Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Chăn nuôi bò sữa ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) - Ảnh: Báo Nghệ An |
Hiện việc chăn nuôi bò tập trung nhiều ở các huyện: Thanh Chương (gần 47.000 con), Tương Dương (gần 33.000 con), Kỳ Sơn ( 29.000 con)…
Tỉnh Nghệ An chủ trương tiếp tục thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, bò sữa gắn liền với chế biến sữa công nghiệp nhằm giải quyết việc làm, khai thác tiềm năng vùng và tăng thu ngân sách.
Cụ thể, đến năm 2015, sẽ phát triển đàn trâu trong vùng từ 223.500 con hiện nay lên 253.000 con, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng khoảng 4.730 tấn/năm, tăng bình quân hàng năm1,9%; đàn bò từ 244.310 con hiện nay, lên 437.000 con vào cuối giai đoạn và để đạt sản lượng thịt bò hơi khoảng 10.660 tấn/năm (tăng bình quân hàng năm 4%).
Đồng thời, tiếp tục quy hoạch hợp lý vùng đồng cỏ, vùng ngô và các loại thức ăn khác cho bò nhốt, bò sữa.
Để phát triển đàn trâu bò, tỉnh đã áp dụng chính sách hỗ trợ để phát triển tổng đàn, chuồng trại. Bắt đầu từ năm 2012, tỉnh Nghệ An áp dụng chính sách: Cấp 100% chi phí tinh trâu, tinh bò sữa, tinh bò giống hướng thịt, vật tư phối giống và hỗ trợ 50.000 đồng/con cho đàn trâu bò chửa; Hỗ trợ 60% giá trị trâu đực giống ngoại vùng, bò đực lai hướng thịt để phối giống trực tiếp cho trâu cái, nhất là các huyện miền núi không có điều kiện phối giống nhân tạo.
Riêng các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong được hỗ trợ 80% giá trị trâu đực ngoại vùng, bò đực giống hướng thịt.
Ngoài ra, để khuyến khích phát triển tổng đàn, tỉnh Nghệ An tạo điều kiện cho nông dân vay vốn 4 triệu đồng/con và hỗ trợ lãi suất 12 tháng, để mua trâu bò hàng hóa.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ công tác thú y, thuốc tiêm phòng dịch. Cụ thể, đã cấp 100% các loại vắc xin phòng bệnh gia súc đối với các xã miền núi trong khu vực III và khu vực II.
Riêng về bò sữa, ưu tiên vùng đất tốt nhất, vùng đất đỏ bazan, trên 7.000 ha, để phát triển đồng cỏ bảo đảm nguồn thức ăn tươi cho đàn bò và thực hiện nhiều chính sách ưu tiên khác.
Giang Ngọc
(Nguồn: Báo Nghệ An)