Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những định hướng trong phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh đến yếu tố các sản phẩm du lịch phải bảo đảm được môi trường tự nhiên, gìn giữ và phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa, mang lại phúc lợi cho người dân địa phương.
Theo ông việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đóng vai trò như thế nào trong thời điểm hiện nay, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Năm Du lịch quốc gia-Quảng Nam 2022 với chủ đề "Điểm đến du lịch xanh" là thông điệp lan tỏa cho toàn ngành du lịch, để thế giới biết đến Việt Nam về hình ảnh du lịch bền vững, du lịch xanh.
Du lịch xanh, du lịch bền vững hướng tới thiên nhiên, bảo đảm an toàn sức khỏe, du lịch cho mọi người để không một ai bị bỏ lại phía sau. Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch dựa vào văn hóa và môi trường … là nền tảng cho du lịch Việt Nam.
Thông điệp xanh năm 2022 thể hiện rõ nội hàm của du lịch bền vững, dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam, cũng như coi trọng yếu tố cân đối giữa văn hóa, xã hội, môi trường. Chúng ta không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá mà phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.
Trong ngành du lịch, những sản phẩm du lịch xanh phát huy được thế mạnh yếu tố văn hóa bản địa, mang lại phúc lợi cho người dân. Ở đâu có du lịch, ở đó diện mạo văn minh đô thị nông thôn, hạnh phúc của người dân được bảo đảm. Du lịch mang lại thông điệp hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân ở điểm đến với du khách.
Du lịch xanh còn thể hiện ở điểm người dân được coi trọng, văn hóa bản địa được tôn trọng. Đó là nền tảng vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Nói đến du lịch xanh là cộng đồng địa phương được bảo vệ, được tôn trọng và những hoạt động tương tác giữa người dân với du khách, các hoạt động chia sẻ về kinh tế giữa doanh nghiệp và người dân được bảo đảm. Làm sao doanh nghiệp đưa khách đến địa phương sẽ để lại sự phát triển, sự ấm no, thu nhập, việc làm cho người dân bản địa.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng yếu tố xanh hóa, số hóa, hòa bình và phát triển. Chính du lịch là đại sứ cho hòa bình, đại sứ cho sự lan tỏa phát triển. Du lịch bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa vùng miền, các ngành lĩnh vực, cân đối hài hòa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới hòa bình, hữu nghị.
Du lịch xanh không dễ dàng để thực hiện nhất là ở các địa phương vẫn có sự đối lập giữa bảo tồn và phát triển du lịch.Ông đánh giá như thế nào vấn đề này, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Nói đến màu xanh chúng ta thường nghĩ đến môi trường tự nhiên nhưng màu xanh thực sự trong du lịch được hiểu là sức sống, sự bền bỉ sống mãi qua thời gian. Sức sống này đương nhiên là cả về môi trường tự nhiên nhưng trong du lịch sức sống này bao gồm cả môi trường xã hội, văn hóa.
Có thể gói gọn du lịch xanh mang lại cho cuộc sống của chính chúng ta và cuộc sống của người dân điểm đến ngày càng tốt hơn. Chúng ta phải bảo vệ và gìn giữ những giá trị về thiên nhiên, văn hóa về phẩm hạnh con người, những giá trị chúng ta trải nghiệm khi đi du lịch được trường tồn mãi mãi, được nuôi dưỡng, được phát triển.
Ví dụ như việc bảo vệ môi trường phải là đầu tiên, trong đó môi trường sinh thái, môi trường sinh hoạt phải bảo đảm sạch. Tiếp đến, văn hóa bản địa phải được tôn trọng, nuôi dưỡng, phát triển. Người dân phải được thụ hưởng những giá trị và thành quả của du lịch mang lại thông qua việc cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, được hiểu biết mở mang thông qua giao lưu giữa người dân với khách.
Các giá trị về thiên nhiên, văn hóa, du khách được trải nghiệm đầy đủ, đúng và sâu sắc. Khách đến với điểm đến được trải nghiệm, thẩm thấu những giá trị về văn hóa, cuộc sống của người dân ở điểm đến cùng với môi trường sinh thái trong sạch đó mới là trải nghiệm tốt.
Nhìn ở góc độ du lịch xanh mang tính chất rộng là như vậy vì du lịch cuối cùng cũng là phục vụ cho cuộc sống của con người, cuộc sống của người dân điểm đến được nâng lên, bền vững; khách du lịch đến trải nghiệm ngày càng tốt lên. Hai điều đó làm cho chất lượng cuộc sống, chất lượng du lịch được bảo đảm và có giá trị cao nhất, được gìn giữ duy trì cho thế hệ mai sau để khách sau này đến cũng được thụ hưởng những giá trị tốt hơn bây giờ.
Theo ông, các doanh nghiệp du lịch, các tập đoàn đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng đã chú trọng đến du lịch xanh hay chưa?
Trong giai đoạn trước đây du lịch có sự tăng trưởng nhanh, nhất là giai đoạn từ năm 2015-2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng 22,7%/năm. Du lịch nội địa cũng tăng mạnh, rất nhiều điểm du lịch có sự tăng trưởng nóng. Ở đâu đó có nhiều công trình, dự án chưa đánh giá hết được tác động môi trường, thiên nhiên, văn hóa.
Sau đại dịch COVID-19, chúng ta có đánh giá, nhìn nhận lại, cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, đánh giá hiệu quả của dự án. Trong đó, nổi lên một xu hướng là những tập đoàn lớn, dự án lớn đã coi trọng hơn những vấn đề môi trường, coi trọng hơn yếu tố bền vững, yếu tố xanh trong du lịch. Đó là yếu tố sống còn, được nhận thức thấu đáo từ trên xuống dưới, nếu không gìn giữ môi trường, không phát triển bền vững, không phát triển du lịch xanh thì sẽ sớm suy thoái, chết yểu.
Vì vậy những nhà đầu tư lớn, dự án lớn đã đi tiên phong trong du lịch xanh và bền vững này. Từ sự tiên phong của các tập đoàn lớn, các dự án lớn sẽ tạo ra xu hướng, làn sóng để toàn ngành kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ đi theo xu hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, coi chất lượng môi trường, chất lượng điểm đến làm tiêu chí sống còn tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến.
Muốn điểm đến trở thành điểm đáng đến, đáng sống hay không chính là chất lượng của môi trường, chất lượng cuộc sống, sự ứng xử của khách du lịch, điểm đến với môi trường xung quanh. Những chỉ số xanh tạo nên niềm tin, sức hấp dẫn trở thành tài nguyên vô hình thu hút khách, trở thành nơi đáng đến, đáng để trải nghiệm, đáng để đầu tư và là nơi đáng sống. Xu hướng và tư duy đó đang thay đổi làm cho những điểm đến du lịch sau COVID-19 xanh hơn, cải thiện nhiều hơn so với trước đây.
Trên thế giới đã có nhiều bài học điển hình về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh thành công có, thất bại có. Vậy Việt Nam làm thế nào để tránh đi vào vết xe đổ của sự thất bại về phát triển du lịch xanh, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Không có bài học nào là tuyệt đối, chúng ta có thể tham khảo những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, phát triển du lịch xanh ở góc độ tiêu chí về môi trường thôi chưa đủ, mà phải coi trọng ở góc độ văn hóa, phải mang lại sự phồn thịnh cho người dân ở điểm đến, tránh trường hợp trở thành ốc đảo dành riêng cho những người giàu bởi sự xa hoa, tráng lệ, ngược lại người dân vẫn khổ cực.
Sự xanh đó không có ý nghĩa nhiều cho điểm đến, xanh phải thực sự cho người dân. Đó là sự phát triển bền vững, mang lại hài hòa, phồn vinh cho điểm đến. Muốn phát triển du lịch cuối cùng là để mang lại hạnh phúc cho người dân. Nếu chỉ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp mà người dân không được hưởng nhiều thì sẽ dẫn đến sự không bền vững, dẫn đến xung đột, bất đồng giữa doanh nghiệp và người dân.
Chúng ta khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, khuyến khích hành vi không làm phương hại đến môi trường và văn hóa bản địa, khuyến khích sản phẩm du lịch, chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Chúng ta cổ vũ, khen thưởng những hành vi, những chương trình du lịch mang lại giá trị cho người dân bảo vệ môi trường. Lên án những dự án phát triển nóng theo du lịch đại chúng không quan tâm đến bảo vệ môi trường, những hoạt động du lịch xô bồ, ồ ạt. Vinh danh những hoạt động là biểu tượng cho những giá trị bền vững về môi trường, sinh thái, văn hóa. Các cơ quan quản lý hướng tới phát triển du lịch xanh. Không cổ vũ những dự án tác động không tốt với môi trường, trong thẩm định cân nhắc những giá trị về tác động môi trường sinh thái, văn hóa.
Diệp Anh (thực hiện)