được khắc phục triệt để; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT chưa tạo được sự yên tâm với người có thẻ, đặc biệt là tại tuyến cơ sở...
Cần giải pháp phát triển bền vững
Nhiều đại biểu cho cho rằng cần nâng cao giải pháp phát triển BHYT theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Các giải pháp thời gian tới cần tập trung triển khai như: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia; nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHYT và tự giác tham gia.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT, từng bước mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người yếu thế, lao động trong khu vực phi chính thức, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi.
Mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Cần có các giải pháp để minh bạch, công khai và quản lý các hoạt động khám chữa bệnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ...
Lưu Hương