• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội

(Chinhphu.vn) - Phát triển các Khu công nghiệp thông minh và bền vững chính là hành động để hướng đến mục tiêu Net-zero Carbon thông qua các hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và phát triển các không gian xanh của Khu công nghiệp.

21/12/2024 17:05
Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Toàn - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công Nghiệp Việt Nam. Ảnh: VGP

Mô hình khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Toàn - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công Nghiệp Việt Nam cho biết, việc triển khai các khu công nghiệp sinh thái bắt đầu từ những năm 1980 tại Đan Mạch và cuối những năm 1990 tại Trung Quốc, đã đóng góp đáng kể vào việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường. Các quốc gia như: Đan Mạch, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc… là những quốc gia tiêu biểu cho công cuộc xanh hóa công nghiệp.

Đáp ứng các tiêu chí của KCN xanh, thông minh, bền vững

Tại Việt Nam, hiện cả nước có hơn 400 khu công nghiệp và mục tiêu đặt ra là tăng lên 600 vào năm 2030. Ông Nguyễn Chí Toàn cho rằng, trong bối cảnh mới việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) ... việc chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái là hướng phát triển tất yếu.

Hiện nay, các đầu tư mới phần lớn đều có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh, thông minh và phát triển bền vững. Nhu cầu của các nhà đầu tư đều đòi hỏi đạt tiêu chuẩn hạ tầng, môi trường để đạt tiêu chí sinh thái và phát triển xanh.

Theo ông Nguyễn Chí Toàn, các tiêu chí chính của một KCN xanh và bền vững tại Việt Nam bao gồm các tiêu chí về môi trường như: Giảm thiểu khí thải, quản lý chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học, tiết kiệm tài nguyên.

Trong đó, đối với tiêu chí giảm thiểu khí thải cần xây dựng các công trình hạ tầng, cung cấp và sử dụng năng lượng tái tạo trong hệ thống vận hành KCN; sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió; ứng dụng công nghệ xử lý khí thải hiện đại, trung tâm dự trữ năng lượng; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Về quản lý chất thải cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại đạt tiêu chí xanh; tái chế và tái sử dụng tối đa chất thải; xây dựng hệ thống phân loại rác thải tại nguồn

Về bảo vệ đa dạng sinh học cần đảm bảo tỉ lệ tối thiểu không gian xanh; bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên; hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Đồng thời, cần lập chương trình giám sát việc giảm khí thải khí nhà kính; lập kế hoạch ứng phó và xử lý sự cố môi trường; công khai thông tin và báo cáo về môi trường

Việc sử dụng nước tiết kiệm: Tái sử dụng nước thải sau xử lý; có mạng lưới thu gom và sử dụng nước mưa; ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng

Bên cạnh các tiêu chí trên thì tiêu chí về hạ tầng xã hội như: Cải thiện điều kiện làm việc trong đó đảm bảo an toàn lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện; đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động có vai trò quan trọng trong việc hướng đến xây dựng KCN xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng địa phương như tạo cơ hội việc làm; xây dựng, đầu tư các dự án giáo dục và y tế tại chỗ đủ cung cấp dịch vụ cho toàn bộ yêu cầu trong KCN.

Lựa chọn các ngành nghề mang yếu tố xanh, bền vững

Ông Nguyễn Chí Toàn nhấn mạnh đến những tiêu chí về kinh tế, đặc biệt là việc lựa chọn các ngành nghề mang yếu tố xanh, bền vững. Đó là việc thu hút các công ty về năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, các công ty sản xuất năng lượng mặt trời, gió và thủy điện; các KCN xanh tập trung thu hút các nhà đầu tư công nghiệp sạch, xanh, các công ty điện tử và công nghiệp bán dẫn, công nghệ AI; nghiên cứu khoa học, R&D.

Mặc khác cần nâng cao hiệu quả sản xuất: Ứng dụng công nghệ hiện đại; tối ưu hóa quy trình sản xuất; Giảm chi phí sản xuất.

Theo ông Toàn, phát triển bền vững các KCN để bảo đảm lợi nhuận lâu dài; giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội.

Tiêu chí về quy hoạch là một trong những tiêu chí quan trọng để triển khai các KCN thông minh, bền vững. Đối với quy hoạch tổng thể: Phân khu chức năng rõ ràng; kết nối giao thông thuận tiện; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại (đường xá, nhà máy cung cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cung cấp điện, năng lượng xanh).

Ngoài ra tiêu chí về quản lý cũng yêu cầu áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lí, để vận hành hệ thống thông minh.

Ông Nguyễn Chí Toàn cho biết, để bảo đảm tính khách quan và minh bạch, các KCN xanh thường được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như: LEED (Leadership in Energy and Environmental Design): Tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh hàng đầu thế giới. ISO 14001: Hệ thống quản lý môi trường; ISO 50001: Hệ thống quản lí năng lượng; Chứng nhận BCA Green Mark.

Đơn cử như mô hình KCN Bình Dương (VSIP)-đơn vị đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các mục tiêu nhằm hướng đến đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 trong đó xây dựng hệ sinh thái KCN xanh, thông minh và bền vững; Xây dựng cộng đồng bền vững. VSIP đang triển khai nhiều ý tưởng mới trong hoạt động của mình như giảm phát thải carbon, thúc đẩy hệ sinh thái và sử dụng năng lượng tái tạo... vì cộng đồng và môi trường. Đây cũng là KCN có nhà máy carbon trung tính đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn Lego.

KCN VSIP đang vận hành theo hướng thông minh, bền vững từ quản lý môi trường, đó là tuân thủ các quy định về môi trường (không khí, nước…); quản lý chất thải; quản lý năng lượng; quản lý nước cho đến hệ thống giao thông nội khu thông minh: Hệ thống quản lý giao thông giảm thiểu ùn tắc và tai nạn hiệu quả; hệ thống phát hiện vị phạm giao thông, nâng cao an toàn; thời gian điều phối và phản ứng của xe cứu thương được rút ngắn.

Quá trình tương tác với khách hàng được thực hiện theo hướng giảm thời gian cần thiết để truy cập dịch vụ trong KCN; giám sát, lập hóa đơn và dữ liệu bảo trì theo thời gian thực; phân tích báo cáo dễ dàng, nhanh chóng và tăng năng suất.

KCN VSIP đẩy mạnh xây dựng cộng đồng tập trung vào tính bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

Diệp Anh