Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực điều dưỡng, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, điều dưỡng đóng vai trò thiết yếu trong việc chăm sóc, điều trị và hỗ trợ bệnh nhân, đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn phải có tình yêu thương, sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao cả.
Trong những năm qua, ngành điều dưỡng đạt dược nhiều thành tựu đáng tự hào. Các trường đào tạo điều dưỡng không ngừng tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục, cập nhật chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu thực tế. Lực lượng điều dưỡng viên thể hiện sự chuyên nghiệp, kiên trì và trách nhiệm trong công việc, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Tuy nhiên, ngành điều dưỡng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao do sự gia tăng dân số và tuổi thọ trung bình. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ y tế đòi hỏi điều dưỡng viên phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng.
Để đáp ứng những thách thức, xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không chỉ về y thuật mà còn cả y đức. Công nghệ y tế và phương pháp điều trị luôn thay đổi, do đó việc học tập không ngừng là cần thiết để đảm bảo điều dưỡng viên luôn cập nhật kiến thức mới nhất.
"Chúng ta cần chú trọng đổi mới chương trình đào tạo điều dưỡng theo hướng hiện đại, sát thực tiễn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, trau dồi y đức, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử hướng tới sự hài lòng hơn nữa của người bệnh, đặc biệt là đối tượng điều dưỡng trẻ, tạo điều kiện cho họ phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực hành. Quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm là mục tiêu xuyên suốt của nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Điều này đòi hỏi điều dưỡng viên không chỉ chăm sóc về mặt thể chất mà còn phải quan tâm đến tâm lý, xã hội và tinh thần của người bệnh. Sự chăm sóc toàn diện này giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và thực hành điều dưỡng cũng là một xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi.
Với lực lượng chiếm trên một nửa tổng số công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam với 150.000 điều dưỡng, hộ sinh, đây là một lực lượng đông đảo, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến không chỉ chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn cả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Với sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành và sự hỗ trợ từ các cấp, ngành điều dưỡng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và công tác điều dưỡng nói riêng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức đa dạng, đòi hỏi người điều dưỡng phải thích ứng với xu hướng mới của thời đại, năng động hơn, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn để cung cấp chất lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh ngang tầm khu vực và thế giới.
Nhật Anh